Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sáng 15/5. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Liên minh Đổi mới phát triển quốc tế (IDIA) đồng tổ chức.
Đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp khoa học và công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp, một số nhà khoa học tiêu biểu cùng với hơn 50 đại biểu là đại diện cấp cao của các thành viên IDIA, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, một số tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài, Đại sứ quán và các cơ quan liên quan của Australia và một số nước khác tham dự.
Đây là diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và các đối tác quốc tế trao đổi về cách thức mà khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự có thể đóng góp cho tăng trưởng kinh tế-xã hội ở Việt Nam.
Hội nghị cũng là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam trao đổi, tăng cường liên kết với mạng lưới IDIA lần đầu tiên nhóm tập hợp tại Việt Nam.
IDIA gồm các tổ chức thành viên từ các chính phủ, tổ chức quốc tế, các quỹ về đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới (từ các nhà tài trợ đa phương như Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển LHQ) đến các nhà tài trợ song phương quan trọng (Tổ chức viện trợ Australia, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Tổ chức viện trợ Vương quốc Anh…), các tổ chức tư nhân lớn (Quỹ Rockefeller và Quỹ Bill & Melinda Gates).
Những kinh nghiệm và ý kiến tham vấn của các chuyên gia tại Hội nghị sẽ là những thông tin quý báu, hữu ích, đóng góp cho quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam.
Theo chương trình, Hội nghị sẽ nghe Báo cáo nghiên cứu về tương lai kinh tế số Việt Nam. Báo cáo là kết quả của sự hợp tác kéo dài 18 tháng giữa CSIRO/Data61 của Australia và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Hội nghị nằm trong khuôn khổ “Tuần lễ Đổi mới sáng tạo” diễn ra từ ngày 13-17/5 tại Hà Nội, hướng đến mục tiêu tìm hiểu về các công cụ, công nghệ và xu hướng khác nhau liên quan đến cuộc cách mạng 4.0, các rủi ro hoặc lợi ích tiềm năng của chúng đối với sự bình đẳng, sự bao trùm và các kết quả phát triển ở Việt Nam và một số nước khác.