Thứ sáu, 17/05/2019 15:46 GMT+7

Hội thảo khoa học “Nghiên cứu khoa học pháp lý trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ Tư”

Ngày 15/5/2019, tại Hà nội, Trường Đại học Luật Hà Nội và Viện Khoa học Pháp lý thuộc Bộ Tư pháp đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu khoa học pháp lý trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ Tư”. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý thuộc các bộ/ngành, cơ quan nghiên cứu, các trường đại học và nhiều cơ quan thông tấn báo chí… Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế (Trung tâm Hội nhập) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ được mời tham dự và được đề nghị trình bày “dẫn đề” với nội dung giới thiệu nhận thức chung về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0).


Toàn cảnh hội thảo- Ảnh VISTIP

 

Với chức năng giúp Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ thực hiện việc nghiên cứu và phát triển hội nhập khoa học - công nghệ trong cả nước, Trung tâm Hội nhập nhận lời mời của Ban tổ chức hội thảo với với ý thức và trọng trách của một đơn vị hội nhập quốc tế trong một lĩnh vực hội nhập chuyên ngành duy nhất tại Việt Nam đến thời điểm này được luật hóa tại Luật Khoa học và Công nghệ. Bài trình bày của Trung tâm với tiêu đề “The fourth industrial revolution: How we should understand?- Cuộc cách mạng công nghiệp lầ thứ Tư: Chúng ta nên hiểu thế nào?” và được chuẩn bị hoàn toàn bằng tiếng Anh nhằm chuyển đi thông điệp rõ ràng: “ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là công cụ hay cầu nối quan trọng của hoạt động hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập khoa học – công nghệ nói riêng”. Bài trình bày của Trung tâm Hội nhập cũng cho thấy “Năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” chính là “Năng lực hội nhập quốc tế về khoa học - công nghệ” vì về bản chất “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” là “Cuộc cách mạng Công nghệ”.



CMCN 4.0 dưới góc nhìn của các chuyên gia pháp lý là gì?- Ảnh: VISTIP

 

Khác với hầu hết các bài trình bày mang tính “truyền thống” bằng việc giới thiệu tuần tự các cuộc cách mạng công nghiệp đã xảy ra trong lịch sử nhân loại để dẫn dắt thính giả tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Trung tâm Hội nhập cung cấp những bằng chứng, thông tin minh họa cho thấy nhiều hiện tượng “thú vị” đã và đang diễn ra trong đời sống, xã hội của chúng ta như các “hiện tượng” Uber, AirBnB, Alibaba, facebook, bitcoin… Đây là những mô hình kinh tế mới “không sở hữu gì nhưng kiểm soát tất cả-Own nothing but Control everything”. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học – công nghệ mang tính “đột phá” với tốc độ  “sóng thần” trong thế giới thực như trong lĩnh vực công nghệ sinh học, vật liệu, năng lượng, robot, in 3D, kết nối vạn vật… và trong thế giới ảo như trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối, máy tính lượng tử, thực tế ảo… đã tạo nên trong thực tế rất nhiều điều tưởng như chỉ có trong những câu chuyện viễn tưởng và những mô hình kinh tế mới nêu trên là những minh họa sống động.

Phát triển của khoa học - công nghệ là một thực tế khách quan- là thành tựu của nhân loại tồn tại xung quanh ta và không phụ thuộc mong muốn chủ quan của ta. Hiểu rõ bản chất của cuộc cách mạng này và hiểu rõ năng lực của cá nhân, tổ chức (ngành/lĩnh vực) cũng như của quốc gia sẽ giúp chúng ta có được nhận thức đúng, từ đó đề ra những cách tiếp cận/giải pháp/chính sách đúng nhằm khai thác tốt cơ hội cũng như hạn chế những thách thức mà cuộc cách mạng này mang lại. Trong lĩnh vực lập pháp và tư pháp cũng không phải là ngoại lệ.



Giám đốc VISTIP trình bày tại hội thảo- Ảnh: VISTIP

 

Về phương diện quốc gia, để đón bắt CMCN 4.0, mỗi quốc gia đều phải lựa chọn cho mình một hướng đi riêng phù hợp với hoàn cảnh cũng như tham vọng của mỗi nước. CMCN 4.0 với Hoa Kỳ là mục tiêu trở thành “Quốc gia của các nhà chế tạo- a Nation of Maker”, Hàn Quốc thì muốn trở thành một “Nền kinh tế sáng tạo- Creative Economy”, nước Anh mong muốn “Thiết kế trong sự đổi mới- Design in Innovation”.  Năm 2015, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra chiến lược công nghiệp “Made in China 2025”, với mục tiêu biến Trung Quốc thành một người khổng lồ về sản xuất trong vòng 10 năm tới bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến như robot, cảm biến và trí tuệ nhân tạo. Ấn Độ muốn tận dụng cơ hội này để trở thành một “Dân tộc thông minh- Smart Nation” vì vậy từ năm 2014, Chính phủ Ấn Độ đã triển khai nhiều sáng kiến như xây dựng “smart cities- những thành phố thông minh” trên toàn Ấn Độ vào năm 2030; “Làm tại Ấn Độ- Make in India”, hay “Ấn Độ số- Digital India”... Đón bắt làn sóng CMCN 4.0- Thái Lan 4.0, Người Thái mong muốn đưa Thái Lan trở thành một nước “Thái Lan Thông minh - Đổi mới - Sáng tạo – Creative - Innovative Smart Thailand”. Về thực chất Thái Lan 4.0 là một mô hình kinh tế làm thay đổi trang trại truyền thống của Thái Lan thành trang trại thông minh, doanh nghiệp SME truyền thống thành các doanh nghiệp thông minh và các dịch vụ truyền thống thành các dịch vụ giá trị gia tăng cao.

Cách hiểu, cách tiếp cận nhận thức và vận dụng CMCN 4.0 sẽ là rất khác nhau tùy thuộc rất lớn vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, thậm chí mỗi cá nhân. Thực tế, đến nay thế giới chưa có một định nghĩa “thống nhất” về CMCN 4.0. Các nước phát triển nhận thức CMCN 4.0 khác với các nước đang phát triển. Thậm chí trong các nước đang phát triển cũng có sự khác nhau nhận thức về CMCN 4.0. Đây là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam, vì chỉ khi nào có được nhận thức đầy đủ về bản chất, tác động của CMCN 4.0 và khả năng tư duy, quản lý điều phối tích hợp các yếu tố công nghệ, phi công nghệ, giữa thực và ảo, giữa con người và máy móc mới có thể định hướng, tư vấn chính sách nhằm tận dụng tốt nhất những cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế

Lượt xem: 3061

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)