Thứ hai, 20/05/2019 16:27 GMT+7

Cục ATBXHN tổ chức Hội thảo khoa học nhân Ngày KH&CN Việt Nam

Chào mừng các ngày lễ lớn trong tháng 5 lịch sử và chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5, ngày 17/5/2019, Cục ATBXHN tổ chức Hội thảo khoa học nhân Ngày KH&CN Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục ATBXHN đã chủ trì Hội thảo khoa học.


Phát biểu tại buổi Hội thảo, Cụctrưởng Nguyễn Tuấn Khải cho biết, cùng chung các hoạt động của Bộ KH&CN chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam, Cục ATBXHN tổ chức Hội thảo khoa học nhằm chia sẻ các kiến thức khoa học, giới thiệu kết quả đạt được cũng như trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện nghiên cứu khoa học, đóng góp vào công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân. Đặc biệt trong Hội thảo lần này, Cục ATBXHN mời TS. Đặng Thanh Lương, nguyên Phó Cục trưởng Cục ATBXHN, chuyên gia về an toàn bức xạ có một bài trình bày trao đổi về một vấn đề rất quan trọng và mang tính thời sự hiện nay là kiểm soát nguồn phóng xạ và chất phóng xạ trong phế liệu kim loại và sắt thép thương phẩm.

Tại buổi Hội thảo, TS. Đặng Thanh Lương đã nhắc lại một số sự cố bức xạ liên quan đến phế liệu kim loại xảy ra trên thế giới để nhận thấy nguy cơ tiềm ẩn này rất to lớn và cần có biện pháp kiểm soát tốt để sớm phát hiện và ngăn ngừa hậu quả bức xạ lâu dài. Các nỗ lực của quốc tế được thể hiện qua việc ban hành các quy định, hướng dẫn, quy tắc ứng xử về kiểm soát đối với các nguồn phóng xạ, vận chuyển xuyên biên giới chất phóng xạ có trong phế liệu kim loại và sắt thép thương phẩm,…Còn tại Việt Nam, chúng ta đã có các quy định cụ thể liên quan đến vấn đề này nhưng hiện đã bộc lộ nhiều bất cập. Đây cũng là đề bài đặt ra cho cơ quan quản lý để nghiên cữu kỹ hơn nhằm hoàn thiện hệ thống VBQPPL.

Tiếp đó, ông Dương Hồng Nhật, Trung tâm HTKT cũng có bài trình bày giới thiệu về Hướng dẫn quốc tế về bảo vệ công chúng trong trường hợp sự cố nhà máy điện hạt nhân. Các quy định của quốc tế về ứng phó tai nạn nhà máy điện hạt nhân ở các giai đoạn khác nhau, về phân vùng ứng phó, về các biện pháp ứng phó, về các  sơ tán người dân, tái định cư,… đã được giới thiệu chi tiết. Các bài học kinh nghiệm rút ra từ các tai nạn nhà máy điện hạt nhân như tai nạn Chernobyl và Fukushima có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nước trên thế giới.  

Với không khí trao đổi cởi mở, thẳng thắn, sôi nổi, buổi Hội thảo đã thành công tốt đẹp, mang lại nhiều kiến thức chuyên môn bổ ích, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết cũng như đưa ra một số gợi mở nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân.

Theo quy định tại Điều 7, Luật Khoa học và Công nghệ, ngày 18 tháng 5 hằng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ. Ngày KH&CN Việt Nam được tổ chức nhằm biểu dương và tôn vinh đội ngũ cán bộ KHCN; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về các thành tựu KH&CN đối với sự phát triển đất nước, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN; động viên thế hệ trẻ đặc biệt là học sinh, sinh viên say mê nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trong tương lai. Ngày KH&CN Việt Nam năm nay được tổ chức với chủ đề: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - kiến tạo tương lai với mong muốn ngành KH&CN Việt Nam sẽ có sự phát triển mạnh mẽ hơn, khẳng định được vai trò quan trọng trong quá trình phát triển và xác định vị trí của Việt Nam trên bản đồ khu vực và thế giới./.

Nguồn: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân

Lượt xem: 2603

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)