Thứ tư, 29/05/2019 08:53 GMT+7

Hội thảo giới thiệu Chương trình Đổi mới sáng tạo dành cho các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp vừa và nhỏ

Sáng 28/5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Ban quản lý Dự án, Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức tổ chức Hội thảo giới thiệu Chương trình Đổi mới sáng tạo dành cho các tổ chức khoa học và công nghệ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (Chương trình ZIM).

Tham dự Hội thảo về phía Đức có ông Jörg Rüger, Trưởng Bộ phận phụ trách về môi trường, xây dựng, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam; ông Felix Richter, Đại diện Cơ quan Quản lý dự án của Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức; .... Về phía Việt Nam có bà Hà Thị Lâm Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cùng đại diện một số đơn vị thuộc Bộ; đại diện các Sở KH&CN các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ; đại diện doanh nghiệp và nhà khoa học đến từ viện nghiên cứu, trường đại học…
 


Toàn cảnh Hội thảo.

Chương trình ZIM được thực hiện trong khuôn khổ Ý định thư về Hợp tác KH&CN giữa Bộ KH&CN và Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức ký kết tháng 12/2012. So với các Chương trình hợp tác song phương khác với đối tác Đức, Chương trình ZIM có sự khác biệt đó là bắt buộc phải có sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nghiên cứu được tài trợ phải đưa ra được công nghệ có tính mới, vượt trội và có định hướng thương mại hóa sản phẩm. Cho đến nay, hai Bên đã cùng đăng thông báo kêu gọi đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu chung 04 lần và Chương trình ZIM lần thứ 5 đang được đăng thông báo trên website của Bộ KH&CN từ ngày 01/3/2019, thời hạn nộp hồ sơ đến hết ngày 09/10/2019. Điểm mới của Chương trình ZIM lần thứ 5 là không giới hạn lĩnh vực ưu tiên như trước mà mở rộng đối với tất cả các lĩnh vực. Với điểm mới này, hai Bên mong muốn sẽ cùng nhận được nhiều đề xuất hợp tác tốt trong lần thông báo kêu gọi này cũng như các lần tiếp theo.

Với mục đích hỗ trợ các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học và các doanh nghiệp hiểu và có thể  tham gia Chương trình ZIM lần thứ 5, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức tổ chức Hội thảo nhằm giới thiệu và hướng dẫn về quy trình xét duyệt, cơ chế tài chính, phương thức tham gia, cách thức hỗ trợ kết nối các nhà khoa học và doanh nghiệp hai nước.
 

Bà Hà Thị Lâm Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KH&CN) phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Hà Thị Lâm Hồng cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam luôn coi CHLB Đức là đối tác hàng đầu tại Châu Âu không chỉ về hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư mà còn về trao đổi hàn lâm, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Hợp tác KH&CN và Đổi mới sáng tạo với CHLB Đức nói chung và đặc biệt với Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức nói riêng là một trong những ưu tiên của Bộ KH&CN Việt Nam.

“Nói đến nước Đức là nói đến công nghệ công nghiệp ô tô, kỹ thuật cơ khí chính xác, công nghệ robot tự động hoá, công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, kỹ thuật y tế… và gần đây nhất là những công nghệ trong công nghiệp 4.0 đang tạo ra những giá trị gia tăng lớn trong nền kinh tế. Với nỗ lực của cả 2 quốc gia, những lĩnh vực công nghệ tiên tiến này hoàn toàn có thể và thực tế là đang dần được chuyển giao tại Việt Nam, một đất nước đang phát triển hết sức năng động tại khu vực Đông Nam Á và đang nhanh chóng chuẩn bị các thiết chế, khung pháp lý cũng như hạ tầng kỹ thuật để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, bà Hà Thị Lâm Hồng nhấn mạnh.

Ông Jörg Rüger, Trưởng Bộ phận phụ trách về môi trường, xây dựng, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam bày tỏ vui mừng khi Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo các quý vị đại biểu. Ông Jörg Rüger cho biết, mục tiêu của Chương trình nhằm tài trợ cho các nhiệm vụ nghiên cứu chung hướng tới thương mại hóa kết quả nghiên cứu, vì vậy các tổ chức KH&CN cần hợp tác, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nhằm hướng tới thương mại hóa sản phẩm.


Ông Jörg Rüger, Trưởng Bộ phận phụ trách về môi trường, xây dựng, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

“Lực lượng chính được coi là “xương sống” của nền kinh tế Đức tạo nên sự phồn vinh của nước Đức chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư nhiều sức lực vào ý tưởng của mình để tìm cách đưa sản phẩm ra thị trường. Nếu chúng ta tập hợp được tất cả ý tưởng và sức mạnh này, cũng như gắn kết giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ hai nước, tôi tin rằng sẽ kết nối được nhiều doanh nghiệp tham gia vào Chương trình”, ông Jörg Rüger cho hay.

Để giúp các tổ chức KH&CN, nhà khoa học và các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về Chương trình ZIM cũng như các thủ tục liên quan để thuận tiện trong quá trình tham gia Chương trình, tại Hội thảo các báo cáo tham luận đã giới thiệu về: Chương trình ZIM và cơ chế tài trợ của phía Đức; Quy trình xét duyệt và cơ chế tài trợ của phía Việt Nam; Các nhiệm vụ đã và đang triển khai trong khuôn khổ Chương trình ZIM; Khả năng tìm kiếm và kết nối với các doanh nghiệp Đức...
 

Ông Felix Richter, Đại diện Cơ quan Quản lý dự án của Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức phát biểu tại Hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Felix Richter, Đại diện Cơ quan Quản lý dự án của Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức cho biết, ngoài hợp tác với Việt Nam, Chương trình ZIM đã hợp tác với 25 quốc gia trên thế giới. Tại Đông Nam Á, cơ sở “đầu tầu” là Bộ KH&CN Việt Nam. Hằng năm, Chương trình sẽ tổ chức các đợt thông báo kêu gọi các đề tài/dự án tham gia đề xuất xin tài trợ. Vấn đề đặt ra đối với mỗi doanh nghiệp Đức khi tham gia Chương trình là cần chuẩn bị được nguồn vốn đối ứng nhất định. Chương trình ZIM lần thứ 5 được mở rộng lĩnh vực tài trợ hơn, hi vọng sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.

Để tham gia Chương trình ZIM, ngoài những yêu cầu chung từ phía Đức, về phía Việt Nam có một số yêu cầu riêng như: Tổ chức KH&CN là đơn vị chủ trì và cần có ít nhất 01 doanh nghiệp vừa và nhỏ phối hợp thực hiện. Hồ sơ đề xuất tham gia gồm có: đề cương theo mẫu 01 Thông tư số 12/2014/TT-BKHCN ngày 30/5/2014 và công văn đề xuất của Bộ chủ quản gửi Bộ KH&CN; Cơ chế tài trợ của phía Việt Nam: kinh phí phía đối tác phải đạt tối thiểu 40% tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ, hay hiểu cách khác kinh phí phía Việt Nam không được quá 1,5 lần kinh phí phía đối tác cấp; Sản phẩm của dự án phải có tính mới và hướng tới thương mại hóa kết quả nghiên cứu; Quy trình xét duyệt hồ sơ cũng được tuân thủ theo Thông tư 12/2014/TT-BKHCN. Tại Hội thảo, các đại biểu tham gia đã được nghe đại diện Bộ KH&CN hướng dẫn cụ thể về quy trình xét duyệt này. Các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận để làm rõ hơn những nội dung liên quan đến Chương trình như về các điều kiện cần thiết để tham gia Chương trình, cơ chế hỗ trợ của hai Bên…

Tiếp nối thành công của Hội thảo giới thiệu Chương trình ZIM diễn ra ngày 28/5 tại Hà Nội, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức tiếp tục tổ chức Hội thảo này tại TP.HCM (ngày 30/5) và tại Berlin (ngày 12/6) nhằm giới thiệu và hỗ trợ được tối đa các thông tin về Chương trình tới các nhà khoa học và các doanh nghiệp của hai nước.

Thời gian qua, Việt Nam và Đức đã và đang chứng kiến rất nhiều thành tựu hợp tác trong lĩnh vực KH&CN, Đổi mới sáng tạo thông qua các Chương trình hợp tác nghiên cứu chung như Chương trình Y tế và phát triển đô thị bền vững, Chương trình kinh tế sinh học, Chương trình CLIENT I & II (Đối tác quốc tế về nghiên cứu phát triển bền vững hợp tác với Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Đức) và Chương trình Đổi mới sáng tạo dành cho các tổ chức KH&CN phối hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hợp tác với Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức (gọi tắt là Chương trình ZIM). Thông qua việc triển khai các Chương trình này nhiều tổ chức KH&CN Việt Nam đã hợp tác với các đối tác mạnh của Đức để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu chung tập trung vào hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề cấp bách liên quan đến y tế, sức khỏe, môi trường, các vấn đề về BĐKH và chuyển giao những công nghệ tiên tiến vào Việt Nam đáp ứng được nhu cầu trong nước.

 

Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3675

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)