Thông tin trên được ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết khi đề cập đến vụ việc sản xuất, pha chế xăng dầu giả tại Đắk Nông.
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Cơ quan chức năng ngành KH&CN có vai trò quan trọng trong việc phối hợp, hỗ trợ cơ quan công an trong việc xác định bản chất các hành vi vi phạm trong vụ việc xăng dầu ở tỉnh Đắk Nông.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, vụ xăng dầu không đảm bảo chất lượng tại Đắk Nông, trong quá trình điều tra, xử lý, các cơ quan chức năng của ngành KH&CN đã phối hợp, hỗ trợ cơ quan Công an tỉnh Đắk Nông trong thử nghiệm, kiểm tra, đánh giá chất lượng xăng dầu phục vụ quá trình điều tra. Các cơ quan ngành KH&CN đã hỗ trợ cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Đắk Nông phân tích, làm rõ các căn cứ pháp lý và cơ sở khoa học trong việc xác định bản chất các hành vi vi phạm.
Hiện, Bộ KH&CN tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các cơ quan công an xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về xăng dầu, kiến nghị xem xét xử lý hình sự đối với các hành vi có dấu hiệu phạm tội. Bộ đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố để chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có thông tin, nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm về chất lượng xăng dầu, lấy mẫu thử nghiệm để xử lý theo quy định của pháp luật. “Lưu ý tập trung lấy mẫu tại các điểm là bể chứa xăng dầu để tăng khả năng phát hiện gian lận về chất lượng”, ông Linh cho biết.
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, tình trạng pha chế xăng dầu trái phép có nhiều diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trên cơ sở kế hoạch 410/KH-BCĐ389 ngày 14/6/2017 về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại xăng dầu, Bộ KH&CN đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch, tổ chức triển khai thanh tra chuyên đề năm 2018, nhằm hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về đo lường, chất lượng xăng dầu trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường.
Cây xăng của Trịnh Sướng tại Đắk Nông, nơi phát hiện 10m3 xăng giả. Ảnh:Thiện Nhân.
Quá trình triển khai phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng xăng dầu, các địa phương đã xử phạt với số tiền gần 6,7 tỷ đồng và áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả. Qua thanh tra, kiểm tra, các Sở KH&CN cùng các sở, ngành khác đã phát hiện một số thủ đoạn hết sức tinh vi trong việc gian lận về xăng dầu (như việc sẵn có các ngăn chứa dung môi được lắp đặt bí mật trong các xi téc chứa xăng…), và kịp thời chuyển thông tin cho cơ quan công an để vào cuộc điều tra, đấu tranh với các thủ đoạn này.
Trước đó từ ngày 28/5 đến 2/6, hàng trăm cảnh sát đồng loạt khám xét 6 điểm ở TP.HCM, TP.Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng của Trịnh Sướng (50 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng ở Sóc Trăng) và các đồng phạm do phát hiện 3 cửa hàng bán xăng giả, trong đó có một cây xăng của đại gia Trịnh Sướng.
Cơ quan điều tra xác định, trong hơn hai năm hoạt động, đường dây của Trịnh Sướng đã chi 3.000 tỷ đồng mua dung môi pha trộn vào xăng kém chất lượng, cộng thêm chất kích RON, chất tạo màu để tạo ra xăng E5 RON 92 và RON 95 giả. Kết quả giám định cho thấy xăng giả có thể làm hỏng động cơ.
Khai với cảnh sát, ông Sướng và các đồng phạm thừa nhận đã bán ra thị trường khoảng 19,5 triệu lít xăng giả giá thấp hơn thị trường 7.000-10.000 đồng mỗi lít, thu lợi bất chính hơn 130 tỷ đồng.