Thứ sáu, 21/06/2019 09:04 GMT+7

Gặp mặt các Hội đồng khoa học ngành/liên ngành trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn nhiệm kỳ 2016-2018

“Kết quả tích cực trong giai đoạn vừa qua là một trong những tiêu chí đánh giá sự khách quan, dân chủ của Quỹ, nhưng phần đóng góp quan trọng nhất là từ HĐKH bao gồm các nhà khoa học trong lĩnh vực KHXH&NV” – Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận định tại buổi gặp mặt các Hội đồng khoa học (HĐKH) ngành/liên ngành trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) nhiệm kỳ 2016-2018 được tổ chức ngày 19/6/2019 vừa qua tại Hà Nội.

Tham dự buổi gặp mặt và phiên họp có Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc – Chủ tịch Hội đồng quản lý (HĐQL) Quỹ, các thành viên HĐQL Quỹ, các nhà khoa học là thành viên HĐKH ngành/liên ngành nhiệm kỳ 2016-2018, 2019-2021, đại diện các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, Cơ quan điều hành Quỹ và các cơ quan báo chí, truyền thông Bộ KH&CN.
 

Toàn cảnh buổi gặp mặt.
 

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Công Tạc gửi lời cảm ơn các nhà khoa học trong Hội đồng đã có những đóng góp thiết thực đối với hoạt động của Quỹ trong suốt nhiệm kỳ vừa qua. Thứ trưởng cũng nhận định, mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu, chương trình tài trợ của Quỹ cần tiếp tục tài trợ, hỗ trợ thực hiện các nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH&NV, bao gồm nghiên cứu và đề xuất quản lý xã hội một cách hiệu quả đặc biệt trong hoàn cảnh tương tác con người trong xã hội đang có những sự thay đổi căn bản.
 

Thứ trưởng Phạm Công Tạc – Chủ tịch HĐQL Quỹ phát biểu khai mạc.
 

Thay mặt Cơ quan điều hành Quỹ, Giám đốc Đỗ Tiến Dũng đã báo cáo về  hoạt động của Quỹ và hoạt động của HĐKH ngành/liên ngành lĩnh vực KHXH&VN nhiệm kỳ 2016 – 2018. Các chương trình tài trợ của Quỹ đã được tổ chức thường xuyên, liên tục và được sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN trong lĩnh vực. Đến nay đã có trên 450 đề tài thuộc 120 tổ chức KH&CN, với trên 2000 nhà khoa học được Quỹ tài trợ thực hiện chương trình NCCB trong KHXH&NV. Kết quả điều tra đối với các (800) đề tài NCCB do Quỹ tài trợ, trong đó có các đề tài trong lĩnh vực KHXH&NV, đã cho thấy tác động tích cực của chương trình đối với nhóm nghiên cứu trong việc duy trì hoạt động nghiên cứu, tăng khả năng tìm kiếm các nguồn tài trợ trong và ngoài nước, và đặc biệt là tác động (ảnh hưởng quyết định) đối với nâng cao chất lượng nghiên cứu và tăng số lượng công bố.

HĐKH ngành/liên ngành trong lĩnh vực KHXH&NV của Quỹ được thành lập theo 7 ngành/liên ngành (liên ngành Tâm lý học, Giáo dục học; ngành Kinh tế học; ngành Luật học; liên ngành Triết học, Chính trị học, Xã hội học; liên ngành Văn hóa học, Nghiên cứu nghệ thuật, Thông tin đại chúng và Truyền thông; liên ngành Sử học, Khảo cổ học; liên ngành Văn học, Ngôn ngữ học). Chức năng của HĐKH bao gồm tư vấn xác định định hướng nghiên cứu, tư vấn đánh giá các nhiệm vụ thuộc chương trình NCCB và hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN Quốc gia do Quỹ tài trợ/hỗ trợ. Trong chu trình quản lý nhiệm vụ của Quỹ, HĐKH thực hiện đánh giá xét chọn, đánh giá định kỳ và đánh giá nghiệm thu các đề tài do Quỹ tài trợ.

Trong nhiệm kỳ 2016 – 2018, HĐKH đã thực hiện nhiều phiên họp đánh giá xét chọn hồ sơ chương trình NCCB và hồ sơ nâng cao năng lực (đánh giá xét chọn 319 hồ sơ và đưa ý kiến đánh giá để Quỹ có cơ sở quyết định tài trợ cho 168 đề tài; đánh giá định kỳ 49 đề tài, đánh giá nghiệm thu 129 đề tài và đánh giá 113 hồ sơ thuộc chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN Quốc gia). Ngoài ra, trong quá trình hoạt động thuộc nhiệm kỳ, HĐKH còn tư vấn, đề xuất Danh mục tạp chí quốc tế và quốc gia uy tín trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (đã được HĐQL Quỹ ban hành kèm theo Quyết định số 224/QĐ-HĐQL-NAFOSTED ngày 8/11/2017).

 Thống kê kết quả thực hiện tài trợ, từ năm 2010, số lượng đề tài chương trình NCCB trong KHXH&NV tăng trưởng đều qua các năm. Năm 2015, số đề tài giảm đáng kể do có điều kiện mới về công bố quốc tế, nhưng những năm gần đây (từ 2017) có sự tăng trưởng trở lại với số lượng tài trợ từ 40 – 60 đề tài hằng năm. Đánh giá kết quả thực hiện đề tài trong giai đoạn cho thấy, đa số các đề tài đã hoàn thành kết quả đăng ký, với sản phẩm khoa học đạt trung bình 0,7 bài quốc tế, 4,5 bài báo quốc gia và 1,1 bản thảo sách chuyên khảo đối với mỗi đề tài đã hoàn thành nội dung nghiên cứu. Ngoài ra các đề tài còn đóng góp vào việc phát triển nguồn lực nghiên cứu, trung bình đào tạo được 0,67 tiến sỹ/đề tài.

Trao đổi tại buổi gặp mặt, các nhà khoa học đánh giá tích cực về hoạt động của Quỹ, với sự ghi nhận từ các tổ chức KH&CN trong nước và quốc tế. Hoạt động của Quỹ trong thời gian qua đã góp phần xây dựng nền KH&CN quốc gia theo hướng tiếp cận chuẩn mực quốc tế, đổi mới phương thức quản lý khoa học, công khai, minh bạch. Đây là nhận định của PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Chủ tịch HĐKH ngành Kinh tế học.

Các nhà khoa học cũng cho rằng Quỹ nên kiên trì theo định hướng công bố quốc tế, cần nâng cao hơn nữa các chuẩn mực để có các công bố chất lượng cao. Cần có chiến lược để tăng chất lượng bài báo, tăng khả năng được trích dẫn bài báo. Ngoài ra Quỹ cũng tăng cường hỗ trợ cho hội thảo quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. Bên cạnh đó, PGS. Nguyễn Hoàng Yến nhận định, Quỹ cũng tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học trong việc quản lý và sử dụng kinh phí tài trợ.
 


 


 

Đại diện một số HĐKH trao đổi tại buổi gặp mặt (từ trên xuống: GS.TS. Phạm Quang Minh, GS.TS. Lê Hồng Lý, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Yến).
 

GS.TS. Phạm Quang Minh đánh giá Quỹ đã tạo ra một môi trường nghiên cứu thuận lợi. Các nhà khoa học cần sự dân chủ, bình đẳng mà NAFOSTED đã xây dựng. Với cơ chế phù hợp, thủ tục đơn giản, số lượng lớn các nhà khoa học trẻ tham gia thực hiện đề tài, Quỹ tạo ra sự tin tưởng trong cộng đồng khoa học. GS. Phạm Quang Minh kiến nghị Quỹ cần liên kết nhiều hơn với các quỹ, các nguồn hỗ trợ KH&CN quốc tế, hỗ trợ các nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài về Việt Nam.
 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi gặp mặt.
 

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chia sẻ, đây là cơ hội để Lãnh đạo Bộ bày tỏ sự ghi nhận đối với sự đóng góp của các thành viên HĐKH trong lĩnh vực KHXH&NV đã thực hiện hoạt động tư vấn đánh giá các nhiệm vụ khoa học và công nghệ và góp ý xây dựng cơ chế, chính sách để Quỹ triển khai các hoạt động tài trợ, hỗ trợ hiệu quả. Bộ trưởng đồng tình rằng, các con số “biết nói” về kết quả hoạt động của Quỹ giai đoạn vừa qua cho thấy chương trình tài trợ NCCB trong KHXH&NV có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực, trong đó có đóng góp quan trọng của các HĐKH. Với trình độ chuyên môn cao, thái độ làm việc công tâm và khách quan, HĐKH đã tư vấn, đề xuất những hồ sơ có chất lượng và khả thi nhất, góp phần quan trọng vào việc tăng hiệu quả các chương trình tài trợ/hỗ trợ của Quỹ. Bộ trưởng cũng bày tỏ sự tin tưởng các thành viên HĐKH sẽ tiếp tục đóng góp vào hoạt động của Quỹ trong thời gian tới.

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp khoa học và công nghệ cho 18 nhà khoa học là thành viên HĐKH ngành/liên ngành trong lĩnh vực KHXH&NV.

Bộ trưởng trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp KH&CN cho các nhà khoa học.
 

Sau buổi gặp mặt, các HĐKH ngành/liên ngành nhiệm kỳ 2019-2021 họp đánh giá xét chọn hồ sơ nghiên cứu cơ bản trong KHXH&NV năm 2019 đợt 2. Dự kiến, các HĐKH sẽ tiếp tục họp phiên 2 xem xét, đề xuất tài trợ đối với cac hồ sơ đăng ký trong tháng 7/2019. Kết quả tài trợ dự kiến sẽ được Quỹ công bố vào tháng 8/2019 sau khi HĐQL Quỹ phê duyệt danh mục tài trợ.

Một số thông tin về hoạt động của HĐKH nhiệm kỳ 2016 -2018

 

 

Nguồn: Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia

Lượt xem: 2926

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)