Thứ ba, 25/06/2019 22:45 GMT+7

Phát triển thị trường công nghệ: cần sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các sàn giao dịch

Sàn giao dịch công nghệ (GDCN) chỉ có thể tồn tại và phát triển nếu xây dựng, duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các sàn và giữa sàn với hệ thống cơ quan chức năng, tổ chức chuyên môn, tổ chức truyền thông, đồng thời xây dựng hệ thống dữ liệu (big data) đầy đủ.

Đó là chia sẻ của Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ (KH&CN) quốc gia kiêm Giám đốc Trung tâm Giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị. Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo khoa học "Bàn về các giải pháp phát triển và kết nối các sàn giao dịch công nghệ" do Cục Thông tin KH&CN quốc gia, Sở KH&CN Hải Phòng phối hợp tổ chức tại Hải Phòng vào chiều 25/6/2019. Tham dự hội thảo còn có Lãnh đạo các Sở KH&CN Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, Đà Nẵng, An Giang, Hà Nam,….
 


Toàn cảnh Hội thảo.

Để tăng cường hợp tác giữa các sàn và giữa sàn với các cơ quan chức năng có liên quan, ông Vũ Anh Tuấn cho rằng cần xây dựng các sàn giao dịch công nghệ cấp quốc gia tại 3 thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Xây dựng sàn giao dịch quốc gia với vai trò là tổ chức dịch vụ KH&CN; đẩy mạnh liên kết sàn giao dịch công nghệ quốc gia với các sàn giao dịch trong nước và sàn giao dịch quốc tế; đề xuất về hoạt động dịch vụ trung gian của sàn giao dịch quốc gia.

Về liên kết sàn GDCN quốc gia với các sàn giao dịch trong nước và sàn giao dịch quốc tế, ông Vũ Anh Tuấn cho rằng, cần tổ chức hệ thống thông tin online của sàn giao dịch công nghệ quốc gia đạt chuẩn mực quốc tế, tạo kênh kết nối trực tuyến về giao dịch công nghệ trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Các sàn giao dịch cần có sự trao đổi thông tin với nhau, sàn cấp quốc gia có thể truy xuất thông tin từ các sàn giao dịch quốc tế, sàn cấp cơ sở có thể truy xuất thông tin từ sàn quốc gia và có thể cung cấp dữ liệu cho sàn quốc gia; hợp tác phát triển các hệ thống mạng lưới thành viên ở quy mô khu vực và quy mô quốc gia, để có thể tập hợp, huy động cao nhất các nguồn lực cho hoạt động kết nối giao dịch chuyển giao công nghệ, đưa nhanh các tiến bộ KHKT vào sản xuất…
 


Bà Lê Thị Tố Uyên - Phó Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng nhấn mạnh: “Sàn giao dịch công nghệ được xem là tổ chức quan trọng, có vai trò cốt lõi trong phát triển thị trường KH&CN”.
 

Bà Lê Thị Tố Uyên - Phó Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng nhấn mạnh vai trò “quan trọng", “cốt lõi” của sàn GDCN trong phát triển thị trường KH&CN và cho rằng đây cũng là nền tảng cho các hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, đánh giá khoa học, định giá công nghệ... Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ đã đặt ra cho Việt Nam áp lực thay đổi mô hình, phương thức hoạt động, cơ cấu tổ chức… của sàn GDCN. Do đó, sàn GDCN quốc gia sẽ giúp đẩy mạnh việc liên kết với các địa phương, đồng thời phối hợp hoạt động với nhiều đơn vị khác nhau trong mạng lưới chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước. Đặc biệt, việc tổ chức và triển khai hoạt động của sàn GDCN quốc gia sẽ góp phần hỗ trợ, quảng bá công nghệ, thiết bị, sản phẩm liên tục cho các đối tượng có nhu cầu.

Một trong những sàn GDCN được đánh giá có nhiều hoạt động hiệu quả là sàn INNOTEK thuộc Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh. Trao đổi về kinh nghiệm phát triển INNOTEK, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TP. Hồ Chí Minh cho biết: Để nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch cần tạo ra một hệ sinh thái, song song với đó là hỗ trợ thương mại hóa công nghệ, định hướng nghiên cứu theo nhu cầu và xu hướng thị trường và đặc biệt là sự kết hợp giữa hoạt động Online và Offline.

Ông Tước cũng cho rằng, việc kết nối với mạng lưới công nghệ và chuyên gia quốc tế, sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân theo mô hình PPP sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động của các sàn GDCN. Sàn GDCN cần có rất nhiều thông tin về thiết bị/công nghệ; về doanh nghiệp hay viện, trường có thiết bị/công nghệ; về nhu cầu công nghệ của bên mua… qua đó mới hấp dẫn các bên cung-cầu về công nghệ tham gia giao dịch qua sàn.

Công nghệ giới thiệu trên sàn GDCN cũng cần được định giá. Phát biểu tại hội thảo, ông Trịnh Minh Tâm, Phó Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ đã chia sẻ kinh nghiệm về việc định giá công nghệ, thẩm định công nghệ và đề xuất một số giải pháp phát triển tổ chức đánh giá, định giá nhằm hỗ trợ sàn giao dịch như: đào tạo nhân lực, thành lập cơ sở dữ liệu chuyên gia về công nghệ, quảng bá hình ảnh các tổ chức tư vấn đánh giá, định giá và môi giới chuyển giao công nghệ.
 

Ông Vũ Anh Tuấn khẳng định: “Sàn giao dịch công nghệ (GDCN) chỉ có thể tồn tại và phát triển được nếu tạo được và duy trì hiệu quả mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các sàn”.
 

Cũng tại hội thảo, ông Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu một số mô hình sàn GDCN ở nước ngoài như sàn GDCN Thượng Hải, sàn DGCN Bắc Kinh, Trung tâm chuyển giao công nghệ Hàn Quốc, sàn GDCN châu Á-Thái Bình Dương, Tổ chức trung gian về tài sản trí tuệ của Singapore... Thực tế cho thấy, sàn GDCN là một trong những địa chỉ và phương thức hoạt động hiệu quả để hỗ trợ hình thành các mối quan hệ đối tác công nghệ; tạo sự liên kết hữu cơ giữa nghiên cứu, ứng dụng các kết quả KH&CN, thương mại hóa sản phẩm KH&CN; tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển giao, đổi mới công nghệ, nâng cao sức sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội. Đây cũng là nơi gặp gỡ cung-cầu về công nghệ và các hoạt động trung gian của thị trường công nghệ.
 

Theo thống kê của Cục Thông tin KH&CN quốc gia, kết quả hoạt động giao dịch thông tin về công nghệ, thiết bị giai đoạn 2015 - 2019 có hơn 7.200 công nghệ và thiết bị, hơn 5.600 tin tức về thị trường KH&CN, hơn 1.200 công nghệ tìm mua, hơn 1.250 kết nối cung cầu thông tin đã được cập nhật thông qua Techmart online và qua sàn giao dịch thông tin về công nghệ, thiết bị. Sàn giao dịch cũng đã tư vấn và ký kết thành công hợp đồng chuyển giao công nghệ trị giá hơn 158 tỷ đồng.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3835

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)