Đây là thông tin được GS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết sáng 2/7.
Theo GS. Nguyễn Thị Lan, cách đây 4 tháng, Học viện đã bắt đầu nghiên cứu 4 loại vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi gồm: Vaccine vô hoạt (đã thử nghiệm trong phòng thí nghiệm), vaccine nhược độc truyền thống (đã làm các kỹ thuật tạo chủng virus, đang cấy chuyển thử nghiệm sinh học phân tử), vaccine nhược độc tự nhiên (đang sàng lọc chọn chủng tự nhiên), vaccine dùng công nghệ xóa gene (đang triển khai các nghiên cứu).
Với vaccine vô hoạt, nhóm nghiên cứu đã phân lập, lựa chọn được một số chủng virus, lựa chọn môi trường sản xuất vaccine và xác định được chủng virus cường độc để đánh giá chất lượng vaccine. Bước đầu, thử nghiệm vaccine này đạt kết quả tốt trong quy mô phòng thí nghiệm.
Nhóm nghiên cứu đã tiêm thử nghiệm trên đàn lợn 14 con từ ngày 18/4 và tiêm lặp lại mũi 2 vào ngày 12/5. Sau 8 tuần, 13 lợn nái sức khỏe vẫn bình thường, ăn uống tốt và đẻ con, có một con bị chết do dịch tả sau khi tiêm mũi 1.
Các nhà khoa học cũng đã thử nghiệm tiêm cho lợn khỏe và nhốt chung với đàn bị bệnh, kết quả cho thấy con được tiêm phòng không bị lây nhiễm.
Từ kết quả thí nghiệm, GS. Lan khẳng định vaccine an toàn và bảo hộ cao đối với lợn được tiêm phòng. Tuy nhiên, do thời gian nghiên cứu và thử nghiệm ngắn, nhiều thí nghiệm đã được rút ngắn nên bà Lan cho rằng các loại vaccine vẫn cần được nghiên cứu tiếp trên diện rộng và cần lặp lại, bổ sung nhiều thí nghiệm để tối ưu hóa công thức và chất lượng vaccine. Cần triển khai các nghiên cứu tiếp theo để tạo các vaccine khác tốt hơn.
Trong suốt 100 năm qua, các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu, sản xuất được 7 dòng vaccine dịch tả lợn châu Phi từ các chủng giống virus nhược độc. Tuy nhiên, việc thương mại hóa các loại vaccine này gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất rất cao, vì vậy, việc phòng bệnh cho các trang trại chăn nuôi lợn với dịch tả lợn châu Phi không được thực hiện. Mỗi khi mầm bệnh lây lan, biện pháp được áp dụng là tiêu hủy đàn lợn.