Thứ sáu, 12/07/2019 16:08 GMT+7

Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thử nghiệm sợi tinh thể quang cấu trúc Micro phục vụ hệ thống truyền dẫn quang bang rộng và truyền dẫn tín hiệu trong thiết bị y tế

Trong những năm qua, ngành công nghiệp viễn thông đã có một bước ngoặt lớn nhờ cuộc cách mạng công nghệ sợi quang. Những sợi quang có thể truyền thông tin dưới dạng xung ngắn trên một khoảng cách dài đã trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh viễn thông hiện đại.


Sợi tinh thể quang tử (PCFs) là một lĩnh vực mới của sợi quang với một cấu trúc bên trong được tạo nên từ các lỗ khí sắp xếp tạo thành một mạng tinh thể hình lục giác. 

Mặc dù trên thế giới PCFs đã được nghiên cứu trong khoảng vài năm trở lại đây với phạm vi ứng dụng rất rộng, tuy nhiên một số tính chất đặc biệt khác vẫn chưa được nghiên cứu toàn diện. Tại việt nam, các công trình nghiên cứu về sợi quang tinh thể từ trước năm 2009 chưa có. Trên thực tế, các nhà khoa học Việt Nam mới chỉ bắt đầu thực hiện nghiên cứu công nghệ nano trong vòng 10 năm trở lại đây ở mức độ khiêm tốn, đặc biệt trong lĩnh vực quang học. Nghiên cứu các cấu trúc nano và sản xuất thử nghiệm các thiết bị quang có cấu trúc nano trong điều kiện Việt nam rất khó khăn, đòi hỏi thiết bị và quy trình công nghệ cao, đầu tư tốn kém. Thêm nữa việc đo kiểm và thực hiện các thí nghiệm đo đạc trên các mẫu sản xuất thử nghiệm không thể tiến hành trong điều kiện cơ sở vật chất tại Việt Nam.

Đề tài “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thử nghiệm sợi tinh thể quang cấu trúc Micro phục vụ hệ thống truyền dẫn quang bang rộng và truyền dẫn tín hiệu trong thiết bị y tế” do PGS. TS. Nguyễn Hoàng Hải làm chủ nhiệm đề tài được thực hiện với sự hỗ trợ của các cộng sự bao gồm các mục tiêu với nội dung như sau:

1. Xây dựng và làm chủ được quy trình công nghệ từ khâu nghiên cứu, phân tích, thiết kế đến sản xuất thử nghiệm sợi tinh thể quang quy mô phòng thí nghiệm

2. Hoàn thiện kỹ thuật, công nghệ chế tạo sợi tinh thể theo công nghệ của Nhật bản

3. Chế tạo mẫu thử nghiệm có khả năng phục vụ trong các hệ thống truyền dẫn quang và trong các ngành kỹ thuật y sinh.

Sau một thời gian thực hiện, đề tài đã đạt được một số kết quả như thuyết minh ban đầu, bao gồm:

1. Bước đầu tiếp cận được một lĩnh vực khoa học, kỹ thuật công nghệ cao còn tương đối mới trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

PCF đã được nghiên cứu chế tạo và hiện đã được sử dụng trong các thiết bị quang, hệ thống truyền dẫn quang xuyên lục địa, và đã được triển khai nghiên cứu ứng dụng sang các ngành kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao như y tế. 

2. Ứng dụng của sản phẩm mẫu vào nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật: Viễn thông, Y tế…

Trong những năm gần đây, với sự phát triển và do những thành tựu mới của khoa học công nghệ đã hình thành một thế hệ sợi quang với những tính chất truyền dẫn đặc biệt. Những sợi quang này có rất nhiều ứng dụng quan trọng trong nhiều lĩnh vực của Viễn thông như các thiết bi quang thụ động, các hệ thống truyền dẫn quang, hệ thống cáp biển xuyên lục địa, kính hiển vi điện tử OCT, truyền dẫn tín hiệu trong các thiết bị nội soi dùng trong y tế…

3. Nâng cao hiệu quả kinh tế và hoàn thiện công nghệ để có thể tận dụng được cơ sở vật chất sẵn có trong các cơ sở sản xuất sợi quang ở Việt Nam.

Theo định hướng của Đảng, mục tiêu của Việt Nam là phấn đấu trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại với cơ cấu tỷ trọng GDP công nghiệp 41%. Một số đơn vị trong ngành viễn thông (VNPT) đã xây dựng nhà máy sản xuất sợi quang dưới hình thức mua lõi của nước ngoài, bọc vỏ và hoàn thiện các phần còn lại tại Việt Nam. Hàng năm vẫn phải nhập khẩu thiết bị viễn thông từ nước ngoài, với tỷ trọng đối với sợi quang tinh thể là không nhỏ. Nếu có thể tận dụng được cơ sở vật chất sẵn có, hoàn thiện công nghệ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản xuất công nghiệp trong nước.

4. Nâng cao vị thế và vai trò khoa học của Việt Nam đối với một lĩnh vực nghiên cứu tương đối mới.

5. Tăng tỷ lệ hàm lượng chất xám đối với các sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ.

Các kết quả cụ thể của đề tài được trình bày trong Hồ sơ kết quả khoa học công nghệ.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14283) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 5780

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)