Thứ sáu, 19/07/2019 18:33 GMT+7

Họp báo Quý II: Bộ KH&CN giải đáp nhiều vấn đề báo chí và dư luận quan tâm

Tại buổi Họp báo thường kỳ Quý II do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức sáng ngày 18/7, rất nhiều vấn đề đã được các nhà báo đặt câu hỏi như doanh nghiệp gặp khó khăn, thuận lợi như thế nào khi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua cũng như khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định CPTPP?; Những điểm mới của Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng; Bộ KH&CN đã làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gỡ khó cho thị trường nông sản Việt Nam;… Thứ trưởng Bùi Thế Duy và Lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã giải đáp và cung cấp các thông tin liên quan đến các nhà báo tại buổi họp báo.


Toàn cảnh buổi Họp báo

 

Hình thành, thúc đẩy hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo Việt Nam

Trả lời câu hỏi của nhà báo Báo điện tử VTV liên quan đến thời điểm cũng như nội dung của Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2019 (AI for Vietnam 2019), Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, trong hai ngày 15 và 16/8 tới đây, tiếp nối các sự kiện liên quan đến AI những năm trước, Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và một số đơn vị liên quan tổ chức sự kiện AI for Vietnam 2019. Năm nay, đã hình thành một ngày hội về AI với quy mô rộng rãi, quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu trên thế giới với các bài diễn thuyết về thành tựu mới nhất, những ứng dụng và định hướng công nghệ của AI,…

Trong khuôn khổ Ngày hội AI sẽ diễn ra chuỗi sự kiện như các hội thảo chuyên đề chia theo từng lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo trong du lịch, y tế, giáo dục, công nghệ tài chính..; các hội chợ, triển lãm ngoài trời về AI và có những trình diễn về cuộc đua số như xe không người lái, máy bay, cánh tay robot… Bên cạnh đó, nhiều CEO, lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ và startup trong nước cũng tụ họp để cùng bàn giải pháp, khuyến nghị cho phát triển AI tại Việt Nam. Đặc biệt, sẽ diễn ra vòng chung kết và lễ trao giải của 2 Hackathon về AI tại Việt Nam, Thứ trưởng cho biết.

Sự kiện hướng đến mục tiêu hình thành, thúc đẩy hệ sinh thái về AI tại Việt Nam; kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu về phát triển ứng dụng công nghệ AI; kết nối các nhà khoa học ở Việt Nam đang nghiên cứu và có các sản phẩm về AI; kết nối các chuyên gia hàng đầu trên thế giới đặc biệt là các chuyên gia của Việt Nam ở nước ngoài, các công ty hàng đầu đang nghiên cứu ứng dụng phát triển AI tại Việt Nam như FPT, VNPT, Topica,…; phát triển cộng đồng AI tại Việt Nam, hình thành đội ngũ chuyên gia và phát triển mạng lưới tính toán hiệu năng cao về AI.


Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, Bộ KH&CN đã triển khai phát hành văn bản điện tử của Bộ KH&CN tới 95 cơ quan, đơn vị tham gia Trục liên thông văn bản quốc gia. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), giúp các doanh nghiệp tăng cường năng lực, chủ động hội nhập thương mại quốc tế, là công cụ quan trọng để bảo đảm hoạt động quản lý theo chuẩn mực, công khai, minh bạch và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tính đến ngày 05/6/2019, đã thẩm định 185 TCVN, công bố 40 TCVN do các bộ, ngành xây dựng; làm thủ tục đề nghị thành lập lại và thay đổi thành viên của 14 Ban kỹ thuật và Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia; tiếp nhận, thẩm tra các hồ sơ và tổ chức thẩm định 19 dự thảo QCVN của các bộ, ngành; góp ý 35 TCVN của các bộ, ngành; góp ý 20 QCVN của các bộ, ngành và 10 quy chuẩn địa phương (QCĐP) của các địa phương.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên về những hành động của Bộ nhằm giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm (nhất là nông sản) đang gặp phải những rào cản nhất định từ các quốc gia nhập khẩu hàng hóa không chỉ Trung Quốc mà các thị trường như Mỹ, Châu Âu. ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, vấn đề này đang được xã hội hết sức quan tâm.

Trước tình hình đó, để triển khai Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ), thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tại 63 tỉnh thành, 8 Bộ chuyên ngành để xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai Đề án. Mục tiêu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp của Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ càng, sẵn sàng ứng dụng các công nghệ để truy xuất nguồn gốc, vượt qua rào cản các nước đối tác đặt ra.

Gần đây có nhiều quy định chặt chẽ liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản. Nhận được sự chỉ đạo của Bộ KH&CN, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chủ động tích cực, phối hợp với các cơ quan liên quan để tìm hướng đi thích hợp với các giải pháp tốt nhất, đặc biệt là đối với Trung Quốc. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt, mới đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng đã làm việc Tập đoàn Chứng nhận và Kiểm định Trung Hoa (CCIC) và ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, “thừa nhận kết quả truy xuất nguồn gốc đối với 8 loại nông sản Việt Nam như: nhãn, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu,…”. Đây là hành động rất thiết thực giúp nông sản của chúng ta vượt qua rào cản này, ông Linh cho biết.



Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trao đổi với báo chí tại buổi Họp báo

 

Cũng theo ông Linh, hiện tại Bộ đang phối hợp thực hiện nhiều nội dung liên quan truy xuất nguồn gốc như xây dựng thông tư hướng dẫn truy xuất nguồn gốc, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về truy xuất nguồn gốc, hoàn thiện các tiêu chuẩn cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, tích cực triển khai xây dựng cổng thông tin về truy xuất nguồn gốc, xây dựng các mô hình thí điểm về truy xuất nguồn gốc một số sản phẩm. Trong đó, đặc biệt hướng về những sản phẩm hàng hóa chủ lực, hàng hóa xuất khẩu.


Doanh nghiệp cần hiểu rõ những quy định về sở hữu trí tuệ

Chia sẻ về việc doanh nghiệp có gặp khó khăn gì khi Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua cũng như khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khác được ký kết, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng  Luật SHTT (Luật số 42/2019/QH14) đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019. Trong đó, thực hiện một phần những cam kết của chúng ta trong CPTPP.  Hiệp định CPTPP quy định về quyền SHTT rất cao. Các quy định của CPTPP hay các FTA khác cũng như Luật SHTT mục tiêu chính là bảo vệ kết quả sáng tạo, bảo vệ các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp có thành quả sáng tạo, chứ các quy định này không nhằm gây khó cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Lâm cũng chia sẻ, nếu doanh nghiệp và nhà khoa học không hiểu rõ CPTPP thì sẽ gặp bất lợi. Thậm chí, nếu không cập nhật thông tin, vô tình xâm phạm thì sẽ phải chịu chế tài cao theo quy định của CPTPP.



Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ chia sẻ về vấn đề SHTT đối với doanh nghiệp

 

Cung cấp thêm thông tin, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, nhãn hiệu, sáng chế, bí quyết kỹ thuật… là những “tài sản” vô hình nhưng rất giá trị. Khi chúng ta tham gia CPTPP, các chế tài với xâm phạm SHTT càng cao hơn, thậm chí một số hiệp định còn tăng mức hình sự hóa. Do đó, doanh nghiệp cũng như người dân, nhà khoa học cần phải tìm hiểu để tránh việc vô tình vi phạm về SHTT và phải chịu chế tài xử phạt cao.

Luật SHTT sửa lần này theo hướng đơn giản hóa và giảm bớt thủ tục. Ví dụ việc bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệp, sẽ tạo thuận lợi hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải tự trang bị kiến thức nhiều hơn nữa để bảo vệ mình, tự hiểu biết về các quyền và nghĩa vụ của mình, tuân thủ theo đúng Luật SHTT, cơ quan quản lý nhà nước sẽ bảo vệ bằng hành lang pháp lý.


Nhiều quy định mới về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng

Chia sẻ về những điểm mới trong Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng (Quyết định 18), ông Nguyễn Nam Hải - Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ cho biết việc xây dựng, ban hành Quyết định 18 thay thế Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN trước đây là nhằm tiếp tục quản lý chặt chẽ, ngăn chặn nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có công nghệ lạc hậu, không đảm bảo an toàn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và tiêu hao nhiều năng lượng nhập khẩu vào Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nhập khẩu máy móc, thiết bị để duy trì sản xuất, mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Mục tiêu này càng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh xu thế chuyển dịch đầu tư đang diễn ra, với sự ổn định về chính trị và môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Việt Nam đang trở thành một trong các điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.



Ông Nguyễn Nam Hải – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ chia sẻ một số quy định mới về về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng

 

Về cơ bản, theo Quyết định 18, không cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng mà các nước xuất khẩu đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường, không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, tiêu chí nhập khẩu được căn cứ vào tuổi thiết bị là không vượt quá 10 năm và máy móc, thiết bị phải được sản xuất phù hợp với QCVN, TCVN hay tiêu chuẩn quốc gia của nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Dựa trên phân tích đặc thù bản chất hoạt động của máy móc, thiết bị và thực tiễn sử dụng, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp và có sự thống nhất của các Bộ quản lý chuyên ngành, chỉ có 16 loại máy móc, thiết bị cụ thể thuộc lĩnh vực cơ khí, sản xuất, chế biến gỗ, máy và thiết bị cơ khí trong sản xuất giấy và bột giấy trong tổng số 135 loại máy móc, thiết bị thuộc 02 chương 84 và 85 của Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, thuộc đối tượng điều chỉnh của dự thảo Quyết định là được áp dụng tiêu chí tuổi thiết bị trong khoảng từ 15 đến 20 năm. Trong một số trường hợp đặc thù cần nhập máy móc, thiết bị đơn lẻ đã qua sử dụng có tuổi thiết bị vượt quá mức quy định để duy trì hoạt động sản xuất, Quyết định cũng quy định hồ sơ, trình tự giải quyết tại Bộ KH&CN và các Bộ, ngành liên quan một cách cụ thể và chặt chẽ. Trong trường hợp này, năng lực còn lại thực tế của máy móc, thiết bị phải còn trên 85% công suất/hiệu suất và tiêu hao năng lượng không vượt quá 15% so với thiết kế và máy móc, thiết bị phải đáp ứng nhiều tiêu chí cụ thể khác. Việc đánh giá theo các tiêu chí này do Tổ chức Giám định có năng lực thực hiện.

Đối với dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, để đạt yêu cầu nhập khẩu, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải đáp ứng được đồng thời 05 tiêu chí, bao gồm: được sản xuất phù hợp với QCVN, TCVN hay tiêu chuẩn quốc gia của nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; công suất hoặc hiệu suất còn lại so với thiết kế (không thấp hơn 85%); mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng so với thiết kế (không quá 15%); công nghệ không thuộc công nghệ cấm chuyển giao, hạn chế chuyển giao (theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ); là công nghệ đang sử dụng phổ biến trong ít nhất 03 cơ sở thuộc các nước thuộc khối OECD. Việc đánh giá năng lực thực tế còn lại của dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng do Tổ chức Giám định có năng lực tiến hành đánh giá ngay tại nguồn nước xuất khẩu, trong tình trạng dây chuyền còn đang hoạt động và chưa được tháo dỡ.

Một điểm mới nữa trong Quyết định 18 là hiện nay chỉ cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng để phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Nhìn chung, các biện pháp quản lý mới này vừa bảo đảm bảo quản lý chặt chẽ vừa tháo gỡ được các vướng mắc trong giai đoạn trước đây của các doanh nghiệp trong hoạt động này. Cùng với các biện pháp cải cách hành chính theo tiêu chí rõ ràng, minh bạch trong quy trình thủ tục nhập khẩu, trong hoạt động giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, Quyết định 18 đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá và phản hồi tích cực. Kể từ thời điểm Quyết định số 18 có hiệu lực kể từ ngày 15/6/2019 cho tới nay, Bộ KH&CN cũng đã chủ động phối hợp với Tổng cục Hải quan để tăng cường hướng dẫn và giải đáp các vướng mắc giúp cho doanh nghiêp tuân thủ đúng quy định trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 4175

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)