Thứ tư, 31/07/2019 16:26 GMT+7

Hợp tác chuyển giao công nghệ y dược cổ truyền Việt Nam – Trung Quốc

Thực hiện triển khai Nghị định thư của Khóa họp lần thứ 10 Ủy ban hỗn hợp hợp tác KH&CN Việt Nam - Trung Quốc đã ký kết ngày 06/12/2018, ngày 30/7/2019 tại Hà Nội, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) đã phối hợp với Cục quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế), Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KH&CN), Sở KH&CN tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Trung tâm chuyển giao công nghệ Trung Quốc – ASEAN tổ chức Hội thảo quốc tế “Hợp tác chuyển giao công nghệ Y dược Việt Nam – Trung Quốc”.

Tham dự Hội thảo có Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Tạ Việt Dũng; Cục trưởng Cục quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) Phạm Vũ Khánh; Ông Tang Xianlai, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KH&CN) Hà Thị Lâm Hồng cùng với sự tham gia của hơn 200 đại biểu, là các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, doanh nghiệp, hợp tác xã của hai nước Việt Nam và Trung Quốc.



Toàn cảnh Hội thảo

 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Trần Thị Hồng Lan cho biết: Trung Quốc nổi tiếng trên toàn thế giới về lĩnh vực y học cổ truyền, điều này đã được minh chứng qua danh thần y Hoa Đà với khả năng tuyệt vời của ông. Y học cổ truyền (YHCT) Trung Quốc là một hệ thống y học hoàn chỉnh bao gồm việc chuẩn đoán, điều trị và ngăn ngừa bệnh tật, ra đời từ hơn 3000 năm trước dựa vào nguyên lý cân bằng và hòa hợp bên trong cơ thể, được đúc kết và cô đọng ở mức cao và hoạt động về tuần hoàn, thần kinh, nội tiết, bài tiết, hô hấp và tiết niệu. Người Trung Quốc sử dụng tất cả các bộ phận rễ, thân của cây, các bộ phận của động vật để pha chế thảo dược, đây được xem như một điểm đặc trưng riêng và rất khác biệt của y học Trung Hoa. Hỗ trợ cho y học cổ truyền luôn là ưu tiên hàng đầu ở Trung Quốc và là “viên ngọc quý” trong di sản khoa học quốc gia.

Tương tự với Trung Quốc, Việt Nam cũng là một nước có nền Đông y lâu đời. Cội nguồn của nền Đông y Việt Nam là kinh nghiệm dân gian được hình thành, lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác và ngày càng được bổ sung để hoàn thiện hơn, khoa học hơn. Nền Đông y là di sản văn hoá của dân tộc Việt Nam, Y Dược học cổ truyền Việt Nam có nhiều đóng góp to lớn trong bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng như phòng và chữa bệnh. Nhiều danh y đã để lại cho chúng ta những tác phẩm Đông y nổi tiếng không những chỉ về y mà còn tổng hợp nhiều vị thuốc, cây thuốc và bài thuốc độc đáo.

Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự phát triển của nền Đông y Việt Nam, điều này đã được thể hiện qua Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư về phát triển nền Đông y và Hội đông y trong tình hình mới. Theo đó, nhận thức về vai trò, vị trí của y dược cổ truyền Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đã được nâng lên. Hệ thống quản lý và khám, chữa bệnh y dược cổ truyền  được củng cố và phát triển; nguồn nhân lực được tăng cường. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho đội ngũ thầy thuốc y học cổ truyền được đẩy mạnh. Việc nuôi trồng, chế biến, sử dụng dược liệu, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực y dược cổ truyền bước đầu đã được quan tâm và đầu tư; coi trọng hoạt động kế thừa, bảo tồn các bài thuốc quý, hợp tác quốc tế về y, dược cổ truyền được mở rộng,…

Phó Cục trưởng Trần Thị Hồng Lan bày tỏ hy vọng Hội thảo sẽ thực sự trở thành diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi và thảo luận các vấn đề liên quan đến y dược học cổ truyền và cũng là cơ hội tìm hiểu, hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu, các bệnh viện, doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực Y Dược cổ truyền.

Theo đại diện của Viện Dược liệu- Bộ Y tế, Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, đa dạng với trên 5000 loài cây thuốc, trong đó, cộng đồng các dân tộc có nhiều kinh nghiệm sử dụng, trồng trọt các loại cây thuốc quý, nhu cầu sử dụng dược liệu ở Việt Nam cần từ 60 – 80.000 tấn/năm, tuy nhiên thực tế, nguồn dược liệu vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Do vậy, đại diện Viện Dược liệu cho rằng: cần thiết phải bảo tồn nguồn gen dược liệu, các loài quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, có giá trị kinh tế, nguồn gen/giống có năng suất, chất lượng cao; chọn tạo và sản xuất giống dược, phát triển trồng dược liệu, sơ chế, chế biến dược liệu,… thông qua việc đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo giống, công nghệ sản xuất giống cây dược liệu có năng suất và chất lượng; nghiên cứu đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, ưu tiên nghiên cứu các biện pháp tiết kiệm đầu vào, thân thiện với môi trường cùng với áp dụng các công nghệ tiên tiến trong sơ chế và triển khai xây dựng các chuỗi giá trị dược liệu từ nuôi trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối.

Về thực trạng, cơ chế chính sách phát triển YHCT của Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết: YHCT Việt Nam được hình thành từ nền y học dân gian và y học hàm lâm – là nền y học dựa trên lý luận y học và triết học phương đông với sự giao lưu trong khu vực kết hợp với bản sắc Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương, chính sách chung về YHCT nhằm phát triển nền YHCT nước nhà, phục vụ chăm sóc, đời sống nhân dân: Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 23/5/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về việc tăng cường công tác, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04//7/2008 của Ban Bí thư khóa X về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới,…

Hiện cả nước có 67 bệnh viện YHCT, trong đó có 03 bệnh viện trung ương, 02 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 98% tỉnh/ thành phố có bệnh viện đa khoa YHCT và khoa YHCT tại bệnh viện đa khoa huyện, tỉnh. Hệ thống nghiên cứu khoa học quy chuẩn phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập khu vực và thế giới. Thời gian qua, ngoài đẩy mạnh hợp tác đa phương, song phương, YHCT Việt Nam còn hợp tác trong khối ASEAN, Trung Quốc và một số nước trên thế giới qua hình thức: trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm quản lý YHCT, liên kết đào tạo, nghiên cứu, khám chữa bệnh YHCT,…

Nhận định về những kết quả nổi bật của nền YHCT thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh cho rằng: hệ thống chính sách về phát triển YHCT ngày càng được hoàn thiện, trong đó có công tác quản lý hành nghề, quản lý quảng cáo khám chữa bệnh bằng YHCT chặt chẽ và hiệu quả hơn; chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền được quản lý chặt chẽ,…

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh nêu ra những hạn chế, tồn tại trong phát triển YHCT như: nguồn nhân lực còn thiếu, nhất là ở các tỉnh miền núi; công tác quản lý bằng YHCT còn chưa chặt chẽ, nhiều người vẫn lợi dụng YHCT để hoạt động khám, chữa bệnh; công tác thừa kế, nghiên cứu, ứng dụng và phát huy, phát triển các phương pháp chữa bệnh dân gian chưa thực sự được quan tâm,…

Tại Hội thảo, Thầy thuốc Quốc y Trung Quốc - Giáo sư Wei Gui Kang đã giới thiệu về Bệnh viện RuiKang (Thuỵ Khang) thuộc Đại học Trung Y học cổ truyền Quảng Tây được thành lập vào năm 1951, là bệnh viện tổng hợp hạng ba kết hợp Đông Tây y chuyên tập trung vào điều trị, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, y tế dự phòng, phục hồi chức năng. Bệnh viện được chia làm 3 khu (khu Hoa Động, khu Không Cảng, khu Điền Dương) với tổng số giường bệnh nội trú lên đến 2518 giường.

Kỹ thuật xoa bóp và vận động cơ bản Vi Thị trong chữa trị các bệnh liên quan đến cột sống và xương khớp do Thầy thuốc Quốc y - Giáo sư Wei Gui Kang (Vi Quý Khang) nghiên cứu sáng tạo ra, sử dụng nguyên lý lực sinh học, áp dụng kỹ thuật điều trị dựa trên việc xác định vị trí, phương hướng và lực đạo; các bước tiến hành đơn giản, dễ làm, độ an toàn cao. Số người chẩn đoán chữa trị lên tới hơn 2 triệu lượt người, công dụng chữa trị tốt, được người bệnh trong và ngoài nhiệt tình đón nhận và ủng hộ, có nhưng đặc điểm như điều trị không dùng thuốc, không cần phẫu thuật, không cần tiêm, không uống thuốc, dùng trong chữa trị các bệnh về cột sống như huyết áp không ổn định do đau vai gáy, chóng mặt do đau vai gáy, cũng như các bệnh có liên quan đến các hệ tiêu hoá, hô hấp, tuần hoàn. Hiện nay đã có hơn 100 đơn vị, tổ chức chẩn đoán điều trị chữa bệnh trong và ngoài nước ứng dụng kỹ thuật này; hơn 1000 lượt nghiên cứu sinh trong và ngoài nước; tổ chức hơn 27 lần hội nghị học thuật y học cổ truyền về xoa bóp và vận động cơ bản quốc tế ở khắp nơi trên thế giới, số người tham gia vào khoảng hàng chục nghìn người. Nhân viên có mặt tại nhiều quốc gia và khu vực như Singapore, Malaysia, Đức, Australia, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Việt Nam; Sau khi các học viên nước ngoài học được kỹ thuật này đưa vào ứng dụng, phản ứng của người bệnh tốt, nhận được đánh giá cao.



Ông Tang Xianlai, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc phát biểu tại Hội thảo

 

Ngoài ra, tại Hội thảo đã có 11 báo cáo tham luận khác được chia sẻ, đây là những vấn đề mà cả hai bên quan tâm như: Cơ chế, chính sách phát triển y dược cổ truyền; Nuôi trồng và phát triển dược liệu; Kinh nghiệm nghiên cứu và ứng dụng y dược học cổ truyền Trung Quốc; Nghiên cứu phát triển công nghiệp hóa thuốc mới của y dược học cổ truyền Trung Quốc; Đào tạo, đổi mới và phát triển giáo dục; Hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực y học cổ truyền và đề xuất hướng hợp tác CGCN trong thời gian tới…


Một số sản phẩm được trưng bày trong khuôn khổ Hội thảo:
 

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

Lượt xem: 6029

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)