Thứ tư, 28/08/2019 16:25 GMT+7

Hội nghị điện quang và y học hạt nhân toàn quốc lần thứ XXI

Trong 02 ngày 23-24/8/2019, Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam đã tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc thường niên lần thứ XXI tại thành phố Đà Nẵng. TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ và PGS.TS. Vương Hữu Tấn, Chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã tham dự sự kiện quan trọng này.

Với chủ đề “An toàn trong điện quang và kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo”, Hội nghị nhằm tổng kết các thành tựu trong hoạt động chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân trong và ngoài nước thông qua các công trình nghiên cứu khoa học mới nhất, đặc biệt là xu hướng mới về ứng dụng các thiết bị y tế ứng dụng công nghệ bức xạ hiện đại, tích hợp trí thông minh nhân tạo nhằm nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh. Dưới sự chủ trì của GS. TS. Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, Hội nghị có sự tham gia của khoảng 1000 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, giáo sư, bác sĩ, kỹ thuật viên đến từ các cơ sở chẩn đoán hình ảnh, trung tâm y học hạt nhân, viện nghiên cứu, trường đại học trên cả nước. Bên cạnh đó, Hội nghị còn có sự tham dự của gần 100 chuyên gia, giáo sư y khoa hàng đầu đến từ các nước Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Đan Mạch, Bỉ, Singapore, Trung Quốc, Bangladesh…
 


Toàn cảnh lễ khai mạc Hội nghị điện quang và y học hạt nhân toàn quốc lần thứ XXI.

Theo GS.TS. Phạm Minh Thông, các báo cáo, công trình nghiên cứu và tham luận trình bày tại Hội nghị đều là những nghiên cứu mới và có tính ứng dụng cao, là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy những bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong ứng dụng y học hạt nhân và điện quang phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh cho người dân, đặc biệt là các bệnh về ung thư. Một xu thế mới trong tiến trình phát triển của nhiều nước là nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị. Tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo đã được nghiên cứu đưa vào trong chẩn đoán với các phim X-quang chụp phổi để phát hiện lao phổi, ung thư phổi, phổi tắc nghẽn; sàng lọc ung thư vú trong phim chụp X-quang vú. Trong tương lai gần, Việt Nam sẽ tiếp tục đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chẩn đoán, nghiên cứu các bệnh khác như bệnh lý về não, phổi, sau ghép phổi,… Bên cạnh đó, các chuyên gia của Việt Nam tham dự Hội nghị được tiếp cận cách thức xuất bản các công trình nghiên cứu ra nước ngoài dưới sự hướng dẫn của chuyên gia đến từ Cộng hòa Pháp. Đây là một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị lần này do trong nhiều năm qua, các chuyên gia, bác sỹ trong nước đã thực hiện thành công rất nhiều các kỹ thuật hiện đại về điện quang và y học hạt nhân trong chẩn đoán, can thiệp và điều trị nhưng việc xuất bản các công trình khoa học ra nước ngoài lại chưa nhiều. Việc mở rộng xuất bản các công trình nghiên cứu khoa học chuyên ngành ra nước ngoài sẽ góp phần ghi tên Việt Nam trên bản đồ thế giới về các nghiên cứu, ứng dụng điện quang và y học hạt nhân.

Tại Hội nghị đã có 41 bài giảng đến từ các giáo sư, chuyên gia y tế đầu ngành và khoảng 150 báo cáo của các nhà quản lý, chuyên gia, bác sỹ, nhà khoa học được trình bày trong các phiên chuyên đề về y học hạt nhân (chẩn đoán và điều trị), điện quang (hình ảnh bụng – tiểu khung, điện quang can thiệp, điện quang tim mạch, điện quang nhi, điện quang thần kinh, điện quang vú…). Trong khuôn khổ Hội nghị cũng diễn ra một số sự kiện quan trọng như Hội nghị kỹ thuật điện quang và y học hạt nhân Việt Nam lần thứ VII và Hội nghị kỹ thuật điện quang và y học hạt nhân Việt Nam – Myanmar – Philipines lần thứ V do Chi hội kỹ thuật điện quang và y học hạt nhân Việt Nam tổ chức; Giao lưu hữu nghị Việt – Hàn về y khoa do Hội điện quang và y học hạt nhân Việt Nam phối hợp với Hiệp hội điện quang Hàn Quốc tổ chức. Trong thời gian Hội nghị còn diễn ra hoạt động triển lãm, trình diễn, quảng bá công nghệ, thiết bị y tế hiện đại về điện quang và y học hạt nhân với sự tham gia của các hãng sản xuất thiết bị y tế hàng đầu thế giới như Philips, Siemens Healthineers, GE Healthcare, Samsung, Neusoft Medical System…
 




Các đại biểu tham quan khu vực triển lãm - trình diễn các công nghệ, trang thiết bị điện quang, y học hạt nhân hiện đại trong khuôn khổ Hội nghị.

Theo báo cáo của Cục Năng lượng nguyên tử, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong khu vực về phát triển y học hạt nhân, điện quang phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh cho người dân, đặc biệt là các bệnh hiểm nghèo như thần kinh, tim mạch, ung thư. Nhiều kỹ thuật cao về điện quang can thiệp, y học hạt nhân ngang tầm khu vực và quốc tế đã được thực hiện thành công ở Việt Nam nhờ được trang bị nhiều thiết bị y tế ứng dụng công nghệ bức xạ hiện đại kết hợp với trình độ chuyên môn và làm chủ kỹ thuật của đội ngũ giáo sư, bác sỹ, chuyên gia y tế trong nước. Việc đầu tư các thiết bị y học hạt nhân, xạ trị, điện quang hiện đại, trong đó có các thiết bị hiện đại nhất thế giới có thể coi là 1 bước nhảy vọt trong lĩnh vực điện quang, y học hạt nhân nước ta. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh đã được trang bị máy chụp cắt lớp vi tính đa dãy và máy cộng hưởng từ hạt nhân, các kỹ thuật điện quang can thiệp đã được triển khai ở nhiều bệnh viện tuyến trung ương và đạt được nhiều thành tựu đặc biệt là trong điều trị đột quỵ não. Cục Năng lượng nguyên tử đang phối hợp với Hội điện quang và y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Ung bướu Tp. HCM và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nghiên cứu xây dựng Bản đồ và lộ trình phát triển ứng dụng công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực y tế nhằm góp phần tiếp tục phát triển lĩnh vực điện quang và y học hạt nhân của Việt Nam giai đoạn sau năm 2020.

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 6315

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)