Thứ tư, 18/09/2019 11:13 GMT+7

Tỉnh Kiên Giang: Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng

Trao đổi với Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do Bộ trưởng Chu Ngọc Anh làm trưởng đoàn, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, Kiên Giang đặc biệt quan tâm và luôn coi nghiên cứu, ứng dụng KH&CN là động lực để Tỉnh phát triển, coi đây vừa là nhiệm vụ chủ yếu vừa là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng các lĩnh vực thế mạnh của địa phương.

Toàn cảnh buổi làm việc.
 

Ngày 17/9/2019, Đoàn công tác của Bộ KH&CN đã có chuyến thăm và làm việc với tỉnh Kiên Giang về tình hình triển khai các giải pháp thúc đẩy KH&CN; định hướng nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, phát triển sản phẩm chủ lực trên địa bàn Tỉnh. Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Nguyễn Thanh Nghị - Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo UBND Tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của Tỉnh.

Những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh Kiên Giang ngày càng phát triển mạnh mẽ, KH&CN thể hiện rõ vai trò là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của Tỉnh. Các cơ chế chính sách quy định chủ yếu trong quản lý hoạt động KH&CN đã được tham mưu, ban hành kịp thời, phù hợp thực tiễn.

Công tác quản lý đề tài, dự án KH&CN được đổi mới có hiệu quả, đã tập trung thực hiện theo cơ chế đặt hàng. Nhiều nhiệm vụ về KH&CN cũng được Sở KH&CN tham mưu, triển khai thí điểm, tiêu biểu như lò đốt rác cho xã đảo Tiên Hải (thị xã Hà Tiên) bằng công nghệ lò đốt BD-ANPHA công suất 500 kg/giờ và mô hình này đã nhân rộng tại 3 xã đảo Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương), Lại Sơn và An Sơn (huyện Kiên Hải). Kết quả bước đầu đã đáp ứng tốt yêu cầu về kỹ thuật phù hợp so với điều kiện, quy mô trên các đảo nhỏ.

Tỉnh cũng hoàn thành nhiều nhiệm vụ như xây dựng các chương trình KH&CN trọng điểm; thành lập và phát triển các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và triển khai đề án cấp tỉnh về Bảo tồn gen, nhiều loài được bảo tồn, khai thác, phục vụ sản xuất, xây dựng và phát triển nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể… Tính đến nay đã có trên có trên 80% đề tài, dự án về khoa học xã hội nhân văn cung cấp các luận cứ khoa học cho Tỉnh, trên 90% đề tài dự án về khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật và công nghệ có kết quả được áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Tỉnh đã hỗ trợ 38 lượt doanh nghiệp tham gia dự án nâng cao năng suất chất lượng; áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến. 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã, huyện và tỉnh đã công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam ISO.

Đặc biệt, từ đầu năm 2019, Tỉnh không ngừng tăng cường nghiên cứu, ứng dụng mô hình cây trồng, nuôi thủy sản hình thức công nghệ hiện đại, theo hướng ứng dụng để công nghệ 4.0 tiếp tục phát huy có hiệu quả.
 

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: “Hoạt động KH&CN đã chủ động đi đầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.
 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, mặc dù hoạt động KH&CN của Tỉnh đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng Tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn, vướng mắc mà Kiên Giang đang gặp phải cũng là khó khăn chung của cả nước. Nguyên nhân là do hạn chế về nguồn lực tài chính chi cho KH&CN, bên cạnh đó, nguồn nhân lực (cán bộ đầu ngành, cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn cao…) vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu cho phát triển.

Lãnh đạo Tỉnh khẳng định, trong chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, Kiên Giang đặc biệt quan tâm và luôn coi ứng dụng KH&CN là động lực để Tỉnh phát triển. Chính vì vậy, Tỉnh đã chủ động xây dựng và đưa vào đề cương Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI, coi ứng dụng KH&CN vừa là nhiệm vụ chủ yếu vừa là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, trong đó, tập trung ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp với 40% các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực này.

Sắp tới, tỉnh Kiên Giang sẽ đầu tư, đặt hàng các dự án về nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi, nhất là nuôi tôm giống để khắc phục tình trạng phải nhập tôm giống từ các tỉnh khác như hiện nay; phát triển nuôi biển; ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, tài nguyên môi trường.

Lãnh đạo Tỉnh cũng đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ địa phương triển khai nghiên cứu, ứng dụng KH&CN để giải quyết các vấn đề cấp thiết hiện nay như Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý mùi tại cụm công nghiệp Tắc Cậu, nghiên cứu đánh giá tài nguyên và đề xuất các giải pháp khai thác bền vững cho các đảo khan hiếm nước thuộc quần đảo Phú Quốc, Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xây dựng đê biển bằng vật liệu ngầm tiêu sóng tại các khu vực bị xói lở huyện An Minh, An Biên, Nghiên cứu xác định công nghệ phù hợp trong xử lý rác thải sinh hoạt tại Phú Quốc…
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định: “Bộ KH&CN luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để hoạt động KH&CN của Tỉnh phát triển”.

 

Trước những kết quả đáng ghi nhận của Tỉnh về hoạt động KH&CN, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã đánh giá cao tỉnh Kiên Giang trong việc thực hiện Nghị quyết số 20- NQ/TW ngày 01/11/2012  của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Bộ trưởng hoan nghênh và nhất trí cao với chủ trương của Tỉnh “coi ứng dụng KH&CN vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp thực hiện chỉ tiêu phát triển KH-XH”. Những kết quả đã đạt được cho thấy, Kiên Giang đã quan tâm chỉ đạo, ban hành kịp thời, sát thực tiễn các cơ chế, chính sách, quy định quản lý hoạt động KH&CN đạt nhiều thành tựu quan trọng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đánh giá cao vai trò tham mưu và thực hiện các chức năng một cách chủ động, sáng tạo của Sở KH&CN.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng trao đổi thêm về những tồn tại và nguyên nhân của những tồn tại này trong hoạt động KH&CN của Tỉnh. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ phải làm tốt công tác phối hợp, hỗ trợ địa phương để xem xét những đề xuất, kiến nghị của tỉnh gồm: Ban hành quy định, tiêu chuẩn có liên quan, phương pháp đo lường trong kinh doanh cát xây dựng; hướng dẫn triển khai Quyết định số 100-QĐ/TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng, quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Hỗ trợ triển khai nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý mùi cụm công nghiệp Tắc Cậu; nghiên cứu đánh giá tài nguyên nước và giải pháp khai thác bền vững cho các đảo khan hiếm nước thuộc quần đảo Phú Quốc; nghiên cứu xây dựng giải pháp du lịch thông minh để triển khai trong thời gian sớm nhất./.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Phát triển KH&CN Địa phương

Lượt xem: 5954

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)