Thứ sáu, 11/10/2019 15:35 GMT+7

Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN lần thứ 18 (AMMSTI-18)

Ngày 11/10/2019, tại Singapore, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy làm Trưởng đoàn, đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN lần thứ 18 (AMMSTI-18) và các sự kiện liên quan. Hội nghị có sự tham dự của Lãnh đạo Bộ phụ trách về khoa học và công nghệ của các nước thành viên ASEAN và Phó Tổng Thư ký ASEAN.

Lễ Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo lần thứ 18 (AMMSTI-18).
 

Tại Hội nghị AMMSTI-18, các Bộ trưởng đã tập trung thảo luận về nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường hơn nữa hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, các Bộ trưởng đã trao đổi, đề xuất  phương hướng, nội dung phát triển các tài năng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ASEAN nói chung và thông qua Mạng lưới các nhà khoa học trẻ ASEAN (AYSN) nói riêng. Trong khuôn khổ hoạt động của Mạng lưới AYSN, Việt Nam đăng cai tổ chức Chương trình Lãnh đạo khoa học ASEAN lần thứ 4 (LSP-4) tại Hà Nội vào tháng 12/2019.

Tham gia thảo luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đã trao đổi, đề xuất một số nội dung liên quan đến dự thảo Lộ trình Đổi mới sáng tạo ASEAN 2019 - 2025 và vấn đề nâng cao năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó, đề xuất xem xét bổ sung nội dung về sự sẵn sàng của lực lượng lao động và sự tham gia của khu vực tư nhân trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và phát triển các tài năng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong dự thảo Lộ trình Đổi mới sáng tạo ASEAN 2019-2025. Các nước thành viên ASEAN có trình độ đổi mới sáng tạo, năng lực và quy mô sản suất khác nhau, theo đó, mức độ chịu tác động ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng khác nhau. Do vậy, các nước ASEAN cần có biện pháp tăng cường năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh và đề xuất ASEAN xem xét thiết lập Nền tảng công nghệ số, tăng cường kết nối Mạng lưới tài năng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ASEAN. Hiện nay, Việt Nam cũng đang tập trung nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách nhằm nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng và triển khai Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển và ứng dụng công nghệ đặc trưng của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trên cơ sở nội dung thảo luận tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng đã nhất trí thông qua danh mục các hoạt động ưu tiên trong năm 2020 của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN (COSTI), bao gồm: (i) thúc đẩy việc hoàn thiện dự thảo và thông qua Lộ trình Đổi mới sáng tạo ASEAN 2019-2025; (ii) tiếp tục triển khai Sáng kiến Phát triển chẩn đoán Y học ASEAN (DxD), Sáng kiến Cơ sở Tính toán hiệu năng cao ASEAN (HPC); (iii) hoàn thiện dự thảo Khung khổ hành động khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN: Hội tụ hướng tới phát triển nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ASEAN về thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; (iv) Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mạng lưới các nhà khoa học trẻ ASEAN; và (v) Nâng cao sự sẵn sàng của lực lượng lao động và sự tham gia của khu vực tư nhân trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Các Bộ trưởng cũng đã xem xét, thông qua Báo cáo của Hội nghị COSTI lần thứ 77 do Chủ tịch COSTI trình bày, trong đó có các nội dung quan trọng như: tình hình triển khai các dự án hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, báo cáo đánh giá tình hình triển khai Chương trình Hành động Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN (APASTI) giai đoạn 2016-2025, báo cáo đánh giá 3 năm (2016-2018) thực hiện APASTI; xây dựng dự thảo Lộ trình Đổi mới sáng tạo ASEAN giai đoạn 2019-2025; tình hình và biện pháp tăng cường hiệu quả sử dụng Quỹ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới ASEAN (ASTIF); tình hình hợp tác với các đối tác đối thoại ASEAN trong việc thúc đẩy các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và các Quỹ Đối tác đối thoại như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, EU, Nga; tình hình triển khai các ưu tiên hoạt động của COSTI năm 2019 và dự kiến nội dung ưu tiên của COSTI trong năm 2020, v.v.

Trước khi Hội nghị AMMSTI-18 khai mạc, đã diễn ra các cuộc họp: Hội nghị COSTI-77, Cuộc họp của Ban Tư vấn COSTI (BAC); Cuộc họp của các Tiểu ban trực thuộc ASEAN COSTI bao gồm: Tiểu ban về cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn lực KH&CN (SCIRD), Tiểu ban Năng lượng bền vững (SCSER), Tiểu ban Công nghệ Không gian (SCOSA), Tiểu ban Công nghệ Thông tin (SCMIT), Tiểu ban Khoa học và Công nghệ Lương thực (SCFST), Tiểu ban Khí tượng Thuỷ văn và Vật lý địa cầu, Tiểu ban Khoa học và Công nghệ Vật liệu (SCMST), Tiểu ban Khoa học và Công nghệ Biển (SCMSAT), Tiểu ban Công nghệ sinh học (SCB).

Trong khuôn khổ Hội nghị COSTI-77, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ban Tư vấn COSTI (BAC) và Chủ tịch Tiểu ban Năng lượng bền vững (SCSER) nhiệm kỳ 2018-2021. Việt Nam đã chủ trì Cuộc họp của các Tiểu ban nêu trên, cùng các đại biểu thảo luận các nội dung nhằm hoàn thiện dự thảo Quy chế hoạt động của Tiểu ban để trình COSTI-77 thông qua, đồng thời, đánh giá kết quả hoạt động và phương hướng công tác của Tiểu ban trong thời gian tới.

Cũng tại Hội nghị COSTI-77, với vai trò là nước ASEAN điều phối quan hệ đối thoại với Nhật Bản, Việt Nam đã báo cáo cập nhật hoạt động hợp tác ASEAN - Nhật Bản trong khuôn khổ COSTI và các hoạt động dự kiến đăng cai tổ chức hướng tới việc đảm nhiệm Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, trong đó có việc đăng cai tổ chức Diễn đàn Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN - Nhật Bản 2020.

Dự kiến, Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN không chính thức lần thứ 11 (IAMMSTI-11) sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN (AWSTI) vào tháng 10/2020 tại Thái Lan.

 

Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế

Lượt xem: 4121

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)