Thứ năm, 31/10/2019 16:01 GMT+7

Đề án 844 năm 2020 đợt II: Tập trung thu hút đầu tư thông qua các tổ chức thúc đẩy kinh doanh

Triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) năm 2020, Bộ KH&CN tuyển chọn các đơn vị tham gia đợt II đến ngày 29/11/2019, tập trung hình thành và kết nối các mạng lưới hỗ trợ, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt nhấn mạnh hoạt động đào tạo, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông qua các tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA) tư nhân hoặc các viện, trường chuyên ngành.

Học viện Kỹ thuật quân sự là đơn vị mới tham gia vào Đề án 844 năm 2020, thực hiện nhiệm vụ Thúc đẩy kinh doanh theo lĩnh vực Fintech (công nghệ tài chính) cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
 

Vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới trong một năm qua đã có những biến đổi vô cùng lớn và hứa hẹn sẽ có nhiều biến chuyển mới hơn từ năm 2020 khi Việt Nam liên tục đảm nhận các vị trí quan trọng trong các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và ASEAN. Điều này sẽ đồng thời tạo ra cả cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). Nếu tận dụng tốt, nền kinh tế nước nhà nói chung và lĩnh vực khởi nghiệp ĐMST nói riêng sẽ đạt được những bứt phá lớn chưa từng có. Chính vì thế, vai trò của Đề án 844 cùng các tổ chức, cá nhân trong công tác hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia trong thời gian này cũng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Đợt tuyển chọn đơn vị tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ hàng năm, định kỳ thuộc Đề án 844 bắt đầu thực hiện từ năm 2020 lần I đã kết thúc vào Quý 2 năm 2019, nhận được gần 80 hồ sơ đăng ký (tăng 20% so với năm 2019) đến từ hơn 50 tổ chức, đơn vị (tăng 50% so với năm 2019) trên khắp mọi miền đất nước. Điều này cho thấy sự quan tâm và đóng góp vô cùng to lớn từ tổ chức chính trị-xã hội đối với vấn đề khởi nghiệp ĐMST.

Trong đợt tuyển chọn lần I, nhiều đề tài cho thấy được sự đổi mới trong cách tiếp cận đối với các nhiệm vụ đã được công bố. Một số đơn vị đã để lại ấn tượng đối với hội đồng đánh giá, tiêu biểu như Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (SIHUB), Công ty Cổ phần Tư vấn và đầu tư khởi nghiệp quốc gia (NSCI), Công ty TNHH Đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp Đà Nẵng (DNES), hay các Viện, Trường với hoạt động ươm tạo, đào tạo khởi nghiệp theo các lĩnh vực chuyên ngành như Học viện Kỹ thuật quân sự, Đại học Nông lâm, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Đại học Huế, Viện kỹ thuật hóa học,... Đây là những tín hiệu rất đáng mừng đối các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở các giai đoạn phát triển khác nhau cũng như với hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST nói chung.

Thực hiện Quyết định số 3070/QĐ-BKHCN ngày 23/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt danh mục nhiệm vụ hằng năm định kỳ thuộc Đề án 844 bắt đầu thực hiện từ năm 2020 (đợt II), Bộ KH&CN tiếp tục mở đợt tuyển chọn các đơn vị tham gia Đề án 844 nhằm tập trung hình thành các mạng lưới hỗ trợ, đầu tư trong và ngoài nước cho khởi nghiệp, đặc biệt nhấn mạnh việc thu hút vốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các tổ chức thúc đẩy kinh doanh tư nhân chuyên nghiệp hoặc trong các trường đại học chuyên ngành. 

Cũng trong thời gian này, các đơn vị sẽ xây dựng dự toán kinh phí thực hiện theo Thông tư số 45/2019/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 05/09/2019 của Bộ Tài chính về Quy định quản lý tài chính thực hiện Đề án 844. Theo đó, nhiều điểm hỗ trợ cụ thể sẽ được áp dụng như hỗ trợ kinh phí thuê chuyên gia trong và ngoài nước cho các khóa đào tạo và hội nghị kết nối; kinh phí mua bản quyền, chuyển giao, phổ biến giáo trình đào tạo, kinh phí xây dựng chương trình truyền thông về hoạt động hỗ trợ, đầu tư cho khởi nghiệp và phổ biến tuyên truyền các điển hình khởi nghiệp thành công; cũng như kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm ở trong nước, với khu vực và thế giới.

Nguồn kinh phí từ Đề án 844 đóng vai trò là vốn mồi cho các hoạt động này, mục tiêu giúp các đơn vị triển khai hiệu quả hơn cũng như tăng trưởng nhanh hơn. Tùy theo loại hình tổ chức (đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên toàn bộ hay một phần, các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp,..) mà mức hỗ trợ của Đề án 844 sẽ có những quy định khác nhau.

Danh mục nhiệm vụ hằng năm định kỳ thuộc Đề án 844 thực hiện từ năm 2020 (đợt II) được công bố mới đây trên Cổng thông tin Bộ KH&CN bao gồm 10 nhiệm vụ (là những nhiệm vụ còn chỉ tiêu tuyển chọn từ đợt I), tập trung vào 05 nhóm nhiệm vụ lớn. Các cơ quan quản lý khuyến khích các đơn vị, tổ chức tham gia nhiệm vụ sẽ xây dựng đề xuất liên quan đến các nhóm nhiệm vụ sau:

Ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh, cung cấp dịch vụ cho nhóm/doanh nghiệp khởi nghiệp; Hình thành và Kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư của Việt Nam với khu vực và thế giới; kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn tại một số tổ chức thúc đẩy kinh doanh uy tín ở nước ngoài. Trong đợt tuyển chọn lần này, Đề án mong muốn đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tự chủ động tìm kiếm chuyên gia và huy động nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp mình, song song với đó là hình thành các mạng lưới hỗ trợ sẵn sàng để doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận thuận lợi. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực thích nghi của các doanh nghiệp này trong xu thế biến động hiện nay, từ đó, đưa hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam tiến thêm một bước mới trong chặng đường phát triển.

Một số nhiệm vụ cụ thể như: thúc đẩy kinh doanh theo lĩnh vực chuyên sâu; phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp; thúc đẩy doanh khởi nghiệp tăng trưởng nhanh tiến tới mua bán, sáp nhập, trở thành công ty đại chúng; Xây dựng và triển khai chương trình trao đổi các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo của Việt Nam với nước ngoài;...

Nhóm nhiệm vụ đào tạo, nâng cao năng lực cho khởi nghiệp ĐMST với mục tiêu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về khởi nghiệp ĐMST cho các chủ thể của hệ sinh thái. Trong đó, một số đối tượng, chủ thể cần đẩy mạnh hoạt động trong đợt tuyển chọn này là đội ngũ cố vấn, huấn luyện cho khởi nghiệp; các cán bộ tại các Bộ, Ngành, địa phương, cơ sở nghiên cứu, đào tạo để có thêm kiến thức trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ KNST....

Nhóm nhiệm vụ tổ chức sự kiện khởi nghiệp ĐMST của các ngành,  địa phương, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp,  cơ sở nghiên cứu,  cơ sở đào tạo có tiềm năng phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với mục tiêu quảng bá hình ảnh, thu hút các nguồn lực đầu tư, từ đó mở rộng thị trường Việt Nam ra thế giới. Sau sự thành công của TECHFEST VIETNAM 2019 tại Mỹ tháng 9/2019 vừa qua, Đề án mong muốn nhóm nhiệm vụ này sẽ tập trung vào mục tiêu tổ chức các Ngày hội khởi nghiệp ĐMST tại một số quốc gia có hệ sinh thái phát triển trên thế giới trong năm 2020 nhằm thu hút các nhân tài, chuyên gia, nguồn lực quốc tế cho doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, các ngày hội khởi nghiệp ở trong nước cũng sẽ được tổ chức với quy mô liên vùng, liên ngành, khai thác thế mạnh và đặc trưng kinh tế đa dạng trên cả nước.
 

SIHUB với chương trình “Runway to the World” thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng và triển khai chương trình trao đổi các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo của Việt Nam với nước ngoài” triển khai năm 2020 thuộc Đề án 844.
 

Sau 3 năm hoạt động, Đề án 844 ngày càng khẳng định được vai trò hỗ trợ và kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) thông qua các hoạt động thuộc chiến lược của Đề án quy mô quốc gia. Đến nay, Đề án 844 đã có  hơn 40 địa phương ban hành kế hoạch triển khai và hơn 70 đơn vị, tổ chức trên khắp cả nước tham gia.

Cùng với Đề án 844, các Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665); Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (Đề án 939) đã kiến tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động KNST tại Việt Nam. Đây là tiền đề quan trọng để trong những năm tiếp theo, Bộ Khoa học & Công nghệ cùng với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai có hiệu quả hơn nữa hoạt động hỗ trợ KNST, góp phần đưa KNST trở thành động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

Để tham gia thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án 844, các đơn vị nộp bộ hồ sơ gồm thuyết minh, dự toán và các văn bản, giấy tờ chứng minh kèm theo về địa chỉ Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia. Hạn cuối nộp hồ sơ: 17h ngày 29/11/2019.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Văn phòng Đề án 844

Lượt xem: 3596

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)