Thứ bảy, 02/11/2019 15:01 GMT+7

Ngày Khoa học Đức 2019 tại Hà Nội

Ngày 30/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức (BMBF), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam (MOST), Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) và Văn phòng hợp tác nghiên cứu nước và phát triển bền vững Việt Nam - CHLB Đức (VD-office) đã phối hợp tổ chức “Ngày Khoa học Đức” lần thứ 3 nhằm trình bày kết quả của một số dự án nghiên cứu song phương điển hình.

 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cùng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Hà Nội Tiến sỹ Guido Hildner và Bà Katrin Meyer - Vụ trưởng Vụ Châu Á/Châu Thái Bình Dương - Bộ Nghiên cứu và giáo dục CHLB Đức  (Bộ BMBF) cùng toàn thể các nhà khoa học và các diễn giả tại Hội thảo Ngày Khoa học Đức..

 

Ngài Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Guido Hildner, Thứ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Bùi Thế Duy, Vụ trưởng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức bà Kathrin Meyer đã tham dự và khai mạc “Ngày Khoa học Đức”.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Bùi Thế Duy khẳng định, sự kiện “Ngày Khoa học Đức” là cơ hội để các nhà khoa học, các cựu sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đã từng học tập, nghiên cứu ở CHLB Đức được hiểu thêm về các chương trình tài trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, giáo dục đào tạo của CHLB Đức, các chương trình hợp tác nghiên cứu chung và một số dự án hợp tác tiêu biểu hiện đang được triển khai có sự tài trợ từ Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ BMBF.

Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1975. Năm 2011, lãnh đạo hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội, nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược. 44 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt - Đức ngày càng phát triển, đặc biệt là hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và CHLB Đức trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Hợp tác KH&CN đã trở thành một trong những trụ cột chính trong quan hệ hợp tác tổng thể giữa hai quốc gia.

Hiệp định hợp tác về KH&CN giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CHLB Đức vừa được ký kết ngày 25/11/2015 tại Berlin và có hiệu lực với Việt Nam kể từ ngày 20/3/2017. Hiệp định này đã đánh dấu một bước tiến mới trong mối quan hệ hợp tác tốt đẹp sẵn có giữa hai nước, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cộng đồng khoa học hai nước hợp tác ngày càng sâu rộng trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Thời gian qua, Việt Nam và Đức đã hợp tác thành công trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu. Quản lý nước bền vững, Biến đổi khí hậu và các Chiến lược thích ứng cần thiết, Phát triển đô thị, Kinh tế sinh học, Đa dạng sinh học hoặc Nghiên cứu về Sức khỏe là những ví dụ về sự hợp tác thành công giữa các nhà nghiên cứu của hai nước, những người sẽ đưa ra những giải pháp cho các thách thức toàn diện của Việt Nam.

Hiện nay, hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và CHLB Đức tập trung ở 04 Chương trình lớn bao gồm: Chương trình Y tế và phát triển đô thị bền vững; Chương trình kinh tế sinh học; Chương trình CLIENT II Đối tác quốc tế về đổi mới bền vững; Chương trình Đổi mới Sáng tạo dành cho các viện/trường và doanh nghiệp vừa và nhỏ (ZIM).

Thông qua 04 Chương trình hiện có, các nhà khoa học Việt Nam và CHLB Đức đã có cơ hội trao đổi tri thức cũng như kinh nghiệm trong nghiên cứu và quản lý KH&CN. Trong thời gian tới đây, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục trao đổi với Bộ BMBF để xây dựng các Chương trình hợp tác nghiên cứu chung mới tạo cơ hội hợp tác giữa các nhà khoa học hai nước.
 

Toàn cảnh Ngày Khoa học Đức năm 2019.
 

Tại “Ngày Khoa học Đức”, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức, Bộ KH&CN Việt Nam và các tổ chức tài trợ khác của Đức đã trình bày về các vấn đề liên quan đến cơ chế tài đánh giá và cấp kinh phí cho các dự án nghiên cứu chung của cả hai nước cũng như cơ hội tài trợ cho các ý tưởng dự án chung mới.

Nhân dịp này, nhiều thành viên của các dự án Đức đã trao đổi ý tưởng với các đối tác Việt Nam trong khuôn khổ các hội thảo về hợp tác nghiên cứu. Ngoài ra còn có các hội thảo về cung cấp nước cho vùng núi, đa dạng sinh học, phát triển đô thị bền vững hoặc các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Hợp tác quốc tế

Lượt xem: 4485

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)