Chủ nhật, 17/11/2019 19:59 GMT+7

VietNam Summit in Japan 2019: Nơi hội tụ nguồn lực đặc biệt cho công nghệ nước nhà

Ngày 16/11/2019, diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản lần thứ nhất (VietNam Summit in Japan 2019) đã diễn ra tại Tokyo. Đây được coi là một diễn đàn lớn, quy tụ cộng đồng trí thức tại Nhật Bản với mục đích kết nối và quy tụ nguồn tri thức dồi dào của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp, để từ đó tìm ra câu trả lời cho bài toán xây dựng và phát triển cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản nói riêng và Việt Nam nói chung. Có rất nhiều chủ đề đã được thảo luận trong diễn đàn để phát triển Công nghệ Việt trong đó tập trung xoay quanh về công nghệ số.

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản về phát triển khoa học và công nghệ

Theo các nhà khoa học Việt Nam tại Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản khởi xướng kế hoạch “Công nghiệp 4.0” đặc biệt nhấn mạnh vào việc triển khai sự tương giao của robot, IoT, và trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động công nghiệp với hai trụ cột chính: “Công nghiệp 4.0” tập trung vào chuyển đổi của sản xuất và “Xã hội 5.0” tập trung giải quyết các thách thức xã hội khác nhau bằng cách kết hợp sự đổi mới công nghệ (IoT, Big Data, trí tuệ nhân tạo (AI), robot và nền kinh tế chia sẻ) vào mọi ngành công nghiệp và đời sống xã hội (đặc biệt là với xã hội đang già đi nhanh chóng của Nhật Bản).

Hai trụ cột chính sách này tính đến tất cả các bên liên quan, bao gồm công dân, chính phủ, giới học viện, v.v. Nhật Bản đã triển khai cách tiếp cận mà cả khu vực công và tư đều có tầm nhìn chung để khu vực tư nhân có thể đầu tư đúng mức và do đó Chính phủ có thể kịp thời áp dụng các biện pháp để đưa ra hoặc sửa đổi các quy tắc sẽ tạo điều kiện cho việc đầu tư đó. Chính phủ tạo điều kiện cho sự hợp tác xuyên ngành và xuyên quốc gia để xây dựng năng lực cho nền Công nghiệp 4.0 trong nước. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) thúc đẩy sáng kiến Công nghiệp 4.0 tổng thể. Các cơ quan độc lập khác nhau thuộc METI (Sáng kiến Cách mạng Robot, Liên minh Tăng tốc IoT, và Trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo) phối hợp nỗ lực quanh các công nghệ cụ thể.

Theo phác thảo của Chiến lược Hồi sinh Nhật Bản năm 2016, Chính phủ Nhật Bản coi chính sách thu hút các chuyên gia nước ngoài có tay nghề cao làm việc tại Nhật Bản là một thành phần không thể thiếu đối với CMCN lần thứ 4. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi phải tạo ra một hệ thống cho phép tài năng nước ngoài ở lại Nhật Bản trong một thời gian dài và hệ thống quản lý cư trú và nhập cư được cải thiện để loại bỏ nhiều hạn chế trong hệ thống cồng kềnh hiện nay.

Tham vấn từ các nhà tri thức trẻ cho sự phát triển công nghệ số của Việt Nam
 

Các diễn giả cao cấp trao đổi tại Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản ngày 16/11/2019.
 

Theo Giáo sư Trần Văn Thọ, Đại học Waseda: “Trong các nước từng có giai đoạn phát triển cao, Nhật Bản là nước phát triển hiệu suất nhất và bao trùm nhất. Giai đoạn 1955-1973 (đặc biệt là thập niên 1960), có thể gọi là kỳ tích. Vào đêm trước của thời kỳ phát triển cao (giữa thập niên 1950), cơ cầu nền kinh tế của Nhật Bản rất giống Việt Nam ngày nay. Nhật Bản có hai lần cố gắng theo kịp Tây phương: Thời Minh Trị Duy Tân và thời phục hưng hậu chiến cùng với giai đoạn chuẩn bị phát triển cao độ. Cả hai lần đều phát huy tinh thần dân tộc và hình thành năng lực xã hội mạnh mẽ. Chính trị gia, quan chức, doanh nhân và trí thức cùng hướng vào mục tiêu theo kịp Tây phương. Từ giai đoạn thu nhập trung bình thấp, phải có một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, mỗi năm 9-10% và kéo dài hơn chục năm mới theo kịp các nước tiên tiến. Phát triển với tốc độ thấp hoặc trung bình cần thời gian rất dài và có thể mất cơ hội. Kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản gợi lên những suy nghĩ về Việt Nam trong vài thập niên tới để đưa Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, bao trùm hơn - làm sao đẩy mạnh công nghiệp hóa, theo chiều sâu và tiến lên cao trong chuỗi giá trị.

GS. Trần Văn Thọ cho rằng, để phát triển nhanh, Việt Nam cần cải thiện thị trường vốn, đất đai, lao động để các nguồn lực di chuyển đến những khu vực có năng suất cao. Khuyến khích du nhập công nghệ kết hợp với phát triển thị trường vốn sẽ thúc đẩy đầu tư theo hướng cách tân công nghệ, tăng năng suất. Chất lượng cao nguồn nhân lực không nhất thiết tương ứng với các bậc học trên cao. Phải chú trọng chất lượng của mỗi bậc học. Để lao động nông nghiệp và khu vực cá thể di chuyển vào công nghiệp, vào khu vực có tổ chức, cần làm tốt các bậc học ở các cấp dưới đại học. Ông nhấn mạnh: Vai trò của trí thức Việt Nam rất quan trọng trong việc giúp lãnh đạo định hướng phát triển, cổ vũ và đi trước xã hội trong việc áp dụng tri thức, khoa học, công nghệ vào hoạt động kinh tế và văn hóa.

Tại diễn đàn, TS. Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế đề cập đến “Khát vọng của Việt Nam đến năm 2035 sẽ trở thành nước thu nhập trung bình cao, hướng tới một xã hội thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ đến năm 2035”. Việt Nam có cơ hội để đạt được mục tiêu này song song với đó là những thách thức.

Những cơ hội chủ yếu cho Việt Nam hiện nay bao gồm sự ra đời của các hiệp định thương mại tự do song phương, khu vực và Liên khu vực – Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và tương lai Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP); Những sáng tạo công nghệ và kinh doanh toàn cầu tạo nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam (AI, IoT, năng lượng tái tạo, in 3D, robot, tự động hoá, công nghệ sinh học, vật liệu mới, v.v..); Một châu Á năng động, đóng góp ngày càng lớn và đi vào thương mại toàn cầu, với các dòng chảy vốn và đầu tư to lớn, công nghệ đột phá phát triển nhanh chóng, và hàng triệu người tiêu dùng trung lưu trong 5-10 năm tới; Tầng lớp trung lưu phát triển nhanh ở Việt Nam: năm 2035, trên một nửa người Việt Nam sẽ thuộc tầng lớp trung lưu tiêu chuẩn toàn cầu; Hiện đại hóa nền kinh tế sẽ mang lại cơ hội lớn nhất, với khu cao năng suất và chất lượng tăng trưởng.

TS. Phạm Chi Lan cũng cho rằng, Việt Nam cần thực hiện sáu chuyển đổi: Hiện đại hóa nền kinh tế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân; Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo và giáo dục đào tạo; Nâng cao hiệu quả quá trình đô thị hóa, tăng cường kết nối giữa các thành phố và các vùng khác; Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; Đảm bảo công bằng và hòa nhập xã hội cho các nhóm yếu thế; Phát triển xã hội trung lưu. Xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập và xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao. Chương trình đổi mới trong thập niên tới cần có thể chế hiện đại và các chính sách nhằm đẩy nhanh đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tăng cường nguồn vốn con người và kỹ năng, tăng cường đổi mới sáng tạo và sự tăng trưởng dựa trên năng suất.

Phát biểu tại diễn đàn, Giáo sư Hồ Tú Bảo cho rằng, Chuyển đổi số chính là Cơ hội phát triển đất nước. Theo đó ông đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chính cho Việt Nam thời chuyển đổi số bao gồm: Tư duy và nhận thức; Hạ tầng số; Nền tảng số; Nhân lực số; An toàn, an ninh mạng; Chính phủ số; Kinh tế số; Xã hội số.

Ông nhận định chuyển đổi số là cách để chúng ta phát triển đất nước. Đây là cơ hội cuối cùng vì chúng ta đã lỡ nhiều chuyến tàu, chúng ta không tiến được thì khoảng cách sẽ càng xa với nước phát triển. Sứ mệnh này chính là sứ mệnh của những trí thức. Mặc dù cuộc thay đổi của chuyển đổi số bắt nguồn từ công nghệ nhưng khó khăn nhất và thách thức lớn nhất đó là sự phát triển hài hòa giữa con người - thể chế và công nghệ.

Là một người đã từng có điều kiện du học, làm việc lâu năm tại Nhật Bản và trở về Việt Nam, ông cho rằng: “Đất nước cần chúng ta và chúng ta cần đất nước. Lòng yêu nước của chúng ta cần phải được đẩy lên để đóng góp vào sự thay đổi của đất nước”.

Các diễn giả cao cấp trao đổi tại Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản ngày 16/11/2019

 

 

 

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia

Lượt xem: 3338

TAGS : CMCN 4.0
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)