Thứ năm, 28/11/2019 14:07 GMT+7

Nghiên cứu đề xuất chính sách và giải pháp nâng cao hiệu quả gia tăng cây ăn quả xoài, bưởi vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Nông nghiệp Việt Nam đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo ổn định kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh lương thực và tạo việc làm và thu nhập cho 70% dân cư sống ở vùng nông thôn. Đây là nhân tố quyết định xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn cung thực phẩm dồi dào, có mức lương thấp để thu hút đầu tư nước ngoài, nông nghiệp là ngành duy nhất tạo ra thặng dư xuất khẩu ròng cho đất nước. Như vậy, có thể nói nông nghiệp Việt Nam chính là phao an toàn cho đất nước, là động lực trực tiếp đóng góp sức người, sức của cho quá trình đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Ngành nông nghiệp Việt Nam đã phát triển vượt bậc với mức GDP nông lâm nghiệp và thuỷ sản tăng liên tục với tốc độ bình quân là 4,0%/năm. Việc tiến hành một nghiên cứu tổng thể về cơ sở lý luận cũng như thực trạng để đề xuất chính sách giải pháp nâng cao giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông sản chủ lực trong đó có cây ăn quả xoài và bưởi vùng ĐBSCL là những công việc hết sức cần thiết nhằm giúp ngành hàng cây ăn quả Việt Nam mà cụ thể là cây ăn quả ĐBSCL trở thành một trong những ngành hàng nông sản mũi nhọn đóng góp cho tăng trưởng GDP và đem lại thu nhập đáng kể, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cải thiện sinh kế cho người dân, là cơ sở khoa học góp phần xây dựng và hiện thực hóa đề án “Nâng cao giá trị gia tăng một số ngành hàng nông sản chủ lực” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nhằm đề xuất chính sách, giải pháp nâng cao giá trị gia tăng cây ăn quả xoài, bưởi vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Anh Phong, Trung tâm Chính sách và chiến lược Nông nghiệp Nông thôn Miền núi đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu đề xuất chính sách và giải pháp nâng cao hiệu quả gia tăng cây ăn quả xoài, bưởi vùng Đồng bằng Sông Cửu Long”.
 


 

Sau khi nhóm nghiên cứu đưa ra được các kiến nghị chính sách và đề suất các giải pháp phát triển nâng giá trị gia tăng cho xoài và bưởi vùng ĐBSCL, họ nhận thấy rằng từ những lý thuyết này, việc cải tiến hoặc đối mới sản phẩm có thể mang lại chất lượng tốt hơn cho sản phẩm, giúp sản phẩm có giá cao hơn và giá trị gia tăng lớn hơn. Tuy nhiên giá trị gia tăng sẽ được tạo ra trên cơ sở thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng. Để tham gia vào các thị trường tạo ra giá trị gia tăng cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải tham gia vào trong chuỗi giá trị toàn cầu và hướng tới các thị trường sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Trong sản xuất nông sản, hai yếu tố chính tạo ra giá trị gia tăng là sự đổi mới (innovation) và hợp tác (cooporation) trong chuỗi ngành hàng. Bên cạnh đó đối với sản phẩm nông nghiệp, có ba loại cơ hội chính để tăng giá trị gia tăng đó là: (1) tạo loại lương thực thực phẩm mới (loại cây trồng mới và/hoặc sản phẩm mới từ loại cây trồng cũ), (2) các sản phẩm chức năng và (3) giá trị truyền thống (như việc giới thiệu về các sản phẩm mang tính truyền thống gắn với các dịch vụ đi kèm như du lịch sinh thái v.v.). Đây chính là những cơ sở để đưa ra những đề xuất và khuyến nghị nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho ngành hành xoài và bưởi của ĐBSCL.

Xoài và bưởi là hai loại trái cây có lợi thế cạnh tranh, được quan tâm phát triển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền các cấp, các nhóm chính sách hỗ trợ nâng cao giá trị gia tăng cho xoài và bưởi cũng đã cơ bản đầy đủ, từ cấp trung ương tới địa phương, bao gồm đủ các khía cạnh từ nhóm chính sách quy hoạch, nhóm chính sách khoa học công nghệ, khuyến khích đầu tư, tổ chức thể chế ngành, chính sách thương mại v.v...

Kết quả đạt được đến nay ngành hàng xoài và bưởi đã phát triển được những giống đặc sản, khẳng định được vị thế tại thị trường trong nước và từng bước xuất khẩu dưới dạng tươi và chế biến. Đã có các mô hình thành công về liên kết trong sản xuất và kinh doanh xoài và bưởi, trong đó có cả những mô hình đã áp dụng quản lý chất lượng (VietGAP) giúp sản phẩm tiếp cận được thị trường cao cấp, đem lại giá trị gia tăng cao cho người sản xuất và kinh doanh (HTX xoài cát Hòa Lộc, HTX bưởi Da xanh Mỹ Thạnh An, công ty Fruit Republic v.v...) qua đó khẳng định những cơ hội và tiềm năng phát triển cho ngành. Một số công ty đã chế biến các sản phẩm từ xoài và bưởi (như xoài đóng hộp, nước ép xoài, xoài đông lạnh, nước ép bưởi, rượu bưởi, tinh dầu bưởi, v.v...) qua đó tận dụng được các sản phẩm xoài và bưởi, tạo thêm giá trị gia tăng cho toàn ngành.

Tuy nhiên, việc nâng cao giá trị gia tăng cho xoài và bưởi vẫn chưa tương xứng với những tiềm năng của ngành. Trong sản xuất còn đa số hộ gia đình chưa áp dụng các kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn chất lượng, một diện tích lớn canh tác đang bước sang thời kỳ cần thay thế trồng mới trong khi người dân còn giữ truyền thống sử dụng giống tự chiết, ghép từ cây trong vườn. Đối với một phần lớn khối lượng sản phẩm sự liên kết còn lỏng lẻo trong quan hệ sản xuất - kinh doanh giữa các tác nhân trong chuỗi, sản phẩm chưa có thương hiệu, khó kiểm soát chất lượng, dễ gặp rủi ro về giá do tính mùa vụ của sản phẩm. Sản phẩm tận dụng dành cho chế biến hầu như rất ít, tính đặc biệt của sản phẩm chưa có v.v. Đối với các sản phẩm chế biến thì còn nghèo nàn về chủng loại, công nghệ chế biến chưa cao, năng lực chế biến chưa được phát huy tối đa, các sản phẩm chế biến còn thiên về sản phẩm thô, một số sản phẩm chế biến lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, và năng lực vốn để nâng cấp công nghệ còn kém là những hạn chế quan trọng nhất để tăng cao giá trị gia tăng cho xoài và bưởi.

Để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành xoài và bưởi của đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với các tỉnh cần tham khảo và triển khai thực hiện những gợi ý chính sách đã đề ra trong nghiên cứu này. Rà soát và xây dựng quy hoạch một cách tổng thể, gắn việc phát triển vùng chuyên canh với quy hoạch công nghiệp hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và kinh doanh thông qua các mô hình liên kết linh hoạt, chuyển giao kỹ thuật sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng thương hiệu ngành hàng, khuyến khích nâng cao năng lực công nghệ thông qua nhập khẩu công nghệ, tạo ra các sản phẩm chế biến đặc thù, tận dụng sản phẩm là những giải pháp nổi bật cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới.


*Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13452/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 3678

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)