Chủ nhật, 08/12/2019 16:52 GMT+7

Kết nối nguồn lực khởi nghiệp toàn cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, các nguồn lực khởi nghiệp trong thời đại công nghệ không chỉ dừng lại ở biên giới quốc gia mà còn sở hữu các nguồn lực toàn cầu như: các quỹ đầu tư quốc tế, các doanh nghiệp nước ngoài, các sáng chế, xu hướng ngoại nhập.

Toàn cảnh Hội thảo.
 

Đây là một trong các nội dung được đưa ra tại hội thảo “Mô hình kết nối nguồn lực khởi nghiệp toàn cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” đã diễn ra sáng 5/12 trong khuôn khổ hoạt động của Techfest 2019 tại Quảng Ninh. Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 khách tham dự và các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hội thảo được tổ chức bởi Ban Quản lý dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) và làng Kết nối Đầu tư quốc tế nhằm bàn luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về việc huy động cũng như kết nối nguồn lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
 

Khách mời tham dự hội thảo “Mô hình kết nối nguồn lực khởi nghiệp toàn cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” .
 

Tham dự Hội thảo, có sự hiện diện của Ông Phạm Thiện Nghĩa, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; Ông Tạ Ngọc Dũng, phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Ông Nobuo Sayama, founder Integal PE; Ông Lee June, quản lý tại Lotte Accelerator; Eddie Thai từ 500 startups; Bà Cerella Quỳnh Hương, tổng giám đốc quỹ khởi nghiệp quốc gia - trưởng làng Đầu tư quốc tế và đông đảo khách tham dự.
 

Ông  Nobuo Sayama phát biểu tại Hội thảo.
 

Tại Hội thảo, ông Nobuo Sayama đã chia sẻ về cách thu hút vốn từ nhà đầu tư và cách thâm nhập thị trường Nhật Bản. Theo ông, thị trường Nhật Bản không phải là một thị trường quá khó tính mà luôn mở cửa cho những sản phẩm tiềm năng tại Việt Nam. Là một đất nước coi trọng hợp tác, phát triển, các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và đất nước Nhật Bản nói chung đặc biệt quan tâm tới việc đầu tư vào các startup Việt. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh 3 yếu tố quan trọng nhất khi gọi vốn từ các nhà đầu tư Nhật Bản đó là: Khả năng; tiềm lực công nghệ; giá trị xã hội.

Tiếp nối hội thảo là bài phát biểu của ông Cris D.Tran từ Infinity Block Chain Ventrures về chủ đề mô hình khởi nghiệp Kết nối nguồn lực khởi nghiệp toàn cầu trong cách mạng 4.0. Theo ông, các nguồn lực khởi nghiệp trong thời đại công nghệ không chỉ dừng lại ở biên giới quốc gia mà còn sở hữu các nguồn lực toàn cầu như: các quỹ đầu tư quốc tế, các doanh nghiệp nước ngoài, các sáng chế, xu hướng ngoại nhập. Hiện nay, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia tại Việt Nam đã đi vào hoạt động ổn định và có những thành công bước đầu, tuy nhiên hệ thống này sẽ còn phát triển hơn nữa nếu có thể tương tác với các tổ chức nước ngoài.

Cũng nằm trong khuôn khổ Hội thảo, tọa đàm về mối quan tâm lớn nhất của startup hiện nay, đặc biệt là startup Việt với sự tham gia của các diễn giả: Ông Will Klippgen; Ông Lee June; Ông Christian Wolfgang Oertel; Ông Minh Mặc; Ông Eddie Thai. Tọa đàm đã bàn luận các khía cạnh từ dịch vụ hỗ trợ, vốn, các giai đoạn của startup và nhu cầu nhận hỗ trợ tại mỗi giai đoạn và tìm ra các điểm chung của các startup đó là cần hỗ trợ về chuyên môn, chiến lược phát triển, không gian hoạt động và đặc biệt là vốn.
 

Phiên kết nối đầu tư giữa startup và các nhà đầu tư có mặt tại hội thảo.
 

Ngoài ra, ngay tại hội thảo cũng đã diễn ra các phiên kết nối đầu tư giữa startup và các nhà đầu tư có mặt tại hội thảo. Dù là năm đầu tiên góp mặt tại Techfest nhưng làng đầu tư quốc tế đã rất thành công trong việc mang đến góc nhìn chuyên môn và các khía cạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt là trong thời đại công nghiệp 4.0.
 

Từ ngày 04/12-06/12/2019 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp cùng VinTech City và Công ty CP truyền thông SUN BRIGHTtổ chức Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2019(Techfest Vietnam 2019) với nhiều hoạt động nổi bật như Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao, Diễn đàn kết nối nguồn lược khởi nghiệp sáng tạo, Hội nghị liên minh các nhà đầu tư thiên thần châu Á cùng rất nhiều hội thảo chuyên sâu về khởi nghiệp trong các ngành, lĩnh vực.

Đặc biệt, Techfest 2019 với sự vào cuộc và hỗ trợ của VinTech City, một thành viên của Tập đoàn Vingroup, được hình thành với mục tiêu hỗ trợ toàn diện cho hệ sinh thái nghiên cứu ứng dụng và khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam theo mô hình Silicon Valley. Với mục tiêu đó, VinTech City tập trung vào ba yếu tố cốt lõi: Nhân lực công nghệ, Sản phẩm công nghệ và Hệ sinh thái hỗ trợ. Trong đó, nhân lực công nghệ và sản phẩm công nghệ có lợi thế cạnh tranh được xem là bước đi chiến lược đầu tiên. Đây là điểm nhấn cho chương trình năm nay.

Bên cạnh đó là sự đồng hành hỗ trợ của các đơn vị trong và ngoài nước như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty CP DL TM Công đoàn GTVT - SUNTRAVEL, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Công ty Cổ phần quốc tế Sơn Hà.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN; Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN

Lượt xem: 4949

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)