Thứ năm, 16/01/2020 09:51 GMT+7

Dự án FIRST - 6 năm kết nối, lan tỏa và thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Tài trợ 67 tiểu dự án thuộc 3 hợp phần; kết nối với hơn 600 nhà khoa học nước ngoài, trong đó có hơn 100 nhà khoa học trực tiếp thực hiện các nội dung hợp tác ở Việt Nam; thu hút 77 doanh nghiệp tư nhân tham gia, đầu tư trực tiếp gần 400 tỷ đồng để thực hiện các dự án làm chủ công nghệ và tạo ra 50 sản phẩm mới có giá trị gia tăng từ công nghệ. Sau khi kết thúc dự án, các doanh nghiệp đã đầu tư thêm hơn 1.000 tỷ đồng để mở rộng nhà máy sản xuất quy mô lớn…

Đó là một số kết quả ấn tượng của Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ” (Dự án FIRST) sau 6 năm triển khai (2014 - 2019). Thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết Dự án FIRST do Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp tổ chức chiều ngày 14/01/2020 tại Hà Nội.
 


Toàn cảnh Hội nghị

 

Tham dự Hội nghị có ông Ousman Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam; ông Dilip Parajuli - Đồng Giám đốc Dự án FIRST phía WB; bà Đào Thị Thùy Dung - Đồng Giám đốc Dự án FIRST phía WB; ông Erik Arnold - Chủ tịch Công ty tư vấn quốc tế Technopolis Group.

Về phía Bộ KH&CN có ông Phạm Công Tạc- Thứ trưởng; ông Trần Quốc Thắng - nguyên Thứ trưởng, nguyên Giám đốc BQL Dự án FIRST; ông Trần Quốc Khánh - nguyên Thứ trưởng; ông Lương Văn Thắng - Giám đốc BQL Dự án FIRST; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN; đại diện một số Bộ, ngành và gần 160 đơn vị thụ hưởng Dự án FIRST.



Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc: Dự án FIRST đã có những kết quả rất ấn tượng

 

Nhiều kết quả ấn tượng

FIRST là dự án đầu tiên WB thí điểm hỗ trợ cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) tại Việt Nam và được triển khai từ năm 2014 đến năm 2019 với mục tiêu chính là hỗ trợ phát triển KH&CN, thúc đẩy ĐMST cho Việt Nam thông qua thí điểm một số chính sách mới góp phần hoàn thiện khung khổ chính sách phát triển KH&CN quốc gia; thu hút chuyên gia KH&CN giỏi quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài; nâng cao năng lực của các tổ chức KH&CN theo hướng chủ động gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường và các doanh nghiệp; đẩy mạnh ĐMST trong các doanh nghiệp, tăng cường liên kết doanh nghiệp với viện/trường, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp KH&CN.

Theo ông Lương Văn Thắng - Giám đốc BQL Dự án FIRST, Dự án đã tài trợ 67 tiểu dự án (37 tiểu dự án; 16 tổ chức KH&CN công lập; 11 nhóm liên kết doanh nghiệp-viện/trường; 3 doanh nghiệp KH&CN mới); thu hút 158 đơn vị tham gia gồm các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. 

Sau 6 năm triển khai, Dự án FIRST đã đạt được đầy đủ các mục tiêu cam kết và còn vượt trên một số chỉ số đầu ra. Cụ thể, đã xây dựng khung giám sát đánh giá năng lực của các tổ chức KH&CN; tiếp thu, áp dụng phương pháp của OECD điều tra năng lực ĐMST trong các doanh nghiệp - thí điểm điều tra  hơn 7.000 doanh nghiệp ở Việt Nam; kết nối với hơn 600 nhà khoa học nước ngoài, trong đó có hơn 100 nhà khoa học trực tiếp thực hiện các nội dung hợp tác ở Việt Nam. Điều đáng trân trọng là có 30 nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài đã về nước để chuyển giao hơn 70 quy trình công nghệ, tham gia đào tạo nâng cao và chia sẻ phương pháp nghiên cứu tiên tiến cho các đồng nghiệp trong nước. Các chuyên gia quốc tế, gồm cả chuyên gia Việt kiều đến từ các nước có nền KH&CN mạnh của thế giới: 23% đến từ Hoa Kỳ, 18% từ Nhật Bản, 12% Đài Loan, 7% từ Úc, 6% từ Canada, 6% từ Pháp, 5% đến từ Anh,...

Theo bảng xếp hạng các trường đại học năm 2019 của Times Higher Education Ranking, 27% chuyên gia quốc tế tham gia Dự án FIRST đến từ trường đại học thuộc tốp 100 thế giới, 23% đến từ tốp 200.  Các chuyên gia quốc tế và Việt Kiều đã chuyển giao 76 quy trình và phương pháp nghiên cứu mới.

Đồng thời, dự án đã thu hút 77 doanh nghiệp tư nhân tham gia, đầu tư trực tiếp gần 400 tỷ đồng để thực hiện các dự án làm chủ công nghệ và tạo ra 50 sản phẩm mới có giá trị gia tăng từ công nghệ. Sau khi kết thúc dự án, các doanh nghiệp đã đầu tư thêm hơn 1.000 tỷ đồng để mở rộng nhà máy sản xuất quy mô lớn; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với 108 sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, phần mềm, trong đó có 2 sáng chế được cấp ở Hoa Kỳ. Đã có 16 tổ chức KH&CN công lập được đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm, trong đó có 10 phòng thí nghiệm hiện đại đạt chứng chỉ ISO và công nhận VILAS đủ năng lực cung cấp các dịch vụ KH&CN đạt chuẩn quốc tế, làm chủ công nghệ hiện đại, tự chủ và tự tin trong chiến lược tự chủ và tiếp cận thị trường. Ngoài ra, Dự án còn đào tạo chuyên môn sâu và theo ê-kip cho hơn 150 nhà khoa học Việt Nam tại các phòng thí nghiệm hiện đại của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Canada, Israel, Đài Loan và công bố 105 bài báo quốc tế.

Một số tiểu dự án tiêu biểu có thể kể đến như: “Hoàn thiện quy trình công nghệ, dây chuyền thiết bị sản xuất, chế biến sản phẩm thạch anh dạng tinh thể chất lượng tối ưu dùng cho ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ vật liệu mới… từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại Việt Nam”; “Làm chủ công nghệ trồng và chế biến tơ sợi chất lượng cao từ cây gai xanh phục vụ ngành dệt-may với công suất 2.500 tấn/năm”; “Sản xuất bột đạm chất lượng cao từ ấu trùng ruồi lính đen bằng công nghệ thủy phân enzyme góp phần thay thế nguyên liệu nhập khẩu trong ngành thức ăn chăn nuôi”; “Hoàn thiện và làm chủ quy trình công nghệ sinh học xử lý phụ phẩm tôm theo hướng tiếp cận không-chất-thải với công suất đầu vào 100 tấn/ngày, đạt hiệu suất thu hồi tăng từ 50% đến tối thiểu 80% phục vụ ngành dược phẩm, thực phẩm, và nông nghiệp”; “Nâng cao năng lực tự chủ thông qua nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất tế bào gốc phục vụ điều trị một số bệnh trên người”…



Giám đốc Ban Quản lý Dự án FIRST Lương Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị

 

Đúng định hướng, đạt kỳ vọng và mục tiêu

Dự án đã tạo hiệu quả trực tiếp đối với việc thực thi các quy định và chiến lược về tăng cường KH,CN&ĐMST: Hệ thống văn bản pháp luật, các văn bản hướng dẫn, các tài liệu tham khảo về quản lý KH&CN, đánh giá tác động của KH&CN đối với phát triển kinh tế xã hội, phương pháp luận điều tra KH&CN đối với các doanh nghiệp, hệ thống cơ sở dữ liệu về KH,CN&ĐMST quốc gia được được rà soát, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tế; hình thành và đưa vào hoạt động bền vững bằng nguồn vốn của ngân sách nhà nước sau khi dự án kết thúc.

Những chính sách, quy trình thu hút chuyên gia giỏi quốc tế, tạo các nhóm liên kết giữa các viện nghiên cứu với các doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến trình đưa các thành tựu KH&CN gắn với sản xuất đã được thử nghiệm, đúc rút bài học, nhân rộng và phát triển trong tương lai.

Phần lớn các sản phẩm được tạo ra từ các tiểu dự án đang hướng tới thương mại hóa. Do đó Dự án FIRST đã hỗ trợ các viện, trường, đơn vị thụ hưởng trở nên tự chủ và bền vững hơn về tài chính, góp phần nâng cao năng lực của các tổ chức KH&CN theo hướng chủ động gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường và các doanh nghiệp.

Các kết quả của Dự án FIRST đã đi đúng hướng phát triển KH,CN&ĐMST của Việt Nam. Cụ thể, hướng trọng tâm hoạt động KH&CN vào phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển theo chiều sâu góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; chuyển các đơn vị sự nghiệp KH&CN sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; phát triển các doanh nghiệp KH&CN; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đổi mới công nghệ, làm chủ các công nghệ then chốt, mũi nhọn và đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Phát biểu tại hội nghị tổng kết, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết: trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia của thế giới đều khuyến cáo, chúng ta chỉ có một cách duy nhất có thể tiếp tục duy trì được tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay và bứt phá được nếu như đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và ĐMST. Với mục tiêu lớn khuyến khích sự tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập; khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho R&D và ĐMST; khuyến khích sự hỗ trợ của các nhà khoa học trên thế giới với Việt Nam trong đó có người Việt sống ở nước ngoài, Dự FIRST - Dự án đầu tiên do WB tài trợ cho hoạt động KH,CN&ĐMST ở Việt Nam đã hoàn thành các mục tiêu và đã có những đóng góp, kết quả rất ấn tượng. Điều đặc biệt, sau Dự án này, sẽ mở ra giai đoạn mới đối với phát triển KH,CN&ĐMST và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ trưởng gửi lời cảm ơn đến đại diện lãnh đạo WB, các thế hệ của Bộ KH&CN đã đặt nền móng và khởi động dự án cũng như chỉ đạo triển khai để Dự án có kết quả rất thành công, mặc dù trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Ousman Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam, Dự án FIRST có vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường, nâng cao năng lực KH,CN&ĐMST, đồng thời tin tưởng tất cả những thành công, chính sách thí điểm của Dự án sẽ tiếp tục được duy trì, đặc biệt việc hợp tác giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học và chính sách thu hút chuyên gia giỏi, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài về chuyển giao công nghệ, tri thức.

“Rất nhiều quốc gia trên thế giới thành công khi thực hiện các chương trình thu hút chuyên gia giỏi ở nước ngoài về chuyển giao công nghệ, tri thức. Việt Nam cần có một chương trình thu hút tài năng, chuyên gia giỏi nước ngoài, trong đó có các chương trình dịch vụ và phân tích tư vấn ĐMST tại Việt Nam. WB sẽ luôn hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ KH&CN trong việc triển khai các chương trình ĐMST nhằm tạo ra được những sản phẩm của người Việt và có thể hòa nhập, làm chủ trên thị trường thế giới, đào tạo được đội ngũ tài năng trẻ có năng lực ĐMST”, ông Ousman Dione chia sẻ.



Ngài Ousman Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

 

Dự án FIRST được WB đánh giá đạt mức “Hài lòng”/“Satisfactory” - mức cao trong hệ thống xếp hạng của WB. Những thí điểm cơ chế từ Dự án FIRST đã và đang được triển khai trong thực tế, góp phần hoàn thiện hành lang chính sách để thúc đẩy KH,CN&ĐMST ở Việt Nam. Sau dự án FIRST, Bộ KH&CN và WB tiếp tục cam kết tăng cường hợp tác hơn nữa để đưa KH,CN&ĐMST trở thành đòn bẩy, động lực thực sự cho một Việt Nam thịnh vượng và sáng tạo trong tương lai./.



Erik Arnold, Chủ tịch Cty tư vấn quốc tế Technopolis Group phát biểu tại Hội nghị



Ông Dilip Parajuli, đồng Giám đốc Dự án FIRST phát biểu tại Hội nghị



Thứ trưởng Phạm Công Tạc và ông Dilip Parajuli, đồng Giám đốc Dự án FIRST tham quan gian hàng trưng bày.



Ông Ousman Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam nghe giới thiệu về sản phẩm của Dự án FIRST

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3632

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)