Thứ ba, 17/03/2020 21:48 GMT+7

Hội thảo Hình thành và liên kết các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo theo tổ hợp dịch vụ tập trung

Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ vừa phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo TP.HCM (SIHUB) tổ chức “Hội thảo Hình thành và liên kết các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo theo tổ hợp dịch vụ tập trung”. Tham dự hội thảo có Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ; ông Lê Minh Khánh, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng hơn 50 đại biểu. Hội thảo với mục đích nâng cao chất lượng hỗ trợ và tăng cường liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Tại Hội thảo, Văn phòng Đề án 844 đã đánh giá một số kết quả đạt được trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam và định hướng triển khai, bổ sung Đề án 844 giai đoạn 2020 - 2025. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Hội thảo cũng đã cung cấp cho đại biểu một số mô hình trung tâm khởi nghiệp sáng tạo theo hướng mô hình tổ hợp dịch vụ tập trung và đề xuất áp dụng tại Việt Nam trong việc hình thành Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia. Ngoài ra, định hướng phát triển SIHUB và đề xuất về hình thành mạng lưới trung tâm cấp vùng cũng được nói đến.
 


 

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Huỳnh Kim Tước, CEO SIHUB, cho rằng, các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở các địa phương hiện nay là khá giống nhau và các tổ chức hỗ trợ lại đầu tư nguồn lực cho các hoạt động tượng tự nhau, dẫn đến việc lãng phí nguồn lực. Chính vì thế việc hình thành và liên kết các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo là điều cần thiết. “Khi địa phương bắt đầu đẩy mạnh khởi nghiệp, thì cần xác định đây là một nền kinh tế sáng tạo. Đã là nền kinh tế thì cần phải có sự quản trị, mà người quản trị nền kinh tế sáng tạo chính là các Sở Khoa học và Công nghệ tại địa phương. Nền kinh tế sáng tạo tạo ra hạ tầng sáng tạo, sản phẩm sáng tạo và chúng chính là hệ sinh thái sáng tạo”, ông chia sẻ thêm.

Nói thêm về việc ứng dụng Đề án 844 tại địa phương, ông Tước cho biết các địa phương cần có một người biên soạn chính sách, cần xác định rõ và đưa ra mục tiêu cho từng giai đoạn để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp theo đúng tình hình thực tế ở mỗi khu vực. Lấy thực tế từ TP.HCM, trong 10 năm đẩy mạnh khởi nghiệp, ông cho biết thành phố có một điểm thiếu hụt khá lớn đó chính là chưa có giáo dục về khởi nghiệp ở cấp phổ thông và đại học, khiến học sinh - sinh viên khi muốn khởi nghiệp sẽ rơi vào trạng thái “chơi vơi”.  Ngoài ra, thành phố cũng chưa thương mại hóa được nhiều các sản phẩm nghiên cứu phát triển, chưa đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong khối doanh nghiệp, thị trường tài chính và năng lực quản lý chưa cao. Từ thực tế này, Thành phố đã “đo đạc” các thiếu sót và chỉnh sửa, đưa ra chính sách mới để khắc phục qua từng giai đoạn.

Tính đến nay, SIHUB đã hỗ trợ cho 40 tỉnh, thành khắp cả nước về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, theo CEO SIHUB, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển đồng thời giữa hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp để gia tăng năng suất.

Tại buổi hội thảo cũng đã diễn ra lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) và các đối tác khu vực phía Nam.

Nguồn: Cục Công tác phía Nam

Lượt xem: 3685

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)