Thứ ba, 31/03/2020 19:51 GMT+7

Hướng nghiên cứu lần đầu được thực hiện tại Việt Nam

Nghiên cứu đã cung cấp phương pháp phân tích chính xác, hiện đại nhằm định danh và định lượng đồng thời mười chất nhóm phthalates trong không khí. Phương pháp chuẩn hóa được áp dụng để phân tích, đánh giá mức độ ô nhiễm phthalates trong không khí trong nhà theo các vi môi trường, từ đó đã bước đầu đánh giá rủi ro phơi nhiễm phthalates qua con đường hít thở không khí theo các nhóm lứa tuổi khác nhau, đây là những kết quả quan trọng thu được từ công trình nghiên cứu “Sự xuất hiện của phthalates trong không khí trong nhà tại một số tỉnh thành phía Bắc, Việt Nam và những liên quan đến rủi ro phơi nhiễm của con người” do PGS.TS. Trần Mạnh Trí và cộng sự thực hiện tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu.

Công trình vừa được đề cử nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hàng năm.


Công trình lần đầu tiên được thực hiện và công bố tại Việt Nam

PV: Xin ông sơ lược về công trình nghiên cứu của ông đang được đề cử nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020?

PGS.TS. Trần Mạnh Trí: Phthalates (diester của acid phthalic) là nhóm chất dẻo hóa được sử dụng làm phụ gia trong các vật liệu bằng nhựa, sản phẩm chăm sóc cá nhân và vật dụng gia đình với hàm lượng lên đến vài phần trăm về khối lượng. Chính bởi các hợp chất phthalates được sử dụng rất rộng rãi nên chúng đã phân bố vào hầu hết các môi trường khác nhau và đi vào chuỗi thức ăn. Về độ tính, các hợp chất phthalates đã được nghiên cứu trên động vật phòng thí nghiệm và chúng được xác định là tác nhân gây rối loạn nội tiết, làm thay đổi hormone hệ sinh sản và hệ bài tiết trên động vật thí nghiệm như chuột và thỏ. Vì vậy, phthalates còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” (silent skiller). Hiện nay một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Canada và Liên minh Châu Âu đã ban hành các đạo luật nhằm hạn chế việc sử dụng phthalates, trong đó di(2-ethylhexyl)phthalate (DEHP) đã bị cấm sử dụng trong nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em có thành phần nhựa.

Tại Việt Nam, đã có tiêu chuẩn về hạn chế hàm lượng của DEHP (thuộc nhóm phthalates) trong đồ uống do Bộ Y tế ban hành năm 2011. Tuy nhiên, những hiểu biết về sự phân bố trong môi trường và rủi ro phơi nhiễm phthalates đến nay vẫn còn rất hạn chế.

Đây là một trong những hướng nghiên cứu rất mới trên thế giới và công trình lần đầu tiên được thực hiện và công bố tại Việt Nam. Nghiên cứu đã cung cấp phương pháp phân tích chính xác, hiện đại nhằm định danh và định lượng đồng thời mười chất nhóm phthalates trong không khí trong nhà. Những chất phthalates được quan tâm trong nghiên cứu này bởi chúng được sử dụng làm phụ gia trong các sản phẩm bằng nhựa, sản phẩm chăm sóc cá nhân và vật dụng gia đình. Các nghiên cứu trên động vật phòng thí nghiệm đã chỉ ra phthalates làm thay đổi hocmon sinh sản và hệ hô hấp do đó chúng được xếp vào nhóm chất gây rối loạn nội tiết (endorine disrupting chemicals) hay kẻ giết người thầm lặng (silent killers).

Kết quả quan trọng thu được từ nghiên cứu đã cho thấy mức độ phân bố phthalates trong không khí trong nhà tại một số tỉnh thành phía Bắc Việt Nam bao gồm Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh và Tuyên Quang. Từ đó, giúp giải thích nguồn gốc phát tán các hóa chất nào vào môi trường trong nhà.

Với kết quả nồng độ các chất phthalates đo được trong không khí trong nhà (bao gồm pha hơi và pha hạt), nhóm tác giả đã tính toán các thông số hóa-lý quan trọng trong điều kiện môi trường thực. Số liệu đó giúp dự đoán khả năng phân bố của các phthalates khác nhau vào môi trường trong nhà từ chính các vật dụng và đồ dùng trong gia đình có chứa chúng.

Đây là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam đã đánh giá rủi ro phơi nhiễm phthalates qua con đường hít thở không khí cho các nhóm lứa tuổi người Việt Nam khác nhau. Kết quả bước đầu cho thấy trẻ em có nguy cơ phơi nhiễm phthalates với liều lượng cao hơn so với người trưởng thành. Các môi trường nghề nghiệp như hiệu làm tóc, nhà trẻ hoặc trong chính hộ gia đình cũng có nguy cơ phơi nhiễm phthalates cao đánh kể.
 


PGS.TS. Trần Mạnh Trí (Ảnh do nhân vật cung cấp)
 

Góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm không khí

PV: Thưa ông, công trình này xuất phát từ ý tưởng nào? Tại sao ông lại chọn hướng nghiên cứu này?

PGS.TS. Trần Mạnh Trí: Ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng đang là chủ đề “hot” không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, ô nhiễm các hợp chất hữu cơ mới nổi thuộc nhóm chất gây rối loạn nội tiết trong môi trường không khí trong nhà đang thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học và của cả xã hội. Xuất phát từ ý nghĩa thực tiễn như vậy, tôi đã lựa chọn hướng nghiên cứu xây dựng phương pháp phân tích nhằm áp dụng vào việc xác định mức đô nhiễm và đánh giá rủi ro phơi nhiễm các chất gây rối loạn nội tiết nhóm phthalates trong không khí trong nhà.

Cũng phải nói thêm rằng, hiện nay năng lực phân tích chính xác các hợp chất hữu cơ gây rối loạn nội tiết tại các phòng thí nghiệm chuyên đề ở Việt Nam và những hiểu biết của cộng đồng về sự phân bố và rủi ro của các nhóm chất này vẫn còn rất hạn chế. Kết hợp với những chuyên môn mình đã được tích lũy trong suốt quá trình học tập nên tôi đã chọn hướng nghiên cứu này.

PV: Trong quá trình nghiên cứu công trình, ông có gặp khó khăn gì không và đã giải quyết khó khăn đó như thế nào? Có nhận được sự giúp đỡ nào từ Bộ Khoa học và Công nghệ không, thưa ông?

PGS.TS. Trần Mạnh Trí: Cũng như nhiều nhà khoa học tại Việt Nam gặp phải, việc thực hiện nghiên cứu đối với tôi cũng gặp không ít những khó khăn. Thứ nhất, đây là thí nghiệm lần đầu được thiết kế tại Việt Nam nên tôi cần phải chuẩn bị mới nhiều dụng cụ, thiết bị và hóa chất. Để cho phương pháp nghiên cứu được chính xác thì nhiều hóa chất (chẳng hạn như chất chuẩn đồng vị sử dụng làm chất đồng hành) phải mua từ các hãng uy tín trên thế giới mà thường không có sẵn tại Việt Nam. Do đó, cần phải đặt hàng các công ty nhập khẩu hóa chất, thiết bị với thời gian khá lâu, mất từ 6-8 tuần. Giải pháp đặt ra, là cần có kế hoạch thiết kế thí nghiệm sớm nhất có thể, tốt nhất là ngay khi đề tài được phê chuẩn cấp kinh phí.

Thứ hai, trong quá trình thí nghiệm đối với các chất gây ô nhiễm trong môi trường không khí thì độ ổ định chính xác của phương pháp, mức độ nhiễm bẩn từ các dụng cụ và từ chính các dung môi được sử dụng cần phải kiểm soát nghiêm ngặt. Vì vậy, các quy trình mẫu trắng và đánh giá sự nhiễm bẩn của nền mẫu phải được thực hiện trong suốt quá trình thực nghiệm. Ngoài ra, việc thu thập mẫu khí trong nhà cần có thời gian và sự giúp đỡ của các hộ gia đình. Do đó, cần phải lập kế hoạch chi tiết, rõ ràng, có những giải thích cặn kẽ về ý nghĩa của nghiên cứu và sau cùng cung câp những kết quả nghiên cứu cho những đối tác tham gia giúp đỡ.

Rất may mắn là đề cương nghiên cứu này của tôi đã được Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) phê chuẩn và cấp kinh phí trong đề tài mã số 104.01-2015.24 giai đoạn 2016 - 2018. Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các phòng ban chức năng từ Quỹ NAFOSTED và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

PV: Ông có đề xuất, kiến nghị gì đối với cơ quan quản lý về cơ chế chính sách trong nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu cơ bản nói riêng? đâu sẽ là nghiên cứu trong thời gian tới, thưa ông?

PGS.TS. Trần Mạnh Trí: Có thể nói, sự phát triển khoa học và công nghệ của mỗi quốc gia không thể thiếu các nghiên cứu cơ bản. Theo tôi được biết, trong những năm vừa qua Nhà nước ta đã có nhiều cơ chế chính sách nhằm tạo nhiều điều kiện thuận lợi và khuyến khích trong nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu cơ bản nói riêng. Tôi tin tưởng và mong rằng Nhà nước ta tiếp tục có nhiều sự quan tâm và đầu tư hơn nữa nhằm giúp cho nền khoa học- kỹ thuật nước nhà phát triển và hội nhập mạnh mẽ hơn. Nhìn chung, việc đầu từ cho khoa học cơ bản không chỉ thu được những hiệu quả trước mắt mà còn giúp đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững.

Về hướng nghiên cứu thì tôi đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu này tại Việt Nam. Ngay sau khi hoàn thành xuất sắc đề tài nghiên cứu trên, tôi đã được Quỹ NAFOSTED phê chuẩn và cấp kinh phí cho đề tài mới nhằm tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu trong giai đoạn 2019 - 2022. Hiện giờ đề tài đang được thực hiện với nhiều kết quả tốt.



PGS.TS. Trần Mạnh Trí trong phòng thí nghiệm (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3888

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)