Thứ sáu, 24/04/2020 12:20 GMT+7

Bình Phước: “Máy phun hơi rửa tay khô tự động” - thành quả từ sự liên kết giữa doanh nghiệp KH&CN với trường học

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao, nhất là trong trường học, nhóm chuyên gia đến từ Công ty TNHH Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ SCIENTECH - doanh nghiệp khoa học và công nghệ và Trường THPT Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã nghiên cứu, chế tạo thành công sản phẩm “Máy phun hơi rửa tay khô tự động” để sát khuẩn trên tay giúp phòng chống dịch trong trường học, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.

Thầy Trần Quang Đông, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Xoài cho biết, hiện nay, để phòng chống dịch Covid-19, đa số các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thường sử dụng các chai chứa dung dịch cồn để khử khuẩn. Tuy nhiên, cách làm này chưa đảm bảo tuyệt đối an toàn, vì mọi người thay phiên nhau phải chạm tay vào chai, dễ lây nhiễm chéo khi có nguồn bệnh. Từ đó, nhóm chuyên gia của Trường THPT Đồng Xoài gồm thầy Đông (Hiệu trưởng) và thầy Nguyễn Hữu Tiến (Phó Hiệu trưởng) đã nảy sinh ý tưởng nghiên cứu, chế tạo máy rửa tay sát khuẩn tự động để phòng chống dịch khi học sinh trở lại trường.

Trong quá trình nghiên cứu và tìm đối tác sản xuất chiếc máy theo ý tưởng trên, nhóm chuyên gia nhận thấy trên địa bàn tỉnh Bình Phước có Doanh nghiệp khoa học và công nghệ vừa được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước cấp phép hoạt động vào tháng 1/2020 là Công ty TNHH Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ SCIENTECH (có trụ sở tại phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) do Tiến sĩ Hoàng Hải Hiền làm Giám đốc đang sở hữu nhiều công trình khoa học, sản phẩm sáng tạo có khả năng ứng dụng cao trong đời sống cũng như sản xuất công nghiệp, rất thích hợp để phối hợp chế tạo chiếc máy này.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá ưu, nhược điểm của các sản phẩm hiện có trên thị trường, nhóm nghiên cứu đã chế tạo các sản phẩm (nguyên mẫu) để thử nghiệm thực tế. Sau hơn 1 tháng nghiên cứu, nhóm này đã chế tạo thành công hai phiên bản máy tự động là  ĐTH1-CV19 và ĐTH2-CV19. Máy ĐTH1-CV19 hoạt động dựa vào áp suất dung dịch được tạo bởi một hệ thống bơm có áp lực cao cùng với hệ thống điều khiển điện tử giúp máy hoạt động đóng ngắt gần như tức thì khi đưa tay vào và rút tay ra. Các rơ le điện tử được sử dụng để giúp tăng độ bền của thiết bị trong điều khiện đóng ngắt liên tục trong thời gian dài. Máy ĐTH2-CV19 cũng sở hữu hệ thống điều khiển đóng ngắt như máy ĐTH1-CV19 giúp tốc độ đóng ngắt gần như lập tức. Điểm mới của phiên bản ĐTH2-CV19 so với ĐTH1-CV19 và sản phẩm hiện có trên thị trường là thay vì phun sương bằng hệ thống bơm áp lực thì phiên bản này phun hơi dung dịch sát khuẩn.

Máy được cấu tạo gồm có hệ thống phun hơi ứng dụng công nghệ dao động tần số cao, vỏ máy được chế tạo bằng hộp nhôm aluminium composite, hệ thống điều khiển điện tự động đóng khi người sử dụng đưa tay vào buồng khử khuẩn. Do máy sử dụng công nghệ mới nên kích thước hạt dung dịch phun lên rất nhỏ (giống như hơi nước) nên ít hao dung dịch sát khuẩn. Nhờ kích thước hạt rất nhỏ nên khả năng bám và phân bố trên bề mặt da tay cũng như các khe, kẽ móng tay rất tốt. Chiếc máy này khi bán ra thị trường trị giá khoảng 1,8 triệu đồng/cái và hiện nay đã có một số cơ quan, đơn vị, trường học liên hệ đặt hàng.

Tiến sĩ Hoàng Hải Hiền cho biết thêm, máy ĐTH2-CV19 hoạt động theo nguyên lý hệ thống dao động tần số cao. Bộ dao động sẽ truyền năng lượng cho các phân tử dung dịch, làm tách các phân tử bay ra khỏi dung dịch được quạt thổi lên trên dưới dạng hơi có hạt rất mịn, các hạt mịn này sẽ phân bố rất tốt lên bề mặt da tay và các khe kẽ.

Hiện tại trên thị trường chủ yếu sử dụng dung dịch chứa cồn để sát khuẩn, tuy nhiên với đối tượng là học sinh thì da tay còn rất non nên dễ bị tổn thương do cồn. Mặt khác, khi lượng người tập trung đông trong khoảng thời gian ngắn, thời tiết oi bức khi sử dụng cồn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ sẽ rất nguy hiểm. Để vẫn đạt được hiệu quả diệt khuẩn mà an toàn, Tiến sĩ Hiền đã đề xuất sử dụng nguyên liệu sát khuẩn được chế tạo theo phương pháp điện phân từ dung dịch có nguồn gốc từ muối ăn để đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn cho da tay sau khi sử dụng.

Về cơ chế hoạt động của máy ĐTH2-CV19, thầy Nguyễn Hữu Tiến cho biết thêm, máy dựa trên mạch đóng ngắt điện tử điều khiển bằng rơ le ánh sáng giúp đóng ngắt chính xác và tốc độ cao, độ bền cao mỗi khi người sử dụng đưa tay vào và rút tay ra khỏi khoang khử khuẩn. Máy có công suất tiêu thụ điện ở mức 25W nên rất tiết kiệm điện. Kích thước của máy 32 x 24 x 72 cm nên khá gọn nhẹ, dễ dàng vận chuyển và lắp đặt ở nhiều địa điểm khác nhau.



Tiến sĩ Đặng Hà Giang - Giám đốc Sở KH&CN thử nghiệm tính năng sát khuẩn của “Máy phun hơi rửa tay khô tự động” phiên bản ĐTH2-CV19

 

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, chiều ngày 22/4/2020, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức gặp mặt động viên và chúc mừng các kết quả nghiên cứu sáng tạo bước đầu của nhóm chuyên gia đến từ Trường THPT Đồng Xoài và doanh nghiệp KH&CN SCIENTECH. Tiến sĩ Đặng Hà Giang - Giám đốc Sở KH&CN, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng KH&CN và Hội đồng Sáng kiến cấp tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao Công ty SCIENTECH - đơn vị tuy mới được Sở Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN nhưng đã chủ động phối hợp cùng Trường THPT Đồng Xoài nghiên cứu chế tạo ra sản phẩm hữu ích này. Tiến sĩ Đặng Hà Giang khuyến khích nhóm tác giả tích cực nghiên cứu và sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, thiết bị hữu ích phục vụ cho nhu giảng dạy, sản xuất và đời sống, giúp đội ngũ giáo viên và các em học sinh, sinh viên thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Học đi đối với hành”. Tiến sĩ Đặng Hà Giang lưu ý thêm, hiện nay Trung tâm Khoa học và Công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) đang sở hữu trang thiết bị và phòng thí nghiệm, thử nghiệm hiện đại nhất trên địa bàn tỉnh nên các doanh nghiệp KH&CN, các đơn vị trường học và nhóm tác giả có thể phối hợp với đơn vị này để đầu tư nâng cấp thành buồng khử khuẩn, máy ATM sử dụng công nghệ tiên tiến để cung cấp thực phẩm tự động và các máy móc, thiết bị khác có tính năng phòng, chống dịch Covid-19 để góp phần chung tay cùng các cấp, các ngành và cộng đồng đẩy lùi đại dịch này; đồng thời nhân rộng mô hình liên kết giữa nhà nước với doanh nghiệp KH&CN và các trường học trong việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KH&CN.

Tại buổi làm việc, cán bộ chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã tư vấn cho nhóm tác giả về thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và các chính sách về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với mong muốn nhân rộng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp KH&CN với các trường học trên địa bàn tỉnh.



Nhóm tác giả trao tặng ĐTH2-CV19 cho Sở Khoa học và Công nghệ

 

Dịp này, nhóm tác giả đã trao tặng cho Sở Khoa học và Công nghệ máy ĐTH2-CV19 để ứng dụng thử nghiệm tại Phòng họp của cơ quan./.

 

Nguồn: Sở KH&CN Bình Phước

Lượt xem: 4136

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)