Thứ ba, 28/04/2020 20:38 GMT+7

Tiến sỹ Võ Hoàng Hưng: Nhà khoa học trẻ và khát vọng phát triển Toán học ứng dụng

Tiến sỹ Võ Hoàng Hưng (Trường Đại học Sài Gòn) là tác giả chính của công trình "Phương pháp tích phân lồi cho các định luật bảo toàn vô hướng trong trường hợp một chiều" (Convex integration for scalar conservation laws in one space dimension) đăng trên Tạp chí SIAM Journal on Mathematical Analysis (SIMA) về Toán giải tích. Đây là 1 trong 3 công trình được đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa học trẻ năm 2020. Nhân dịp này phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Võ Hoàng Hưng.

- Nghiên cứu khoa học là công việc nhiều khó khăn nhưng lại cho “quả ngọt”, kết quả là công trình phương pháp tích phân lồi cho các định luật bảo toàn vô hướng trong trường hợp một chiều" là 1 trong 3 công trình được đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa học trẻ năm 2020. Xin anh chia sẻ về những kết quả nghiên cứu của mình?

Tiến sỹ Võ Hoàng Hưng: Trong khoa học, các định luật bảo toàn là những định luật cơ bản nhất của tự nhiên và vật lý. Về mặt toán học, bài toán Cauchy cho Định luật bảo toàn vô hướng có thể thừa nhận nhiều nghiệm yếu, và để loại bỏ các nghiệm yếu không có ý nghĩa vật lý, các nhà khoa học thường áp đặt một loại điều kiện gọi là “điều kiện entropy” để có đạt được sự duy nhất nghiệm và nghiệm đó cũng được gọi là “nghiệm entropy”. Trong trường hợp một chiều, một trong những cách tiếp cận cổ điển để đạt được “nghiệm entropy” là chuyển phương trình về dạng bài toán Cauchy có dạng phương trình Hamilton-Jacobi và ứng với các điều kiện đặt ra, sau đó  dùng công thức Lax-Oleinik để tìm nghiệm cho bài toán. Hơn nữa, nghiệm tìm được sẽ có tính chất là phần không âm của đạo hàm theo biến không gian của nó sẽ bị chặn hầu như khắp nơi và đó chính là điều kiện entropy trong trường hợp một chiều.

Bằng cách không áp dụng điều kiện entropy, công trình nghiên cứu của tôi và TS Seonghak Kim (Đại học quốc gia Kyungpook, Daegu, Hàn Quốc - đồng tác giả) đã xây dựng nghiệm bị chặn hoàn toàn cho bài toán Cauchy của Định luật bảo toàn vô hướng một chiều thỏa mãn các tính chất như: dao động tương đối bên trong giá của nó với điều kiện đầu không hằng số, liên tục và có giá compact. Tính thú vị nhất của nghiệm được xây dựng là sẽ không đâu liên tục. Tiếp đó, bài báo đã sử dụng phương pháp tích phân lồi của Müller and Šverák để giải bài toán Dirichlet trên miền chữ nhật theo không - thời gian bằng cách chuyển phương trình gốc về một dạng bao hàm thức vi phân có dạng Hamilton-Jacobi.



Tiến sỹ Võ Hoàng Hưng (bên phải) - Trường Đại học Sài Gòn

 

- Điều gì đã khiến anh chọn ngành Toán học để bắt đầu sự nghiệp của mình?

Tiến sỹ Võ Hoàng Hưng: Có lẽ Toán học đến với tôi như một cái duyên và như được sự ủng hộ của “Tạo hóa”. Thật sự, tôi đã bộc lộ năng khiếu về Toán học của mình từ khi còn rất nhỏ (có thể nói là lớp 3), khi đó tôi đã giải được bài toán ma phương bậc 3 nhanh chóng khiến thầy phải bất ngờ và những bài trong sách Toán 5 tôi cảm thấy rất bình thường. Con đường học Toán của tôi cũng lắm gian nan và tôi cũng đã mấy lần có ý định bỏ Toán. Năm lớp 10 tôi thi đậu Huy chương vàng Olympic 30/4 khi vừa mới bị tai nạn xong, năm 11 tôi được hạng nhất kỳ thi Học sinh giỏi Toán Đồng bằng Sông Cửu Long (12 tỉnh). Thành công đến sớm nên tôi bị chủ quan và rớt liên tiếp 2 kỳ thi Học sinh giỏi liên tiếp sau đó. Tôi nguyện rằng nếu cơ hội cuối cùng năm lớp 12 tôi không đậu HSG Toán Quốc gia, tôi sẽ chọn nghề khác như Xây dựng và Kinh tế. May mắn là “Tạo hóa” đã bảo tôi phải học Toán tiếp vì năm đó tôi đạt giải 3 kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia và được tuyển thẳng vào Đại học.

Dù tôi có thể chọn bất cứ trường nào với thành tích đó, nhưng vì giữ đúng lời hứa và tâm nguyện của mình, tôi đã chọn vào Khoa Toán-Tin học của Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Có những khi tôi vấp ngã trong 4 năm học Đại học, và tôi lại tự nói với lòng mình (Bí mật-không ai biết điều này, giờ qua rồi tôi mới kể) rằng nếu tôi không đạt loại giỏi và không được giữ lại Trường Khoa học tự nhiên thì tôi cũng sẽ không theo Toán nữa. “Tạo hóa” lại mỉm cười với tôi lần thứ 2, khi năm đó Khoa Toán thiếu trợ giảng và tất cả các bạn tốt nghiệp loại giỏi hệ Cử nhân Tài Năng (Khoảng 8 người) hướng giải tích đều được giữ lại làm trợ giảng, trong đó có tôi. Tôi học Thạc sĩ chương trình Việt Pháp (PUF) sau đó may mắn lại mỉm cười với tôi khi tôi nhận được học bổng Marie Curie đề làm Tiến sỹ dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Henri Berestycki tại trường Đại học Paris VI. Giáo sư Berestycki không dạy tôi nhiều, nhưng tôi học được cách làm Toán và suy nghĩ Toán của ông. Do sự nỗ lực của bản thân nhưng một phần vì là học trò của ông nên tôi dần được cộng đồng chú ý. Cho đến hôm nay, tôi cảm thấy ngoài nghề làm Toán  và dạy Toán có lẽ tôi không thể làm được gì tốt hơn nữa. Tôi không màng danh lợi cho bản thân khi phải cố làm Toán để được giải này hay giải khác. Gia đình tôi có cuộc sống ổn định, tôi không phải lo cho ba mẹ, chỉ lo cho gia đình nhỏ của mình nên tôi không có nhiều gánh nặng kinh tế. Dù không giàu, nhưng tôi được sống trong sự đam mê của mình. Dù có đạt giải hay không, hằng ngày tôi vẫn tìm thấy niềm vui trên bục giảng.

- Những thành công đạt được có ý nghĩa như thế nào với anh?

Tiến sỹ Võ Hoàng Hưng: Thành công (nếu có) đạt được thì cũng như một điều mà “Tạo hóa” đã nói với tôi rằng : Bạn cũng có năng lực, hãy tiếp tục học Toán, làm toán và giúp đỡ các em học sinh, sinh viên đi sau hiểu thế nào là “Tư duy Toán học”.

- Dù thành công đến đâu, con người ta cũng có lúc thất bại? Anh có nhớ lần thất bại đầu tiên và thất bại nào với anh là đáng nhớ nhất? Nó có ý nghĩa như thế nào với anh?

Tiến sỹ Võ Hoàng Hưng: Thành công đến sớm nên thất bại cũng đến sớm với tôi. Hai lần thất bài đầu tiên trong đời khiến tôi có ý định bỏ Toán là năm tôi học lớp 11 và năm thứ 3 đại học. Nếu tôi không đạt giải Học sinh giỏi Quốc gia Toán năm lớp 12 và không được giữ lại Khoa Toán-Tin của trường Đại học Khoa học Tự nhiên thì chắc tôi đã bỏ Toán như đã kể ở trên.

- Anh có kế hoạch và mục tiêu gì cho hướng nghiên cứu tiếp theo của mình trong năm 2020 và các năm tiếp theo ?

Tiến sỹ Võ Hoàng Hưng: Tôi có nhiều dự án nghiên cứu (bài toán) trong đầu nhưng luôn ở trong trạng thái không đủ thời gian để triển khai. Tôi mong muốn đất nước ta sớm phát triển loại hình “nhóm nghiên cứu dài hạn” và các vị trí Giáo sư, Phó Giáo Sư nghiên cứu, trong các trường Đại học như Centre national de la recherche scientifique  (CNRS) của Pháp để những người nghiên cứu chân chính được sống trọn vẹn với đam mê của mình và không phải lo lắng nhiều về chuyện cơm áo gạo tiền như hiện nay.

Dù là người làm nặng về lý thuyết Phương trình đạo hàm riêng, nhưng đối với tôi, một bài Toán nào đó chỉ đáng được giải nếu như nó có một ý nghĩa ứng dụng thú vị nào đấy, chẳng hạn như trong Vật lý hay Sinh học.

- Là một nhà khoa học, anh  đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của các "sân chơi" cho những sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học hiện nay? Cơ hội phát triển cho những nhà khoa học trẻ ở Việt Nam hiện nay là như thế nào ?

Tiến sỹ Võ Hoàng Hưng: Các sân chơi cho các em sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học hiện nay là tốt. Tuy nhiên, về khía cạnh của mình, tôi không mong muốn các em sa đà và ngộ nhận những “bài Toán làm khó nhau” là nghiên cứu khoa học sinh viên.

Tôi nghĩ để làm nghiên cứu khoa học, các em sinh viên phải chọn cho mình một hướng học mà mình cảm thấy đam mê, bổ sung kiến thức căn bản cho hướng ấy và tìm đúng thầy để học là điều quan trọng nhất, đặc biệt là không ngại khó khi giải không ra bài. Tôi nghĩ, làm nghiên cứu khoa học không phải để “show hàng” hay “được nổi tiếng” như qua các kỳ thi, các “sân chơi”, hay các giải thưởng, cái quan trọng là chúng ta nên hiểu rằng Toán học hay một ngành khoa học nào khác đó chính là sự nhận thức thế giới bằng con đường và thế giới quan của họ. Tôi rất tâm đắc câu nói của giáo sự Ngô Bảo Châu gần đây và xin được nhắc lại “ Người thầy vĩ đại là người biết đặt câu hỏi hay”. Với tôi, Giáo sư Henri Berestycki là một người thầy như thế. Cho nên, nếu có một lời khuyên cho các bạn trẻ hơn tôi, tôi sẽ nói “Hãy cố gắng tìm đúng người thầy của mình và người đó sẽ dạy cho bạn biết thế nào là nghiên cứu khoa học”.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 5940

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)