Thứ ba, 12/05/2020 07:13 GMT+7

Xét chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020: Không chỉ là “so bó đũa, chọn cột cờ”

Dù chưa thông báo ngay kết quả Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 nhưng ngay sau phiên họp xét chọn Giải thưởng vào sáng ngày 29/4/2020, Giáo sư Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng, đã đưa ra đánh giá: "Năm nay có hai nét nổi bật là các công trình đề cử đều được công bố trên các tạp chí quốc tế hàng đầu chuyên ngành, đặc biệt là giải chính, và sự phân bố của các đề cử cho thấy một phần sự phát triển tương đối đồng đều của khoa học Việt Nam."

Xét chọn công bằng, khách quan

Đây sẽ là năm thứ bảy Bộ Khoa học và Công nghệ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho những nhà khoa học có thành tích xuất sắc. Nhấn mạnh đến ý nghĩa giải thưởng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho rằng, “Năm nay, tám đề cử giải thưởng, đặc biệt là giải chính, đều được đánh giá là có chất lượng công trình ở mức tốt. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ hi vọng, chúng ta sẽ chọn được những người xuất sắc và xứng đáng nhất”.

Do đó, Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 phải làm việc công tâm, khách quan. So với mọi năm, Hội đồng giải thưởng có một vài thay đổi nhỏ so với mọi năm, đó là sự xuất hiện lần đầu của giáo sư Guy Thwaites - giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam (OUCRU), một nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực các bệnh truyền nhiễm và vi trùng học lâm sàng và sự trở lại của giáo sư Nguyễn Thục Quyên (Đại học California ở Santa Barbara), chuyên ngành hóa sinh. Với 10 thành viên là các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, Hội đồng giải thưởng tập trung thảo luận và đánh giá tám công trình lọt vào chung kết, trong đó năm công trình đề cử giải chính và ba công trình đề cử giải trẻ. Theo quy chế, mỗi năm Giải thưởng Tạ Quang Bửu sẽ được trao cho tối đa ba tác giả của các công trình giải chính và một giải trẻ.

 

       

 "Các công trình đề cử năm nay đều được công bố trên các tạp chí xuất sắc, thuộc top 5% của thế giới trong các chuyên ngành của mình, riêng đề cử giải chính ngành y sinh được đăng trong tạp chí thuộc top 3 trên gần 3000 tạp chí." 

GS. Ngô Việt Trung

 Để đảm bảo lựa chọn được những công trình có chất lượng xuất sắc nhất, giáo sư Ngô Việt Trung cho biết, một quá trình sàng lọc và đánh giá đã được thực hiện một cách quy củ, bắt đầu từ hội đồng khoa học chuyên ngành Quỹ NAFOSTED – đơn vị thường trực giải thưởng, đến phản biện độc lập từ bên ngoài (ít nhất mỗi công trình ba phản biện độc lập), qua đó bỏ phiếu, nhất trí đề cử các ứng viên lên Hội đồng giải thưởng. “Không phải hội đồng chuyên ngành nào cũng đề cử công trình lên Hội đồng giải thưởng vì việc này còn phụ thuộc vào chất lượng hồ sơ của ngành đó. Vì thế năm nay, chúng ta có chín hội đồng thì chỉ có tám đề cử, không trải rộng hết các chuyên ngành”, giáo sư Ngô Việt Trung lưu ý đến sự công tâm của các hội đồng khoa học ngành.

 

GS. Ngô Việt Trung tại phiên họp xét chọn giải Tạ Quang Bửu ngày 29/4.

 

Dù chưa công bố ngay kết quả giải thưởng nhưng giáo sư Ngô Việt Trung cũng hé lộ quan điểm của ông và các thành viên Hội đồng: “Là người tham dự vào Hội đồng giải thưởng nhiều năm, tôi thấy rằng các giải thưởng đều được trao cho những người thực sự xuất sắc, không chỉ thể hiện ở công trình đạt giải mà kể cả thành tích nghiên cứu trong suốt quá trình làm khoa học. Nhìn chung, những người đoạt giải đều có quá trình làm nghiên cứu rất tốt và có ảnh hưởng đến cộng đồng khoa học lớn. Do đó, mọi người đều coi giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng giá trị nhất đối với người làm nghiên cứu khoa học Việt Nam”.

 Sự phát triển đa dạng của khoa học Việt Nam

Điều các thành viên của Hội đồng giải thưởng và Hội đồng khoa học chuyên ngành Nafosted cảm thấy vui trong quá trình bình xét, lựa chọn là sự phát triển đồng đều và đa dạng của khoa học Việt Nam, nếu nhìn qua lăng kính giải thưởng năm nay. Khác với mọi năm, các hồ sơ lọt vào chung kết đều là công trình của các nhà khoa học đang sống và làm việc ở rất nhiều địa phương của đất nước. Vậy điều này nói lên điều gì? Giáo sư Ngô Việt Trung cho biết, “qua đó, chúng ta có thể thấy sự phát triển đồng đều của khoa học Việt Nam trong những năm qua, không chỉ tập trung vào những thành phố lớn nữa, mà đã bắt đầu trải rộng trên toàn bộ đất nước, ngay cả những địa phương nhỏ như Đà Lạt cũng có những công trình đạt trình độ thế giới”. Đó là hai công trình đề cử giải chính của PGS.TS Phạm Tiến Sơn (trường Đại học Đà Lạt) và đề cử giải trẻ của TS. Hoàng Thanh Tùng (Viện nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).

Một nét đặc biệt khác là mặc dù Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho các nghiên cứu cơ bản nhưng năm nay ghi nhận tới bốn đề cử liên quan đến các vấn đề có ứng dụng thực tiễn, một thuộc lĩnh vực y học sinh sản của PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan (trường Đại học Y Dược TPHCM), một thuộc lĩnh vực ô nhiễm hợp chất hữu cơ mới nổi trong vi môi trường không khí – một đề tài rất thời sự của thế giới và Việt Nam, của PGS.TS. Trần Mạnh Trí (trường Đại học KHTN – ĐHQGHN), một liên quan đến quy trình trồng hoa ở Đà Lạt của TS. Hoàng Thanh Tùng và một liên quan đến giải pháp bào chế làm tăng tính sinh khả dụng của thuốc do TS. Nguyễn Thạch Tùng (trường Đại học Dược Hà Nội) thực hiện.

Giải thưởng là để khuyến khích các nhà khoa học

Là một quốc gia còn đang trong quá trình hội nhập quốc tế, có thể Việt Nam chưa những công trình có sức tác động và ảnh hưởng lớn đến thế giới nhưng lựa chọn và ghi nhận những công trình của nhà nghiên cứu Việt Nam cho Giải thưởng Tạ Quang Bửu không đơn thuần là chuyện “so bó đũa chọn cột cờ”. Sâu xa hơn, đó là một cách thức để khuyến khích các nhà nghiên cứu tiếp tục làm việc và công bố với chất lượng công trình cao hơn trước cũng như hướng đến những mục tiêu cao hơn.

Giáo sư Ngô Việt Trung nhấn mạnh đến ý nghĩa này của Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Với tư cách là một nhà khoa học, ông cho rằng, “việc trao giải thưởng cần xét đến tác động này để hướng đến việc khuyến khích các nhà nghiên cứu trẻ nghiên cứu khoa học. Vì vậy, chúng ta nên có nhiều giải thưởng hơn ở giải hạng mục trẻ”. Theo quan điểm của ông, mỗi ngành nên có một giải thưởng trẻ hằng năm, như vậy sẽ công bằng trong đánh giá giữa các ngành khoa học lý thuyết và thực nghiệm. “Bởi vì trong những ngành lý thuyết, các nhà khoa học trẻ có thể đạt được những thành tựu rất xuất sắc vì việc tiến hành những công trình nghiên cứu không liên quan đến các phòng thí nghiệm. Tuy nhiên ở các ngành khoa học thực nghiệm, đòi hỏi việc điều tra, thí nghiệm… thì về cơ bản, đó là công sức của cả một tập thể và người làm chủ chốt cũng phải có kinh nghiệm”. Đây là lý do giải thích vì sao mà với những năm có giải trẻ, hầu hết những người nhận giải đều là nghiên cứu trong lĩnh vực toán và vật lý lý thuyết.

Mặt khác, dưới cách nhìn của ông, có một vài điểm còn hạn chế khiến cho giải trẻ không phải năm nào cũng được trao. “Bởi vì để đạt được giải thưởng trẻ thì phải đạt được 2/3 số phiếu, mà giải thưởng trẻ chỉ có một giải. Mỗi thành viên chỉ được bỏ một phiếu, cho nên chỉ cần có sự không đồng thuận trong hội đồng thì sẽ không vượt 2/3 số phiếu, vô hình trung sẽ dẫn đến việc rất khó để đạt được giải thưởng trẻ”, ông phân tích.

Những kết quả đánh giá và xét chọn của Hội đồng giải thưởng sẽ được công bố sớm để dự kiến trao Giải thưởng vào trung tuần tháng 5, nhân dịp Ngày KH&CN Việt Nam 18/5.

 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 1595

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)