Thứ tư, 03/06/2020 18:33 GMT+7

Trao đổi về những nguy cơ dịch, bệnh hại cây trồng và định hướng phòng chống nhằm đảm bảo ổn định sản xuất nông nghiệp của Việt Nam

Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phạm Công Tạc, chiều ngày 25/5/2020, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội thảo trao đổi về những nguy cơ dịch, bệnh hại cây trồng và định hướng phòng chống nhằm đảm bảo ổn định sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có 40 đại biểu là đại diện lãnh đạo và chuyên viên của Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ; chuyên viên của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện lãnh đạo và các nhà khoa học thuộc 12 Viện nghiên cứu, trường Đại học trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt có sự tham gia của 6 chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ thực vật và chọn giống cây trồng: GS.TS. Nguyễn Văn Tuất, GS.TSKH. Trần Duy Quý, GS.TS. Trần Đức Viên, GS.TS. Lê Huy Hàm, GS.TS. Trần Đình Long, TS. Ngô Vĩnh Viễn.
 

Toàn cảnh buổi Hội thảo.
 

Hội thảo đã nghe 02 báo cáo trình bày của Bộ KH&CN và Viện Bảo vệ thực vật, 9 ý kiến thảo luận của các chuyên gia và đại biểu tham dự. Các ý kiến đều đánh giá cao Bộ KH&CN đã tổ chức Hội thảo quan trọng này. Theo các chuyên gia, sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh hại cây trồng có mối quan hệ mật thiết với điều kiện sinh thái. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhiệt độ ngày một cao, ngập lụt, xâm nhập mặn... xảy ra ngày càng trầm trọng và không theo quy luật là những yếu tố góp phần làm xuất hiện các loài dịch mới; nhiều loài dịch hại thứ yếu có thể trở thành chủ yếu; vòng đời dịch hại ngắn lại, số lứa trong năm và khả năng sinh sản tăng lên, dẫn đến thiệt hại do chúng gây ra sẽ ngày càng nghiêm trọng và khó kiểm soát. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, nước ta đã xuất hiện thêm nhiều loài dịch hại mới và bùng phát trở lại nhiều đợt dịch sâu bệnh gây hại nặng nề cho nền sản xuất nông nghiệp ở nước ta như dịch vàng lùn (lùn xoăn lá), bệnh lùn sọc đen phương nam, dịch rầy nâu..., và gần đây là sâu keo mùa thu hại ngô, bệnh khảm lá sắn xuất hiện tại nhiều địa phương trong cả nước.

Từ thực trạng về sâu bệnh hại hiện nay, các đại biểu cho rằng cần có chiến lược quốc gia để phòng, chống dịch bệnh gây hại cây trồng, cần có các giải pháp tổng hợp bao gồm các giải pháp về khoa học và công nghệ như tăng cường nghiên cứu cơ bản trong công tác dự tính, dự báo, chọn tạo giống và quy trình canh tác cây trồng, quản lý chặt chẽ công tác nhập khẩu giống cây trồng, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về dịch bệnh hại cây trồng…. kết hợp với những thành tựu về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao trong kiểm soát dịch bệnh hại. Các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý của các bộ, ngành đều đánh giá rất cao ý nghĩa của buổi hội thảo và coi đây là sự chuẩn bị “tinh thần” phòng chống các dịch bệnh một cách chủ động của Bộ KH&CN.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh: Việt Nam đang phải đối phó với rất nhiều nguy cơ dịch bệnh hại cây trồng nông nghiệp, dịch hại luôn là yếu tố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản trong quá trình sản xuất và bảo quản sau thu hoạch. Giai đoạn vừa qua, nước ta đang tập trung cho mở rộng sản xuất nhằm tăng nhanh sản lượng, nên rất cần quan tâm đến công tác phòng chống sâu, bệnh hại và vấn đề an toàn thực phẩm. Qua ý kiến đề xuất của các nhà khoa học, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đề nghị sớm tổ chức buổi làm việc giữa Bộ KH&CN với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành khác để xem xét việc xây dựng kế hoạch chi tiết nghiên cứu khoa học nhằm chủ động trong phòng chống dịch, bệnh hại cây trồng, đảm bảo ổn định sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

 

Nguồn: Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật

Lượt xem: 4364

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)