Thứ sáu, 26/06/2020 10:22 GMT+7

Nghiên cứu các giải pháp phát triển vận tải thủy nội địa phục vụ giải tỏa hàng hóa qua cảng tại Hải Phòng

Chiều 22/6, tại Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng diễn ra hội nghị tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp thành phố: “Nghiên cứu các giải pháp phát triển vận tải thủy nội địa phục vụ giải tỏa hàng hóa qua cảng Hải Phòng” do PGS.TS Đặng Công Xưởng - Trưởng khoa Kinh tế, trường Đại học Hàng hải Việt Nam làm chủ nhiệm.

TS. Đan Đức Hiệp - Chủ tịch Hội đồng khoa học, chủ trì hội nghị.

Bằng phương pháp điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, nhóm nghiên cứu đánh giá thực trạng về vận tải thủy nội địa nhằm giải phóng hàng qua cảng tại Hải Phòng, gồm: thực trạng về quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển vận tải thủy nội địa phục vụ giải tỏa hàng hóa qua cảng tại Hải Phòng; thực trạng mức độ tham gia của vận tải thủy nội địa trong việc giải tỏa hàng hóa qua cảng tại Hải Phòng; thực trạng các phương tiện vận tải thủy nội địa phục vụ giải tỏa hàng hóa qua cảng tại Hải Phòng; thực trạng các cảng, bến thủy nội địa; thực trạng các tuyến, luồng, hệ thống phao tiêu, báo hiệu phục vụ vận tải thủy nội địa và thực trạng nguồn nhân lực quản lý, điều hành, phục vụ trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa.

Kết quả nêu rõ: Là cửa ngõ giao thương quốc tế của các tỉnh phía Bắc Việt Nam và Tây Nam Trung Quốc, những năm qua, lượng hàng hóa qua các cảng của Hải Phòng tăng khoảng 15%/năm và tiếp tục tăng trong thời gian tới. Cùng với sự ra đời của bến cảng hiện đại Lạch Huyện, lượng hàng qua cảng khá lớn, đòi hỏi phải có hệ thống vận tải kết nối để giải phóng hàng hóa ở tuyến hậu phương (đường bộ, đường sắt...). Hiện nay, lượng hàng hóa chủ yếu kết nối với cảng thông qua đường bộ, chiếm hơn 71%, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, tai nạn, ô nhiễm môi trường... Bên cạnh đó, hệ thống đường sắt lạc hậu, chỉ kết nối đến cảng Chùa Vẽ, cho năng lực vận chuyển hàng hóa hạn chế. Trong khi đó, thành phố có 444 bến thủy nội địa đang hoạt động, là tiềm năng để phát triển vận tải thủy nội địa, góp phần giảm tải lượng hàng hóa qua các cảng của Hải Phòng.

Từ những nghiên cứu trên, nhóm tác giả đề xuất 07 nhóm giải pháp nhằm phát triển vận tải thủy nội địa gồm: Xây dựng quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển vận tải thủy nội địa; tăng cường mức độ tham gia của vận tải thủy nội địa trong việc giải tỏa hàng hóa qua cảng tại Hải Phòng; phát  triển các phương tiện vận tải thủy nội địa; phát triển các cảng, bến thủy nội địa; phát triển các tuyến, luồng, hệ thống phao tiêu, báo hiệu phục vụ vận tải thủy nội địa; phát triển nguồn nhân lực quản lý, điều hành trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa; tăng cường phối hợp vận tải thủy nội địa với các phương thức vận tải khác. Trong đó đề ra một số giải pháp cấp bách như: xây dựng cơ chế chính sách phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; tăng cường công tác quản lý nhà nước và tổ chức khai thác: Điều chỉnh cung cầu hàng hóa, bến cảng và phát triển cơ sở hạ tầng kết nối; thực hiện quy hoạch cảng thủy, cảng cạn, cung cấp dịch vụ logistics...

Theo đánh giá của Hội đồng khoa học, đề tài được nghiên cứu công phu, tỉ mỉ, cung cấp nhiều luận cứ khoa học để các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách phù hợp về quy hoạch, đầu tư, phát triển vận tải thủy nội địa; đồng thời là tài liệu nghiên cứu cho các cơ sở đào tạo và cho các doanh nghiệp kinh doanh cảng thủy, vận tải đa phương thức, logistics tham khảo, đầu tư. 

Nguồn: Sở KH&CN thành phố Hải Phòng

Lượt xem: 2779

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)