Thứ năm, 30/07/2020 23:11 GMT+7

Làm nông nghiệp theo cách chưa từng có, nông sản Sơn La dễ dàng đi khắp thế giới

Vài năm trở lại đây, nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm chủ lực của tỉnh Sơn La đều được các thị trường khó tính như Nhật Bản, UAE, Mỹ... đón nhận.

Triển khai gần 200 nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ các địa phương triển khai gần 200 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc các chương trình như: Chương trình nông thôn miền núi, Đổi mới công nghệ, Quỹ gene, Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, Sở hữu trí tuệ, cấp thiết phát sinh ở địa phương…

Các nhiệm vụ tập trung giải quyết đồng bộ các khâu sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển và nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế của địa phương.
 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.
 

Hầu hết các nhiệm vụ được triển khai đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương và vùng, vì thế kết quả nghiên cứu đã gắn sát với thực tiễn, có khả năng ứng dụng ngay trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao giá trị của các sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định, thời gian qua, nhiều kết quả từ các nhiệm vụ nghiên cứu đã và đang được chuyển giao cho các địa phương như: Cao Bằng, Thái Nguyên, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ…

Ngoài các kết quả nghiên cứu, ứng dụng trong nuôi trồng, chế biến, sản xuất kinh doanh... vào thực tiễn địa phương nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, các nghiên cứu còn cung cấp luận cứ khoa học, bộ cơ sở dữ liệu liên ngành, các khuyến nghị… phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm đã góp phần giúp cho địa phương thay đổi nhận thức, quan điểm lựa chọn ứng dụng khoa học công nghệ là khâu đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thời gian tới, việc tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sẽ góp phần tạo nên một nền tảng, một đòn bẩy tri thức - công nghệ - văn hóa - xã hội mạnh mẽ, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững khu vực các tỉnh phía Bắc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong vùng.

Chinh phục thị trường khó tính

Một trong những địa phương tiêu biểu nhờ ứng dụng khoa học công nghệ đã "thay da đổi thịt" đó là tỉnh Sơn La. Ông Phạm Quang An, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La cho biết, từ năm 2016 - 2019, Sở KH&CN Sơn La đã bàn giao tổng số 105 kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án KH&CN cho 30 đơn vị thuộc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các trường Đại học, doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh.

Điển hình với kết quả của các đề tài, dự án trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển cây ăn quả trên đất dốc, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững...;

Một số mô hình đáng chú ý đó là sản xuất giống cà chua ghép và mô hình thâm canh cà chua ghép trái vụ tại Công ty cổ phần Greenfarm Mộc Châu. 
 


 

Mô hình thâm canh cà chua ghép trái vụ tại Công ty cổ phần Greenfarm Mộc Châu.
 

Dự án này hàng năm cung cấp 3-4 triệu cây giống cho vùng Đồng bằng Sông Hồng và mô hình sản xuất cà chua thương phẩm từ giống tạo ra được mở rộng cung cấp sản phẩm cà chua an toàn cho chuỗi siêu thị ở Hà Nội.

Mô hình sản xuất rau trái vụ đạt tiêu chuẩn VietGAP và hoa chất lượng cao tại Công ty Cổ phần hoa nhiệt đới đã hình thành nghề trồng hoa và rau chất lượng cao tại địa phương, tạo việc làm ổn định, thu nhập cao cho hơn 150 lao động (bình quân là 5- 6 triệu đồng/người/tháng).

Hiện tại, công ty vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trồng hoa, ngoài ra mô hình được mở rộng được 25 ha hoa, giá bán các sản phẩm rất cao, doanh thu 1,5-2 tỷ/ha/năm.

"Mọi cây trồng trên địa bàn tỉnh đều phải nằm trong quy hoạch. Bài học ở các tỉnh thành miền Trung và miền Nam đã có, thấy đắt một tí là nông dân ồ ạt trồng. Nếu cứ chạy theo giá cả thị trường mà ào ạt trồng lê rồi bỏ các cây trồng khác cũng không thể được vì có thể tạo ra những bất ổn của thị trường", ông An cho hay.

Theo ông An, đó là một trong những lý do 5 năm trở lại đây sản phẩm nông sản ở Sơn La được nhiều thị trường khó tính đón nhận.

 

Các vườn lê ở Mộc Châu được trồng theo hướng hữu cơ, giá từ 80.000 đồng/kg nhưng cũng không có để bán.
 

Điển hình như xây dựng mô hình trồng nhãn chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Sông Mã, từ hiệu quả của mô hình vài hecta, đến nay toàn tỉnh có 17.292 ha nhãn cho thu hoạch, tập trung chủ yếu tại các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La...

Hiện, toàn tỉnh được cấp 92 mã số vùng trồng nhãn với diện tích trên 2.415 ha; trong đó, có 34 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các nước Mỹ, Úc với diện tích 207,6 ha; 58 mã số được cấp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, diện tích trên 2.207 ha.

Sản lượng sản phẩm nhãn dự kiến đạt 70.412 tấn, trong đó có khoảng 22.442 tấn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu chính vẫn là Trung Quốc và một số thị trường khác như: Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Bên cạnh đó là mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện Mai Sơn, cho thu hoạch 20 tấn/ha. Đến nay, diện tích trồng thành long ruột đỏ trên địa bàn tỉnh là 133ha.

Những trái thanh long ruột đỏ của Sơn La sau khi thu hoạch không chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong nước thông qua kênh siêu thị, mà còn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, UAE và đang được chào hàng sang một số nước khác.

Ông An cũng cho biết, hiện UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các Sở ngành trong đó có Sở KHCN nghiên cứu đưa ra các mô hình và quy trình trồng một số giống cây theo hướng hữu cơ.

"Phải làm khác, chuẩn ngay từ đầu vào thì chắc chắn sẽ không lo đầu ra. Hiện tại, nhận thức của bà con ở đây cũng dần dần thay đổi, lựa chọn ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, nuôi trồng... Tuy nhiên, để từng bước nâng cao giá trị sản phẩm cần triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ để áp dụng tiêu chuẩn đo lường chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xác lập bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ cho sản phẩm đặc hữu địa phương, đổi mới công nghệ, thương mại hóa sản phẩm…", ông An nói.

Ông An dẫn chứng, hiện ở Sơn La rất nhiều hộ dân trồng lê theo hướng hữu cơ. Tất cả các vườn lê ở các huyện Mộc Châu, Vân Hồ đều không xuất ra ngoài được. Lý do là bởi các thương lái đều đến tận vườn đặt mua từ rất sớm. Giá lê các thương lái đặt mua đều ở mức ngất ngưởng từ 80.000 đồng/kg trở lên.
 

Liên kết nguồn tin: https://danviet.vn/lam-nong-nghiep-theo-cach-chua-tung-co-nong-san-son-la-de-dang-di-khap-the-gioi-20200730073626403.htm

Nguồn: Báo điện tử Dân Việt

Lượt xem: 3895

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)