Thứ năm, 06/08/2020 10:50 GMT+7

Lễ Bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện

Ngày 01/8/2020, tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cho nghiên cứu sinh (NCS) Phạm Đăng Quyết, chuyên ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân (mã số 9.44.01.08), đề tài luận án “Nghiên cứu đánh giá các thành phần liều phục vụ nghiên cứu BNCT trên kênh ngang của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt” với sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền và TS. Trịnh Thị Tú Anh.

Đến tham dự buổi Lễ có đại diện cho cơ sở đào tạo bà Đàm Thị Thanh Thủy - Phó trưởng phòng Đào tạo, Nghiên cứu và Triển khai, và sự có mặt của tập thể người hướng dẫn khoa học, cùng một số bạn bè, các nhà khoa học trong những lĩnh vực khác và người thân của nghiên cứu sinh.

Dưới sự chủ trì của PGS.TS. Phạm Đức Khuê, Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS Phạm Đăng Quyết trong suốt quá trình thực hiện đề tài, các thành viên Hội đồng đánh giá cao những kết quả nghiên cứu học tập và những nỗ lực của NCS trong thời gian qua.
 


NCS Phạm Đăng Quyết trình bày tóm tắt luận án

Trong 30 phút trình bày tóm tắt luận án, NCS Phạm Đăng Quyết đã trình bày một cách hệ thống, logic và khoa học những kết quả nghiên cứu của mình. Theo đánh giá của các phản biện: GS.TS. Lê Hồng Khiêm, PGS.TS. Trương Thị Hồng Loan; PGS.TS. Trần Hoài Nam và các thầy trong Hội đồng thì luận án là một công trình khoa học nghiêm túc, các kết quả thu được là mới, phong phú, mang giá trị khoa học và có ý nghĩa thực tiễn như:

- Luận án đã sử dụng thành công công cụ mô phỏng Monte Carlo để nghiên cứu đánh giá thành phần liều trong BNCT trên kênh ngang số 2 với cấu hình đang có, và sử dụng mô phỏng MCNP để tìm cấu hình tối ưu. Mô hình mô phỏng được đánh giá bởi các thông số thống kê như độ lệch chuẩn tương đối R, chỉ số FOM để kiểm tra diễn biến kết quả, thông số VOV đánh giá độ chính xác của R và cho thấy số lịch sử hạt cỡ 109 là tốt. Mô hình cũng được kiểm tra hiệu lực bởi các thí nghiệm khảo sát phân bố thông lượng neutron nhiệt trên phantom theo trục và theo bán kính, thí nghiệm khảo sát phân bố suất liều gamma của tia gamma 2,22 MeV do tương tác giữa neutron nhiệt và Hydro trong phantom. Kết quả luận án là bước khởi đầu mở ra hướng nghiên cứu ứng dụng mới cho lò phản ứng Đà Lạt trong việc ứng dụng kênh ngang số 2 của lò cho việc điều trị u não bằng kỹ thuật BNCT;

- Đã nghiên cứu và xác định được các thành phần liều trong BNCT, đưa ra kết luận liều hấp thụ trong phương pháp BNCT phụ thuộc chủ yếu vào thông lượng của nơtron nhiệt và hàm lượng của bor trong thể tích vùng tế bào khối u;

- Xác định được phân bố liều hấp thụ của BNCT trong phantom nước bằng MCNP5 và phương pháp NAA, kết quả có sự phù hợp giữa tính toán mô phỏng và đo thực nghiệm;

- Xây dựng phương pháp phân tích hàm lượng bor trong mẫu nước bằng kỹ thuật PGNAA. Kết quả cho phép kết luận hệ PGNAA tại CN2DR hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của nghiên cứu BNCT;

- Đề xuất được cấu hình tối ưu cho hệ BNCT tại CN2DR bằng chương trình MCNP5, với thông lượng neutron nhiệt tăng khoảng 12 lần so với cấu hình hiện tại. Đưa ra kết luận CN2DR hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật dòng neutron và an toàn bức xạ để tiến hành nghiên cứu vật lý và đào tạo về phương pháp BNCT.

Mặt khác các kết quả thu được trong luận án đã được công bố trong 05 bài báo tại các Tạp chí khoa học trong nước, quốc tế và hội nghị khoa học, trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí SAINS Malaysiana và 01 bài trên tạp chí Asian Journal of Scientific Research; 02 bài trên tạp chí Nuclear Science and Technology và 01 bài đăng trong kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế. Điều này thể hiện tính cấp thiết, tầm quan trọng và ý nghĩa của các kết quả nghiên cứu của luận án đạt được.

PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền, đại diện cho tập thể người hướng dẫn khoa học của NCS đã có nhận xét rất sâu sắc, mô tả những khó khăn và nỗ lực mà nghiên cứu sinh đã vượt qua. Ông cũng cho biết nghiên cứu sinh thường xuyên báo cáo, trao đổi với người hướng dẫn nhằm đề xuất các hướng nghiên cứu, cập nhật nhiều thông tin trong nước và thế giới, NCS đã vận dụng những phần mềm hiện đại để giải quyết một số vấn đề nghiên cứu và đã thu được những kết quả có tính thuyết phục cao. Ngoài ra, ông cũng khẳng định kết quả nghiên cứu được trình bày hôm nay là những cố gắng không chỉ của NCS mà còn nhờ sự những ý kiến góp ý của các nhà khoa học, đồng nghiệp… và sự quan tâm của Lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Nghiên cứu hạt nhân, Trường Đại học Đà Lạt và Trung tâm Đào tạo hạt nhân. Và ông cũng mong NCS Phạm Đăng Quyết tiếp tục thắp lên những ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học của các bạn sinh viên trong sự nghiệp trồng người của trường Đại học Đà Lạt.
 

PGS.TS. Phạm Đức Khuê công bố kết quả bảo vệ luận án

Sau khi nghe NCS trình bày tóm tắt luận án và trả lời các câu hỏi của các thành viên Hội đồng và các khách mời tham dự, Hội đồng chấm luận án đã họp kín và bỏ phiếu. Với kết quả bỏ phiếu 7/7 phiếu tán thành, PGS.TS. Phạm Đức Khuê thay mặt Hội đồng chúc mừng NCS Phạm Đăng Quyết bảo vệ thành công luận án và chức mừng tập thể người hướng dẫn khoa học cùng Trường Đại học Đà Lạt đã có thêm một học trò/giảng viên có trình độ tiến sĩ.
 

Chủ tịch Hội đồng chúc mừng NCS Phạm Đăng Quyết

 

Hội đồng chúc mừng NCS Phạm Đăng Quyết

Trong niềm vui và xúc động, NCS Phạm Đăng Quyết trân trọng cảm ơn các thành viên của Hội đồng đánh giá luận án đã góp ý, chỉ bảo để NCS có thể tiếp tục hoàn thiện luận án của mình. Nghiên cứu sinh gửi lời cảm ơn và tri ân sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của tập thể người hướng dẫn khoa học, Lãnh đạo Trường Đại học Đà Lạt, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Nghiên cứu hạt nhân, Trung tâm Đào tạo hạt nhân, đồng nghiệp, bạn bè và đặc biệt là gia đình - nơi luôn là hậu phương, là nguồn động viên và cổ vũ lớn lao để NCS có thể bảo vệ thành công luận án và đạt được học vị tiến sĩ như ngày hôm nay./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 2757

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)