Thứ hai, 10/08/2020 13:13 GMT+7

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ thăm và làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình

Tỉnh Ninh Bình đã triển khai 16 dự án phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù của Ninh Bình, bao gồm: ngao Kim Sơn, gạo Hương Bình, cói mỹ nghệ Kim Sơn, đá mỹ nghệ Ninh Vân, cá Tràu tiến Vua, thêu ren Văn Lâm - Ninh Hải, cơm cháy Ninh Bình...

Ngày 31/7/2020, đồng chí Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã thăm và làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Ninh Bình nhằm trao đổi chính sách, biện pháp tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về SHTT và hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Tham dự buổi làm việc, về phía Cục SHTT còn có đồng chí Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục SHTT, Lãnh đạo các đơn vị: Phòng Pháp chế và Chính sách, Văn phòng Cục, Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn. Về phía Sở KH&CN tỉnh Ninh Bình, có đồng chí Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở KH&CN; các đồng chí trong Ban Giám đốc Sở và lãnh đạo các phòng ban chức năng của Sở.



Đồng chí Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục SHTT phát biểu tại buổi làm việc

 

Báo cáo về hoạt động SHTT của tỉnh Ninh Bình, đồng chí Hoàng Trọng Lễ - Phó Giám đốc Sở KH&CN Ninh Bình cho biết, trong giai đoạn 2017-2020, Sở đã tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV ban hành Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND ngày 06/7/2017 quy định chính sách hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017- 2020 và xây dựng, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 13/10/2017 về thực hiện Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND. Kết quả, đã thực hiện hỗ trợ xác lập quyền SHCN đối với 01 sáng chế, 24 kiểu dáng công nghiệp, 187 nhãn hiệu và hỗ trợ xây dựng hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu và thiết kế kênh thông tin cho 34 tổ chức. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai 16 dự án phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù của Ninh Bình, bao gồm: ngao Kim Sơn, gạo Hương Bình, cói mỹ nghệ Kim Sơn, đá mỹ nghệ Ninh Vân, cá Tràu tiến Vua, thêu ren Văn Lâm - Ninh Hải, cơm cháy Ninh Bình, mắm tép Gia Viễn, khoai lang Hoàng Long, khoai sọ Yên Quang, mật ong Cúc Phương, trạch tả Ninh Bình, đào phai Tam Điệp, chè trại Quang Sỏi và 02 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý gồm dứa Đồng Giao và dê núi Ninh Bình. Các sản phẩm sau khi được bảo hộ đã tăng giá trị bước đầu từ 5-15%, góp phần mở rộng sản xuất, khẳng định được thương hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm đặc trưng của Ninh Bình.



Đồng chí Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở KH&CN Ninh Bình phát biểu tại buổi làm việc

 

Bên cạnh đó, Sở KH&CN tỉnh Ninh Bình đã chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, huyện, thành phố, các đơn vị, tổ chức thông tin tuyên truyền, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sở hữu trí tuệ; chủ động trong việc khuyến khích, động viên, khen thưởng đối với các tác giả sáng kiến, góp phần thúc đẩy hơn nữa hoạt động sáng tạo trong nhân dân. Đặc biệt, bước đầu làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh lập hồ sơ đăng ký quyền sở hữu công nghiệp. 



Đồng chí Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục SHTT phát biểu thảo luận tại buổi làm việc

 

Để công tác quản lý nhà nước về SHTT trong thời gian tới đạt hiệu quả, Sở KH&CN tỉnh Ninh Bình đề nghị Cục SHTT hỗ trợ, hướng dẫn cho cơ quan quản lý ở địa phương trong công tác xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược SHTT đến năm 2030; quan tâm, cấp văn bằng bảo hộ cho các tổ chức/cá nhân đã được hỗ trợ theo Nghị quyết 22 và Nghị quyết 15; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương trong hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; kiểm tra, thanh tra sở hữu trí tuệ, giám định, chống hàng giả, chống gian lận thương mại, chống vi phạm quyền SHTT trên địa bàn theo quy định.

Cục trưởng Đinh Hữu Phí đánh giá cao vai trò của Sở KH&CN Ninh Bình và những kết quả mà tỉnh đã đạt được trong hoạt động quản lý nhà nước về SHTT và phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là việc tham mưu cho Lãnh đạo tỉnh ban hành và triển khai Nghị quyết số 22 và Kế hoạch số 116. Cục trưởng cho biết, Cục SHTT sẵn sàng hỗ trợ các địa phương nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng trong triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về SHTT và phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống và tạo việc làm cho bà con, đặc biệt là xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược SHTT trên địa bàn tỉnh. Cục trưởng cũng lưu ý Sở KH&CN trong việc nghiên cứu Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021 – 2030 để tham mưu cho Lãnh đạo tỉnh ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Các vấn đề cụ thể khác liên quan đến công tác xử lý đơn SHCN, xử lý các vụ việc xâm phạm quyền…, Cục sẽ giao cho các đơn vị chức năng của Cục để xử lý theo quy định.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 2331

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)