Thứ năm, 20/08/2020 15:19 GMT+7

Khai thác và phát triển nguồn gen giống quế Thanh Hóa (Cinnamomum cassia) có năng suất và chất lượng tinh dầu cao

Quế (Cinnamomun cassia) là cây bản địa, đa tác dụng của Việt Nam, vỏ Quế từ rất lâu đời đã được sử dụng như một trong những loại gia vị và vị thuốc quý (Hải Thượng Lãn Ông, Đỗ Tất Lợi, 1961, 1970). Với phân bố rộng trên nhiều vùng sinh thái khác nhau, thông qua quá trình chọn lọc và thích nghi với điều kiện tự nhiên đã hình thành nên những vùng Quế nổi tiếng. Trong các vùng đó, Thanh Hóa từ lâu đã được xem như là một trung tâm lớn về Quế của cả nước (Đỗ Tất Lợi, 1970; Trần Hợp 1976, 1984). Từ xa xưa, Quế khai thác từ rừng tự nhiên được gọi là sơn Quế, có giá rất cao, một cây sơn Quế có thể đổi được 300 tấn gạo, tương đương khoảng 3 - 4 lạng vàng. Tự hào về sản vật của địa phương, Quế ở Thanh Hóa đã được người dân nơi đây ví quý như ngọc, gọi là “Ngọc Quế Thường Châu”, và ngày nay thường gọi là Quế thanh (Nguyễn Kim Đào, 2004).


Hạt giống 40 cây trội và xử lý hạt giống

 

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như khai thác quá mức, diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm đã làm cho sơn Quế cạn kiệt, gần như không thấy Quế ở rừng tự nhiên trong vùng. Trong những năm 2000, với sự hỗ trợ của các chương trình trồng rừng, Quế đã được gây trồng khá rộng rãi trong tỉnh bằng nhiều nguồn giống khác nhau, chưa qua khảo nghiệm. Nhưng những năm gần đây, do năng suất, chất lượng và giá bán thấp, sâu bệnh phá hoại dẫn đến hiệu quả kinh tế rừng trồng Quế không cao, cùng với cạnh tranh từ các loài cây lâm nghiệp mọc nhanh (keo và luồng), một phần lớn diện tích trồng Quế đã bị chuyển sang trồng các loài khác. Theo số liệu kiểm kê rừng năm 2015, diện tích Quế trồng tập trung thuần loài trên toàn tỉnh chỉ còn khoảng trên dưới 100 ha và tập trung chủ yếu ở huyện Thường Xuân (UBND tỉnh Thanh Hóa, 2015). Sự suy giảm diện tích, phạm vi phân bố bị thu hẹp và việc sử dụng các giống chất lượng kém để trồng rừng trong quá khứ đã làm cho giống Quế thanh quý bị thoái hóa nghiêm trọng, nguồn gen và tài nguyên di truyền của Quế thanh cũng ngày một suy giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến chất sản lượng và danh tiếng của Quế thanh. Đây là một thách thức lớn, cần phải có cố gắng liên tục, dài hạn mới có thể bảo tồn và phát triển được nguồn gen loài này.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

- Hiện trạng gây trồng Quế thanh: Diện tích trồng Quế ở Thanh Hóa đã suy giảm đáng kể, hiện nay chỉ còn khoảng trên dưới 100 ha rừng trồng Quế tập trung trên toàn tỉnh. Quế trồng ở Thanh Hóa đa phần là các giống ở nơi khác mang đến, diện tích trồng tại địa phương không nhiều và thường được trồng phân tán trong vườn hộ, lẫn với các loài khác. Quế thanh đang bị suy giảm nghiêm trọng về cả số lượng và chất lượng.

- Hàm lượng tinh dầu và cinnamaldehyde: Hàm lượng tinh dầu Quế thanh khá cao, trung bình đạt 3,73%, mẫu có hàm lượng tinh dầu cao nhất là 7,14% (XL01) và thấp nhất là 1,91% (XC3). Tuy nhiên hàm lượng cinnamaldehyde lại khá thấp, trung bình chỉ đạt 58,59%, mẫu có hàm lượng cinnamaldehyde cao nhất là XL16 (85,1%), thấp nhất là VX09 (40,1%). Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng cinnamaldehyde có sự khác biệt rõ rệt giữa các quần thể thu thập mẫu và có liên hệ chặt chẽ với các biến dị di truyền. Kết quả phân tích đa dạng di truyền cũng cho thấy có sự tương đồng về di truyền với tương đồng về hàm lượng cinnamaldehyde.

- Đa dạng di truyền các giống Quế thanh: Hệ số tương đồng di truyền của 32 mẫu Quế, trong đó có 4 mẫu thu ở Yên Bái (2 mẫu) và Nghệ An (2 mẫu) khá cao dao động từ 0,67 đến 0,91. Sự tương đồng cao về mặt di truyền tạo điều kiện thuận lợi cải thiện các giống Quế thanh sau này bằng cách lai tạo với các giống Quế tại Yên Bái và Nghệ An.

- Chọn lọc cây trội: Nhiệm vụ đã chọn được 40 cây trội có hàm lượng tinh dầu cao hơn quần thể trên 10%. Độ vượt trội về hàm lượng tinh dầu thập nhất là 11.54% và cao nhất là 210% so với quần thể. Về hàm lượng cinnamaldehyde có 40 cây/40 cây trội có độ vượt trên 10%, cây có độ vượt cao nhất là cây XL16 (vượt 55,01%).

- Xây dựng 03 ha vườn giống vô tính tại Thanh Hóa: Nhiệm vụ đã tạo được hơn 1.400 cây ghép của 40 dòng cây trội để phục vụ xây dựng 03 ha vườn giống vô tính. Sau 16 tháng trồng tỷ lệ sống trung bình của vườn giống 82%, dòng có tỷ lệ sống cao nhất đạt 96,8% (XCM 01, XL 01, XL 03, XCH 01), dòng có tỷ lệ sống thấp nhất là 71% (YN12, XCM08, VX 06). Sinh trưởng về đường kính 𝐷̅00 = 6,321 mm (±0,52), 𝐷ghép= 4,34 mm ((±0,42), 𝐻̅𝑣𝑛= 44,7 cm (±02,65), 𝐻̅ghép=22,55 cm (±2,32).

- Kết quả khảo nghiệm dòng vô tính bước đầu cho thấy 3 dòng XL01, XL16 và XCM01 cho sinh trưởng đường kính, chiều cao vượt trội so với các dòng khác. Hàm lượng tinh dầu và cinnamaldehyde trong vỏ cây trội của cả 3 dòng này đều rất cao, hàm lượng tinh dầu của 3 cây lần lượt là 7,1% (XL 01), 6,1% (XCM 01) và 6% (XL 16). Đặc biệt 2 dòng XCM 01 và XL 16 có hàm lượng Cinamaldehyde đều trên 80%, cao nhất trong 40 cây trội. Trong đó, 3 dòng Quế XL01, XL16 và XCM01 là những dòng triển vọng nhất cho năng suất và chất lượng tinh dầu cao.

Tạo cây giống và xây dựng 10 ha mô hình rừng trồng thâm canh: Nhiệm vụ đã thu thập hạt giống từ 40 cây trội và tạo được gần 30.000 cây giống từ 40 gia đình cây trội. Trong 2 năm 2015 và 2016, nhiệm vụ đã xây dựng được 10 ha mô hình trồng rừng Quế thanh thâm canh tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Kết quả đánh giá cho thấy tỷ lệ sống đạt 93,8%, sinh trưởng 𝐷̅00 = 7,7 mm (5,2 - 9,6), 𝐻̅𝑣𝑛= 59,8cm (35,9 - 60,5). Kết quả thí nghiệm trồng dưới các độ tàn che cho thấy trong năm đầu Quế trồng ở độ tàn che 0,3 - 0,4 cho sinh trưởng tốt nhất.

Từ kết quả tổng kết các kỹ thuật gây trồng Quế và đánh giá các mô hình hiện có trong vùng, nhiệm vụ đã dự thảo quy phạm kỹ thuật trồng Quế thanh theo hướng thâm canh cho khu vực Thanh Hóa. Bản dự thảo quy phạm được trình bày theo đúng theo Quy chế xây dựng, ban hành, phổ biến và kiểm tra áp dụng Tiêu chuẩn ngành.


*Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 14111/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 4564

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)