Thứ sáu, 04/09/2020 23:34 GMT+7

Hướng dẫn của WIPO về xây dựng Chính sách Sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu

Cục Sở hữu trí tuệ trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bộ 03 cuốn sách phục vụ xây dựng Chính sách Sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu do WIPO xuất bản.

Cục Sở hữu trí tuệ trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bộ 03 cuốn sách phục vụ xây dựng Chính sách Sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu do WIPO xuất bản. 

Làm sao để chắp cánh cho những ý tưởng tuyệt vời xuất phát từ các nghiên cứu trong các trường đại học, viện nghiên cứu (viện/trường), chuyển hóa chúng thành sản phẩm, dịch vụ trên thị trường, là điều mà các nhà chính sách về sở hữu trí tuệ luôn trăn trở. Hiểu được điều đó, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã xuất bản bộ 03 cuốn sách “Chính sách Sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu” như một bộ cẩm nang trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

Đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển là cơ sở cho ngành công nghiệp cũng như cho tăng trưởng kinh tế. Các viện/trường có vai trò nền tảng trong phát triển kinh tế xã hội, đồng thời thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) là cơ chế chính cho phép các viện/trường và xã hội nói chung nắm bắt giá trị của đổi mới sáng tạo.

Chính hệ thống SHTT giúp các viện/trường thương mại hóa tài sản trí tuệ của họ, qua đó thu được các nguồn kinh phí bổ sung, cùng với những nguồn lực khác dùng để đầu tư vào những nghiên cứu tiếp theo. Đồng thời, quan hệ đối tác với khu vực tư nhân và các viện/trường khác có thể bảo đảm cho kết quả nghiên cứu khoa học có tác động rộng hơn vào năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp, việc thành lập các công ty mới hoặc việc vượt qua các thách thức kinh tế xã hội như vấn đề sức khỏe, năng lượng và an ninh lương thực. Đây là lý do chính để các viện/trường ở các nước đang phát triển và kém phát triển tham gia vào việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu của mình nhằm bảo đảm mối quan hệ chặt chẽ giữa nghiên cứu với tác động xã hội.

Cách tiếp cận này đòi hỏi phải hỗ trợ ở khía cạnh kinh tế cho việc chuyển giao tri thức, trong đó các chiến lược khai thác tài sản trí tuệ (TSTT) đều tập trung vào cách thức làm sao để nghiên cứu khoa học và TSTT đem lại lợi ích cho xã hội.

Chính sách Sở hữu trí tuệ  của viện/trường chính là nền tảng của việc quản lý TSTT, bao gồm cả việc:
• đóng vai trò làm xuất phát điểm của sự hiểu biết chung về TSTT, quyền SHTT và động lực cho các nhà nghiên cứu;
• thiết lập kết cấu/cách thức để viện/trường giải quyết vấn đề quyền sở hữu và định đoạt TSTT của mình. Như vậy, Chính sách Sở hữu trí tuệ bảo đảm tính chắc chắn và tính minh bạch để củng cố mối liên kết giữa các viện/trường và ngành công nghiệp; và
• là cơ sở giúp các viện/trường thực hiện các cam kết xã hội, và đặc biệt, trong việc bảo đảm phổ biến tri thức và công nghệ vì lợi ích công cộng.

WIPO thực hiện các chương trình hỗ trợ để giúp các viện/trường trong việc xác định, quản lý và thương mại hóa một cách có hiệu quả các kết quả nghiên cứu và TSTT thu được. 

Bộ công cụ về Chính sách Sở hữu trí tuệ  này giúp các viện/trường giải quyết các vấn đề chính như quyền sở hữu TSTT và quyền sử dụng, bộc lộ TSTT, quản lý TSTT, thương mại hóa TSTT, khuyến khích các nhà nghiên cứu, ghi chép, hạch toán, và giải quyết xung đột lợi ích. Bộ công cụ gồm 03 cuốn sách hướng dẫn: 

Cẩm nang 1: Mô hình Chính sách Sở hữu trí tuệ dành cho các  trường đại học, viện nghiên cứu (Mô hình) - Tóm tắt những vấn đề chủ chốt, mang tính cốt lõi trong chính sách sở hữu trí tuệ, bao gồm quyền sở hữu, động lực, bảo mật và công bố, quản lý và thương mại hóa TSTT, ghi nhận và duy trì TSTT và xung đột lợi ích liên quan đến TSTT. 
Tác giả: Bà Lien Verbauwhede Koglin, ông Richard Cahoon, Ông Mohammed Aljafari, Bà Hagit Messer-Yaron, Ông Barthelemy Nyasse, Bà Maria del Pilar Noriega Escobar và Bà Tana Pistorius.
Mô hình này cung cấp một tập hợp các điều khoản gắn kết với nhau, tạo nên một Chính sách SHTT hữu hiệu. Các điều khoản này có thể được sử dụng nguyên như vậy. Tuy nhiên, có nhiều phương án tùy chọn về chính sách và các điều khoản khác nhau có thể được sử dụng thay cho các điều khoản nêu trong Mô hình. 

Cẩm nang 2: Bộ Hướng dẫn tùy chỉnh Mô hình Chính sách Sở hữu trí tuệ - Đưa ra các phương án thay thế và Tùy chọn thông qua ví dụ của các quốc gia khác nhau và phân tích ưu và nhược điểm của các cách tiếp cận khác nhau.
Bộ Hướng dẫn này do Bà Lien Verbauwhede Koglin, Bà Kerry Faul và Ông Richard Cahoon soạn thảo.
Ấn phẩm này đề ra các nguyên tắc có tính chất hướng dẫn thực hành cho các lãnh đạo cấp cao có trách nhiệm xây dựng chính sách, quy tắc và quy định trong các viện/trường của mình, để tạo điều kiện cho việc tùy chỉnh Mô hình Chính sách Sở hữu trí tuệ dành cho các viện/trường (“Mô hình”). Bộ Hướng dẫn việc tùy chỉnh Mô hình Chính sách Sở hữu trí tuệ  (“Bộ Hướng dẫn”) giải thích nội dung và mô tả cơ sở của từng điều khoản được đề xuất trong Mô hình. Trong trường hợp có thể, lời văn của các điều khoản được minh họa bằng các ví dụ và trích dẫn chính sách đang được áp dụng tại các viện/trường và các tài liệu tham khảo hữu ích.
Mục đích chính của Mô hình và Bộ hướng dẫn Mô hình là cung cấp một loạt các Tùy chọn, chứ không phải một tập hợp các khuyến nghị. Mục tiêu là để thúc đẩy tư duy phản ánh và phê phán; đảm bảo cơ sở chắc chắn về quyền sở hữu TSTT; khuyến khích việc thương mại hóa một cách có trách nhiệm đối với kết quả nghiên cứu; và cung cấp những thông tin khách quan có thể giúp các nhà soạn thảo Chính sách Sở hữu trí tuệ khi họ đánh giá, tùy chỉnh phù hợp với viện/trường của mình.

Cẩm nang 3: Danh mục kiểm tra của các Nhà soạn thảo Chính sách Sở hữu trí tuệ - Hướng dẫn thực hành và thông tin từng bước về các giai đoạn khác nhau thường gặp trong quá trình hoạch định hoặc sửa đổi Chính sách Sở hữu trí tuệ. 
Tác giả: Bà Lien Verbauwhede Koglin.
Những viện/trường có nhu cầu sử dụng tài liệu này làm cơ sở xây dựng chính sách của mình được phép và nên xóa bỏ, sửa đổi và bổ sung thông tin phù hợp để đáp ứng các nghĩa vụ, yêu cầu và thực tiễn cụ thể của viện/trường mình, cũng như để tuân thủ các chính sách của viện/trường và pháp luật hiện hành. Mô hình nêu trên không được coi là thay thế cho sự tư vấn pháp lý chuyên nghiệp. WIPO cũng khuyến nghị các viện/trường nên mời các chuyên gia có kinh nghiệm tham gia vào quá trình xây dựng Chính sách Sở hữu trí tuệ  cho đơn vị mình.


Tải về Bộ 03 cuốn sách thuộc bộ công cụ IP policy:

Cẩm nang 1: Mô hình Chính sách Sở hữu trí tuệ dành cho các trường đại học, viện nghiên cứu
Bản gốc tiếng Anh 
Bản dịch tiếng Việt (dùng để tham khảo)
Cẩm nang 2: Bộ Hướng dẫn tùy chỉnh Mô hình Chính sách Sở hữu trí tuệ 
Bản gốc tiếng Anh 
Bản dịch tiếng Việt (dùng để tham khảo)
Cẩm nang 3: Danh mục kiểm tra của các Nhà soạn thảo Chính sách Sở hữu trí tuệ 
Bản gốc tiếng Anh 
Bản dịch tiếng Việt (dùng để tham khảo)

Nguồn tham khảo: https://www.wipo.int/about-ip/en/universities_research/ip_policies/

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 5283

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)