Thứ ba, 15/09/2020 10:35 GMT+7

Hỗ trợ điều trị bệnh ung thư: Sản xuất hỗn hợp alkaloit từ lá đu đủ

Từ hoạt chất alkaloit trong lá đu đủ có hoạt tính gây độc với một số dòng tế bào ung thư đã thử nghiệm như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư máu và ung thư biểu mô, PGS.TS Đỗ Thị Hoa Viên và cộng sự đã đề xuất phương pháp sản xuất hỗn hợp alkaloit chọn lọc với hiệu suất cao tới 0,2% có thể ứng dụng trong sản xuất quy mô công nghiệp.

Có người nhà bị ung thư, nên PGS.TS Đỗ Thị Hoa Viên – Đại học Bách khoa Hà Nội luôn quan tâm đến các hoạt chất có khả năng khắc chế căn bệnh quái ác này. Năm 2004 khi tình cờ đọc được bài thuốc dân gian về lá cây đu đủ, bà đã lập tức đi tìm hiểu về các công trình nghiên cứu đã có trước đó.

“Tại thời điểm nghiên cứu, tôi chỉ tìm thấy ở Pháp một sáng chế tinh chiết carpaine từ lá đu đủ rồi dùng phương pháp tổng hợp hóa học để thay đổi cấu trúc thành hoạt chất chữa ung thư. Ở Việt Nam, chỉ có nghiên cứu khẳng định về hoạt chất này trong lá đu đủ của TS Đỗ Tất Lợi  (trong cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam) và của TS Phan Quốc Kinh. Ngoài ra, công bố của TS Hồ Thị Hà khẳng định về hoạt chất này có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư giúp tôi có thêm niềm tin tiếp tục thực hiện nghiên cứu này” – PGS.TS Đỗ Thị Hoa Viên nói.

Đáng nói, các nghiên cứu đã có hầu như mới dừng lại ở việc tách chiết carpaine tinh khiết – một chất nằm trong nhóm alkaloit tổng phục vụ cho việc làm thuốc điều trị ung thư, chưa có nghiên cứu nào đi vào tách chiết alkaloit tổng hướng tới phát triển thành thuốc hỗ trợ điều trị ung thư. Vì thế, PGS.TS Đỗ Thị Hoa Viên và các cộng sự quyết định chọn hướng đi này và cho rằng, kết quả nghiên cứu hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng ở quy mô sản xuất công nghiệp. Nhất là trong điều kiện, số bệnh nhân ung thư mới tại Việt Nam luôn tăng cao mỗi năm và nhu cầu về sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư luôn rất lớn. “Do vậy, nhóm nghiên cứu đã bắt tay vào xây dựng quy trình chiết alkaloit tổng với độ tinh sạch đáp ứng yêu cầu làm dược chất và hiệu suất đủ cao để phát triển làm nguyên liệu sản xuất thuốc hỗ trợ điều trị bệnh ung thư” – PGS.TS Đỗ Thị Hoa Viên - đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.

Với một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới và có rất ít tài liệu tham khảo, nhóm mất hai năm nghiên cứu để đề xuất quy trình sản xuất hỗn hợp alkaloit từ lá cây đu đủ với các bước: xử lý nguyên liệu; thu cao chiết tổng; loại tạp chất; thu alkaloit tổng; thu hỗn hợp alkaloit.

Trong đó, nguyên liệu được sử dụng để chiết alkaloit là lá đu đủ Carica papaya.L thuộc họ đủ đủ, được trồng phổ biến tại Việt Nam. “Lá bánh tẻ là loại tốt nhất để sử dụng vì có hàm lượng alkaloit cao nhất” – PGS Đỗ Thị Hoa Viên lưu ý. Nếu như các bài thuốc dân gian khuyên dùng lá tươi thì nhóm nghiên cứu của PGS Đỗ Thị Hoa Viên tìm cách sấy khô để có thể dùng được quanh năm.



Cây đu đủ (Ảnh: Internet)

 

Sau khi làm sạch và thái nhỏ, lá đu đủ được sấy khô đến độ ẩm nằm trong khoảng từ 8,5-9,5%  rồi nghiền nhỏ thành bột với kích thước khoảng 1mm.

Để thu cao chiết tổng, bột lá đu đủ khô làm ẩm bằng etanol 80% với tỷ lệ etanol gấp hai lần bột rồi đưa vào thiết bị gia nhiệt có cánh khuấy. Sau cùng, etanol tiếp tục được bổ sung với tỷ lệ nguyên liệu/dung môi là 1/5 rồi gia nhiệt đến 60% và tiến hành chiết trong 3 giờ trong điều kiện khuấy.

PGS Đỗ Thị Hoa Viên cho biết, sau ba lần như vậy, nhóm nghiên cứu tiến hành cất thu hồi dung môi trong điều kiện áp suất giảm ở nhiệt độ 50oC và thu được cao chiết tổng ở dạng lỏng, màu nâu và có độ ấm 25-30%.

Điểm mới của quy trình này nằm ở việc, nhóm nghiên cứu nhận thấy, trong thực vật, alkaloit thường tồn tại ở dạng bazo và một ít ở dạng muối nên việc sử dụng etanol 80% giúp tiết giảm bước sơ chế nguyên liệu bằng ammoniac so với chiết bằng etanol 95%.

Không chỉ vậy, khi tiến hành tối ưu hóa quy trình chiết với nhiệt độ 60oC, sản phẩm thu được sẽ có hiệu suất và hoạt tính tối ưu. Bởi nhiệt độ tăng quá cao, alkaloit thu được sẽ bị biến tính, giảm hoạt tính sinh học. Trong khi đó, nếu chiết trong điều kiện khuấy, nhiệt độ chiết 60oC trong thiết bị gia nhiệt có cánh khuấy sẽ giúp giảm được thời gian chiết với tỷ lệ nguyên liệu/dung môi tối ưu là 1/5.

“Khó khăn nhất khi chiết alkaloit tổng là phải loại chlorophene – diệp lục có rất nhiều trong lá cây. Cả alkaloit tổng và chlorophen đều là hợp chất không phân cực, nên vô cùng khó tách. Vì vậy, nhóm đã phải thay đổi độ pH, axit hóa, kiềm hóa và trạng thái của hợp chất alkaloit mới tiến hành tách được” – PGS Đỗ Thị Hoa Viên nói thêm.

Tuy nhiên, kết quả mà nhóm đạt được là vô cùng lớn. Vì trong tài liệu của TS Đỗ Tất Lợi hay TS Phan Quốc Kinh đều có ghi hàm lượng alkaloit trong lá đu đủ chiếm khoảng từ 0,02-0,04% tùy thổ nhưỡng, thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên nhóm đã chiết được tới 0,2% alkaloit tổng – có nghĩa là chiết gần như hết hoạt chất này.

Để một lần nữa khẳng định tác dụng của hoạt tính này, nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm ở quy mô phòng thí nghiệm trên tế bào ba nhóm ung thư phổ biến là ung thư phổi, ung thư vú, ung thư biểu mô. Kết quả đều cho thấy, với nồng độ 100µg/ml, hỗn hợp alkloit có khả năng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư, với kết quả lần lượt là 100,92%; 100,71%; 73,34%.

Với kết quả này, quy trình Sản xuất hỗn hợp alkaloit từ lá đu đủ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002332, được công bố vào ngày 25/06/2020.

“Kết quả nghiên cứu và các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm một lần nữa chứng minh hiệu quả của hỗn hợp alkaloit với việc hỗ trợ điều trị bệnh ung thư phổi, vú và biểu mô. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm để cùng phát triển sản phẩm” – PGS.TS Đỗ Thị Hoa Viên nói thêm.

 


PGS.TS Đỗ Thị Hoa Viên

Nguồn: Bài viết hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 3910

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)