Mở đầu phiên toàn thể ngày họp đầu tiên diễn ra vào sáng ngày 21/9, ông Azzeddine Farhane, Đại sứ Morocco được toàn thể Đại hội bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng lần thứ 64.
Phát biểu khai mạc, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đã nhấn mạnh đến công tác xác minh việc sử dụng vật liệu hạt nhân mà IAEA liên tục thực hiện xuyên suốt giai đoạn bùng phát đại dịch COVID-19 nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi lạm dụng loại vật liệu này. Ông nhấn mạnh sự đóng góp của IAEA về cung cấp thiết bị để phát hiện và chẩn đoán virút corona cho 123 quốc gia, đồng thời khuyến khích các quốc gia thành viên hỗ trợ Dự án của IAEA “Phối hợp hành động ngăn ngừa các dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật sang con người” (ZODIAC) nhằm thiết lập một mạng lưới các phòng thí nghiệm chẩn đoán mang tính quốc gia trên toàn cầu để theo dõi, giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát dịch bệnh.
Ảnh Kỳ họp Đại hội đồng IAEA (Photo: D. Calma/IAEA).
Sự kiện trực tuyến bên lề Kỳ họp Đại hội đồng
Một trong những hoạt động bên lề của Kỳ họp này là Cuộc họp trực tuyến giữa Việt Nam và Ấn Độ được tổ chức vào ngày 22/9/2020 tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN). Tham dự Cuộc họp này về phía Việt Nam có lãnh đạo Viện NLNTVN và lãnh đạo Cục An toàn Bức xạ hạt nhân, về phía Ấn độ có Thứ trưởng Bộ Năng lượng nguyên tử kiêm Chủ tịch Ủy ban Năng lượng nguyên tử Ấn Độ, Chủ tịch Ban Pháp quy về Năng lượng nguyên tử và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử Bhabha của Ấn Độ. Hai bên đã trao đổi về nội dung và thời gian tổ chức Cuộc họp Ủy ban hỗn hợp về Năng lượng nguyên tử Việt Nam - Ấn Độ và việc chuẩn bị Biên bản ký kết trong lĩnh vực y tế, pháp quy và hợp tác cung cấp nguồn cobalt nhân Cuộc họp Ủy ban hỗn hợp.
Diễn đàn khoa học về điện hạt nhân và chuyển đổi năng lượng sạch
Diễn đàn khoa học kéo dài hai ngày với chủ đề “Điện hạt nhân và chuyển đổi năng lượng sạch” được tổ chức từ ngày 22 đến ngày 23/9. Diễn đàn đã được tổ chức ở cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tổng Giám đốc IAEA phát biểu khai mạc và có sự tham gia của một số diễn giả cấp cao từ chính phủ, ngành công nghiệp và các tổ chức quốc tế.
Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng giám đốc IAEA cho biết để đáp ứng các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu, phần lớn điện năng sẽ cần phải được sản xuất dựa trên các nguồn nhiên liệu sản sinh ít các-bon. Điều đó sẽ chỉ khả thi nếu tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân. “Để đạt được điều đó, đòi hỏi chúng ta phải tận dụng tất cả các nguồn năng lượng không thải ra khí nhà kính. Điện hạt nhân là một phần của giải pháp này”.
Các quan chức cấp cao và các chuyên gia hàng đầu cùng nhau thảo luận về những đột phá và phát triển mới nhất của điện hạt nhân và vai trò của điện hạt nhân trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng hiện tại và tương lai của thế giới. Sự kiện kéo dài hai ngày tập trung vào các nội dung:
- Những đổi mới để đạt được quá trình chuyển đổi năng lượng sạch: Tập trung vào các đổi mới khoa học và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân vì các mục tiêu khí hậu và phát triển; thảo luận về vai trò của năng lượng hạt nhân trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch; nêu bật các bước đột phá hỗ trợ cho việc vận hành lâu dài các lò phản ứng, là nguồn cung cấp năng lượng bổ sung khi gia tăng tỷ lệ sử dụng những nguồn năng lượng tái tạo mang nhiều tính bất định.
- Năng lượng hạt nhân hỗ trợ quá trình "khử các-bon sâu": Tập trung thảo luận làm thế nào để năng lượng hạt nhân có thể hỗ trợ quá trình “khử các-bon sâu” bằng cách cung cấp nước nóng hoặc khí nóng (process heat) cho các ngành công nghiệp và cấp năng lượng nhiệt đến nhiều tòa nhà từ hệ thống trung tâm (district heat), khử muối nước biển phục vụ việc tiêu thụ nước ở các vùng khô hạn và sản xuất hydro cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau - cuối cùng hướng đến việc không không phát thải khí.
- Những đổi mới vì một tương lai bền vững: Quản lý chu trình năng lượng. Thảo luận về các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến quá trình sản xuất năng lượng hạt nhân và việc quản lý các yếu tố đó, bao gồm cả các phương pháp lưu trữ và xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; những cải tiến trong chu trình nhiên liệu hạt nhân để đưa việc tái chế lên một cấp độ mới và giảm cả khối lượng và tính độc hại của chất thải hoạt độ cao.
- Thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch: Tập trung thảo luận về các rào cản trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân rộng rãi, chẳng hạn những khó khăn về vấn đề tài chính và nhấn mạnh vai trò của IAEA trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ và chuyển giao công nghệ cho các quốc gia thành viên.
Tại phiên bế mạc, Diễn đàn đưa ra kết luận và định hướng kế hoạch hành động trong tương lai cho IAEA cũng như các quốc gia thành viên.
Kỳ họp Đại hội đồng kết thúc vào ngày 25/9/2020. Trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, IAEA và các nước thành viên vẫn cố gắng đạt được những mục tiêu cần thiết để tiếp tục mang năng lượng nguyên tử phục vụ cho sự phát triển bền vững và đóng góp cho nền kinh tế - xã hội toàn cầu./.