Thứ ba, 01/12/2020 15:45 GMT+7

Thủ tướng đối thoại với thanh niên khởi nghiệp: Tháo gỡ, tháo gỡ hơn nữa để Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp

Khi đối thoại với thanh niên về khởi nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Tôi tin Bộ trưởng, Thứ trưởng có mặt hôm nay sẵn sàng trả lời câu hỏi các bạn. Tôi cũng sẽ trực tiếp trả lời để làm sao khởi nghiệp sáng tạo được thúc đẩy tốt nhất, nâng cao lời hứa và trách nhiệm của Chính phủ với thanh niên trong khởi nghiệp".

Chiều 27/11, trong khuôn khổ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia TECHFEST 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành tiếp tục đối thoại với các nhà đầu tư, chuyên gia, thanh niên khởi nghiệp về 4 nhóm vấn đề gồm: Chính sách tài chính cho khởi nghiệp; Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, cơ hội và vai trò của thanh niên khởi nghiệp; Nguồn nhân lực chất lượng cao – yếu tố then chốt để thanh niên khởi nghiệp đóng góp vào nền kinh tế; Hệ sinh thái cho thanh niên khởi nghiệp – thực trạng và giải pháp hoàn thiện.
 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với thanh niên khởi nghiệp. Ảnh: TF
 

Nêu quan điểm khi đối thoại, Thủ tướng nói: “Diễn đàn sẽ lắng nghe ý kiến để làm sao tạo môi trường cho khởi nghiệp sáng tạo phát triển tốt nhất để Việt Nam trở thành quốc gia đổi mới sáng tạo (ĐMST), quốc gia khởi nghiệp.

Tôi tin các Bộ trưởng có mặt ở đây sẽ trả lời được hết các câu hỏi của các bạn. Tôi tin Bộ trưởng, Thứ trưởng có mặt hôm nay sẵn sàng trả lời câu hỏi các bạn trên tinh thần tháo gỡ, tháo gỡ hơn nữa. Tôi cũng sẽ trực tiếp trả lời để làm sao khởi nghiệp sáng tạo được thúc đẩy tốt nhất, nâng cao lời hứa và trách nhiệm của Chính phủ với thanh niên trong khởi nghiệp".

Tháo gỡ vướng mắc về quỹ đầu tư khởi nghiệp trong tháng 12

Tại diễn đàn, đại diện của Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital cho biết một đơn cử trong những vướng mắc hiện nay cần tháo gỡ là họ nhận thấy nhu cầu hình thành các quỹ đầu tư tư nhân đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST rất lớn nhưng đang có nhiều vướng mắc chưa triển khai được. Cụ thể là Nghị định 38 ban hành năm 2018 quy định rằng có thể hình thành các quỹ tư nhân để đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tuy nhiên có tư cách pháp nhân, giới hạn số lượng nhà đầu tư dưới 30 người và số vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp không được vượt quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Điều này khác với những đặc điểm của đầu từ khởi nghiệp vàgây ra nhiều khó khăn trong việc định giá, góp vốn, thoái vốn.

Những vướng mắc không được gỡ ngay có thể dẫn tới hiện tượng "chảy máu" doanh nghiệp khởi nghiệp nước ngoài. Founder của startup AN VUI Phan Bá Mạnh cho biết, cách đây 2 năm khi đi gọi vốn doanh nghiệp này mất rất nhiều thời gian để đàm phán với các quỹ đầu tư trong và ngoài nước vì hầu hết các quỹ đều yêu cầu phải mở công ty ở nước ngoài. “Nếu chúng ta không cải thiện sẽ rơi vào tình trạng chảy máu startup, khi hầu hết đây đều là các startup có chất lượng tốt. Vậy so với 2 năm trước, thì hiện tại môi trường và hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã có những cải thiện gì để hấp dẫn quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hay vẫn để các startup vẫn phải ra nước ngoài mở công ty để tiện gọi vốn?” – anh Mạnh đặt câu hỏi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam hiện chưa hoàn thiện còn nhiều khó khăn, dù chúng ta đã tăng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Tuy hiên, so với các nước trong khu vực Việt Nam vẫn còn nhiều trở ngại về thể chế pháp luật nên chưa thu hút được tối đa nguồn lực cho khởi nghiệp ĐMST, đặc biệt là nguồn vốn tài chính. Làm sao phải để không chảy máu startup ra nước ngoài là những câu hỏi mà các thành viên chính phủ có trách nhiệm trả lời.
 

Đại diện các Bộ ngành trả lời tại diễn đàn. Ảnh: TF
 

Đối với vấn đề về Nghị định 38, dù đã có nhiều điểm tiến bộ nhưng vẫn có nhiều ràng buộc. Vì thế, Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH&CN và Bộ KH&ĐT phải giải đáp thắc mắc trên tinh thần mở ra chứ không phải trói vào.

Nhận chỉ định trả lời, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, Nghị định 38 hướng dẫn luật đầu tư và cho phép hình thành quỹ đầu tư, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp. Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng cho biết vấn đề mà đại diện Vinacapital nêu đúng. Đơn cử như quy định mỗi lần tăng vốn phải dưới 50% vốn diều lệ. Điều này là bất hợp lý vì một doanh nghiệp được đầu tư 5000 USD ở vòng 1, nhưng vòng sau có thể đầu tư 10.000 USD hoặc 500.000 USD tuy theo nhận định của nhà đầu tư về tiềm năng phát triển của startup này.

“Những quy định này khá cứng nhắc và chỉ phù hợp với với doanh nghiệp nhà nước Việt Nam và trở thành rào cản vướng mắc khi hình thành quỹ đầu tư cho khởi nghiệp. Chúng tôi tiếp thu nghiêm túc và sẽ bàn với Bộ KH&ĐT. Bộ KH&ĐT đang trình Chính phủ và xin ý kiến các bộ ngành để sửa đổi Nghị định 38 trong thời gian tới, giúp hệ sinh thái khởi nghiệp” – Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.
 


 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng cho biết kể từ khi ra đời, Nghị định 38 đã hướng dẫn cho 6 quỹ ra đời. Tuy nhiên trước tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ, có nhiều điểm đã không còn thích hợp. Bộ KH&ĐT sẽ chủ trì nghiên cứu và sửa đổi để hỗ trợ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Kết luận phần này, Thủ tướng Chính Phủ yêu cầu 2 bộ cần trình phần sửa đổi Nghị định 38 trước tháng 12/2020 và Thủ tướng sẵn sàng phê duyệt.

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận trách nhiệm là đầu mối cho các doanh nghiệp chuyển đổi số

Trước làn sóng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, Founder của Kyber Network Lưu Thế Lợi cho biết để chuyển đổi số thành công thì sự đồng điệu của các bên rất quan trọng như sự hỗ trợ của chính phủ với doanh nghiệp, doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại, dịch bệnh. Vậy Chính phủ có cơ chế chính sách hay hỗ trợ gì để thúc đẩy các Bộ ngành và doanh nghiệp lớn trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp startup trong việc xây dựng các sản phẩm công nghệ và mục tiêu chuyển đổi số?

Theo Bộ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số và khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn chặt với nhau. Thứ doanh nghiệp cần nhất là đầu ra và chính phủ là đầu ra lớn nhất “chính phủ tiêu xài vào đâu thì chỗ đó sẽ phát triển”.

Tuy nhiên, nói đến chuyển đổi số và ĐMST thì khó khăn đầu tiên là chính sách, vì những việc này đều là việc mới, chưa có thể chế. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, "việc đầu tiên nhà nước phải làm là tạo ra thể chế cho chuyển đổi số cho những mô hình kinh doanh mới”. Với chủ trương xây dựng các sandbox cho thử nghiệm chính sách, Bộ TT&TT nhận trách nhiệm đóng vai trò như cơ chế một cửa - trở thành đầu mối duy nhất cho các doanh nghiệp chuyển đổi số. “Nhiều quốc gia đã xây dựng thể chế cho công nghệ số và cách mạng 4.0 và Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định về việc thành lập một trung tâm xây dựng chính sách cho công nghệ 4.0 và những mô hình kinh doanh mới, hợp tác với diễn đàn thế giới. Trung tâm này nằm ở Bộ TT&TT sẽ chính thức vận hành vào năm 2021. Như vậy, Việt nam sẽ được thừa hưởng các chính sách mà các nước khác đã làm và nếu chính sách nào chưa có thì trung tâm này đứng ra giải quyết” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Đối với việc thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và toàn dẫn, Thủ tướng chính phủ đã ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, tất cả các Bộ, ngành địa phương sẽ ban hành chương trình chuyển đổi số của chính mình. Hiện đã có 20 bộ ngành địa phương công bố và dự kiến đến đầu năm 2021 các bộ ngành địa phương sẽ công bố hết.

Về dữ liệu – nguồn dầu mỏ mới của thế giới, Chính Phủ cũng đã có nghị định về mở dữ liệu và hiện tại trên cổng dữ liệu mở quốc gia Data.gov.vn đã có 10.000 Bộ dữ liệu. Năm 2021 Thủ tướng sẽ công bố lộ trình dữ liệu mở của từng ngành và địa phương.

Để bảo trợ cho chất lượng sản phẩm các doanh nghiệp, Bộ TT&TT cũng đã triển khai chương trình Make in Vietnam và triển khai ngày thứ 6 công nghệ. Theo đó, Bộ TT&TT đứng ra đánh giá và giới thiệu các sản phẩm phục vụ cho chuyển đổi số tạo niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà nước.

“Sắp tới Việt Nam sẽ có thêm quỹ của các doanh nghiệp lớn đầu tư vào startup Việt Nam, giải bài toán Việt Nam, làm cho Việt Nam phát triển và từ đó chinh phục thế giới” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kết luận.

Phát biểu kết luận diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra 2 con số so sánh, nếu như cách đây 2 năm, khi gõ từ khóa ‘khởi nghiệp’ cho ra 13.4 triệu kết quả thì nay có tới 20,7 triệu kết quả được tìm thấy. Và điều này cho thấy tinh thần khởi nghiệp đã được lan tỏa mạnh mẽ, ở nhiều lứa tuổi, khởi nghiệp đã không còn ranh giới.

Bằng sự quyết liệt của mình, người đứng đầu Chính phủ khẳng định những khó khăn vướng mắc sẽ được quan tâm tháo gỡ và cam kết bảo hộ tối đa quyền sở hữu trí tuệ, sáng kiến khởi nghiệp của doanh nghiệp, ưu tiên đầu tư hạ tầng công nghệ, thông tin viễn thông, tạo đầu tư cho các nền tảng cần thiết.

Liên kết nguồn tin: https://khoahocphattrien.vn/tin-tuc/thao-go-thao-go-hon-nua-de-viet-nam-tro-thanh-quoc-gia-khoi-nghiep/20201127070447253p1c882.htm

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 3257

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)