Thứ ba, 08/12/2020 09:35 GMT+7

Gia nhập Hiệp ước Budapest: những vấn đề cần quan tâm

Ngày 02/12/2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc gia nhập Hiệp ước Budapest” tại Hà Nội.

Tham dự hội thảo có hơn 40 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, các cơ quan lưu giữ chủng vi sinh vật tại Việt Nam, chuyên gia trong lĩnh vực vi sinh vật học, các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp. 



Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khai mạc Hội thảo
 

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã nhấn mạnh ý nghĩa của việc gia nhập Hiệp ước Budapest đối với việc khuyến khích đầu tư và nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ sinh học hiện đang được xem là một trong những trụ cột chính của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đóng vai trò quan trọng trong xu thế phát triển nền kinh tế xanh của thế giới. Bên cạnh đó, việc gia nhập Hiệp ước này cũng là một giải pháp cụ thể về hội nhập quốc tế nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, đồng thời để thực hiện cam kết tại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định giữa Việt Nam và Thụy Sỹ về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ năm 1999.

Tại hội thảo, các báo cáo viên đã trình bày những vấn đề cụ thể mà Việt Nam cần quan tâm khi gia nhập Hiệp ước Budapest như ý nghĩa của việc gia nhập Hiệp ước Budapest đối với Việt Nam; nghĩa vụ theo Hiệp ước Budapest và đánh giá sự phù hợp giữa Hiệp ước và Quy chế thi hành với pháp luật Việt Nam hiện hành; hiện trạng nộp lưu chủng vi sinh và triển khai quy trình xác lập quyền đối với sáng chế liên quan đến các chủng vi sinh của cơ quan xác lập quyền tại Việt Nam; các điều kiện kỹ thuật, pháp lý và thủ tục thành lập cơ quan thẩm quyền lưu giữ quốc tế; vấn đề thực thi quyền đối với sáng chế liên quan đến các chủng vi sinh nộp lưu và kinh nghiệm thực tế trong việc lưu giữ chủng vi sinh.



Báo cáo viên trình bày tại Hội thảo

 

Nhìn chung, việc gia nhập và thi hành các cam kết trong Hiệp ước Budapest hầu như không gặp khó khăn, trở ngại. Vấn đề cần xác định là Việt Nam có nên thành lập cơ quan lưu giữ quốc tế hay không - một nghĩa vụ không bắt buộc theo Hiệp ước. Vì vậy, trong phần thảo luận, các đại biểu tập trung trao đổi về việc thành lập cơ quan có thẩm quyền lưu giữ chủng vi sinh quốc tế tại Việt Nam. Đa số các đại biểu đều thống nhất rằng cần có nghiên cứu toàn diện, đầy đủ về việc thành lập cơ quan lưu giữ quốc tế tại Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế, cần sớm có danh sách chính thức các cơ quan có thẩm quyền lưu giữ chủng vi sinh tại Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.

Hội thảo đã mang lại cái nhìn toàn diện hơn và sâu sắc hơn về các vấn đề liên quan đến Hiệp ước Budapest, đặc biệt là vấn đề nộp lưu chủng vi sinh trong thủ tục đăng ký sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Đó là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền đưa ra xác định được định hướng chính sách phù hợp để tận dụng các cơ hội trong thời gian tới.



Toàn cảnh Hội thảo

 

Hiệp ước Budapest về sự công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế (Hiệp ước Budapest) được ký tại Budapest (Hungary) vào ngày 28/4/1977, được sửa đổi ngày 26/9/1980. Tính đến tháng 8/2020, có 83 quốc gia đang là thành viên của Hiệp ước Budapest và 48 cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế được đặt tại 26 quốc gia thành viên trên toàn thế giới. Mục đích chính của Hiệp ước Budapest là nhằm đảm bảo sự công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế tại bất kỳ cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế nào. Sự công nhận này tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao tính bảo mật cho việc nộp lưu chủng vi sinh, theo đó người nộp lưu chỉ cần nộp mẫu chủng vi sinh một lần tại bất kỳ cơ quan có thẩm quyền lưu giữ quốc tế đặt tại lãnh thổ của các quốc gia thành viên Hiệp ước.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1743

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)