Thứ hai, 14/12/2020 15:39 GMT+7

Nghiên cứu và phát triển hệ thống quản lý và giám sát từ xa các nguồn phóng xạ theo thời gian thực

An ninh nguồn phóng xạ nói riêng và an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung hiện tại đang là mối quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế, đặc biệt sau khi xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001 tại NewYork, Mỹ. Tháng 4/2010, Hội nghị thượng đỉnh An Ninh Hạt nhân lần thứ nhất đã được tổ chức tại Washington DC, Hoa kỳ. Tháng 3/2012, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 2 đã được tổ chức tại Seoul, Hàn quốc. Tại các Hội nghị này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và có những phát biểu bày tỏ sự ủng hộ về các sáng kiến chống khủng bố và cam kết Việt Nam sẽ thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh cho các cơ sở hạt nhân và bức xạ trong đó có an ninh nguồn phóng xạ, nhằm ngăn chặn nguy cơ sử dụng vật liệu hạt nhân và nguồn phóng xạ vào mục đích khủng bố gây hoang mang trong xã hội. Ở Việt Nam trong những năm gần đây, kỹ thuật bức xạ, hạt nhân đã được triển khai nhanh và rộng trong nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế-xã hội, đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực. Tuy nhiên, việc quản lý, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng nguồn phóng xạ đang gặp phải nhiều thách thức. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ mất nguồn phóng xạ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế và ổn định xã hội.


Lực phân bố vào mặt trên của vỏ hộp

 

Trên cơ sở thực tiễn các yêu cầu về công tác quản lý và giám sát nguồn phóng xạ của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu và chế tạo thành công hệ thống quản lý và giám sát các nguồn phóng xạ theo thời gian thực. Việc chủ động, tự xây dựng được hệ thống giám sát các nguồn phóng xạ có ý nghĩa rất lớn trong an ninh, an toàn xã hội và cả trong công tác Quốc phòng - An ninh.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng năng lượng hạt nhân nói chung và nguồn phóng xạ nói riêng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng và Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo lĩnh vực này từ rất sớm bằng nhiều chính sách, văn bản pháp lý và hành động cụ thể. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Trần Quang Vinh cùng thực hiện.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã nghiên cứu và chế tạo thành công hệ thống định vị giám sát các nguồn phóng xạ theo thời gian thực theo đề tài NCKH cấp Quốc gia, mã số: ĐTĐLCN.01/2014/HĐ-ĐTĐL. Sản phẩm mẫu của đề tài (sản phẩm BKRAD) đã được thử nghiệm nhiều lần tại Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE) và Trung tâm chiếu xạ Hà Nội (HIC). Kết quả cho thấy hệ thống hoạt động ổn định trong môi trường có phóng xạ cao, cảm biến phóng xạ hoạt động tốt và có dải đo rộng (10 μSv/h - 1000 mSv/h), thời gian hoạt động dài bằng nguồn pin sạc được. Kết quả của đề tài được Cục An toàn bức xạ và hạt nhân xác nhận là đơn vị có khả năng thiết kế chế tạo hệ thống quản lý giám sát an ninh nguồn phóng xạ, bao gồm phần mềm quản lý cài đặt tại Trung tâm giám sát và thiết bị đầu cuối gắn trên các thiết bị chứa nguồn phóng xạ sử dụng di động. Sản phẩm BKRAD được tích hợp các phương pháp định vị khác nhau (GPS, LBS, WiFi, RFID) cho phép giám sát liên tục thiết bị chứa nguồn phóng xạ trong nhiều điều kiện môi trường khó khăn như trong nhà, trong khu vực có nhiều công trình che chắn hay trong hầm ngầm. Tính độc đáo của sản phẩm còn thể hiện ở khả năng xác định và tìm lại được nguồn phóng xạ trong trường hợp bị mất cấp, thất lạc bằng cách sử dụng thiết bị bí mật (Implant Tracker) gắn trên Projector. Ngoài ra, sản phẩm còn được trang bị các cảm biến chống tiếp cận và tháo gỡ trái phép giúp nâng cao độ an toàn và an ninh nguồn phóng xạ. Các sản phẩm của đề tài hoàn toàn được thiết kế và chế tạo trong nước, phù hợp với chủ trương nội địa hóa thiết bị hạt nhân ở trong nước. Việc tự nghiên cứu, tự thiết kế và chế tạo thành công thiết bị định vị giám sát nguồn phóng xạ di động sẽ giúp cho các nhà khoa học Việt Nam nắm bắt được các công nghệ mới, công nghệ cao so với việc mua thiết bị của nước ngoài, đồng thời việc sửa chữa, xử lý hoặc khắc phục hậu quả, khắc phục sự cố nhanh hơn nhiều so với việc khắc phục sự cố thiết bị mua của nước ngoài. Kết quả của đề tài cho phép chúng ta nắm được các bí quyết công nghệ còn rất mới, khẳng định chỗ đứng của các nhà khoa học nước ta trong cộng đồng nghiên cứu quốc tế.

Nhóm nghiên cứu đề nghị Trường ĐHBK Hà Nội và Bộ KH&CN cho phép chuyển giao công nghệ thiết kế chế tạo hệ thống BKRAD cho doanh nghiệp có đủ khả năng và năng lực để tiến hành sản xuất hàng loạt và thương mại hóa. Đồng thời nhóm nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu, thiết kế bổ sung các chức năng mới cho hệ thống BKRAD như khả năng giám sát nguồn phóng xạ ngay cả khi Projector được vận chuyển bằng thùng chứa chuyên dụng.

*Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13879/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 1896

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)