Thứ tư, 16/12/2020 15:55 GMT+7

Phiên họp chuyên đề: Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia

Ngày 10/12/2020, Cục Năng lượng nguyên tử - Cơ quan thường trực Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia đã tổ chức Phiên họp chuyên đề của Hội đồng tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ. Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử - TS. Trần Bích Ngọc chủ trì Phiên họp.

Tham dự phiên họp có một số chuyên gia là Ủy viên Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia và đại diện các cơ quan chức năng của các Bộ, ngành liên quan.

Thay mặt Cơ quan thường trực, TS. Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục NLNT, đã trình bày Dự thảo Báo cáo tổng kết Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 (Chiến lược) và đề xuất một số giải pháp phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử giai đoạn 2021 - 2030.
 

TS. Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục NLNT, trình bày Dự thảo Báo cáo tổng kết Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020.
 

Trên cơ sở tổng hợp tình hình thực hiện Chiến lược và báo cáo của các Bộ, ngành, cơ quan, Dự thảo Báo cáo tổng kết Chiến lược đã đánh giá tình hình và những kết quả chủ yếu đạt được so với nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong Chiến lược và đòi hỏi thực tiễn về ứng dụng NLNT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Sau gần 15 năm thực hiện Chiến lược, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng NLNT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã có những kết quả và bước tiến đáng kể, có đóng góp trực tiếp và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là trong nghiên cứu ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh, tạo giống đột biến, chiếu xạ quy mô công nghiệp phục vụ xuất khẩu. Báo cáo cũng đánh giá kết quả thực hiện 08 giải pháp của Chiến lược, bao gồm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách, hoạt động nghiên cứu – triển khai, đảm bảo an toàn và an ninh, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế,...

Báo cáo cũng đã chỉ ra một số khó khăn, hạn chế như Việt Nam hiện chưa xây dựng được năng lực bảo dưỡng, sửa chữa, lắp ráp, chế tạo một số chủng loại thiết bị ghi đo hạt nhân, thiết bị laser và máy gia tốc; một số chỉ tiêu được đặt ra trong các quy hoạch nhưng chưa có nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng, các phòng thí nghiệm với các thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân hiện đại; nguy cơ thiếu hụt lực lượng chuyên gia cho một số hướng nghiên cứu, ứng dụng quan trọng; chưa có chương trình quốc gia về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực NLNT.
 

Toàn cảnh Phiên họp.
 

Tại Phiên họp, đại diện các Bộ, ngành và chuyên gia đã thảo luận, đánh giá các kết quả nghiên cứu, ứng dụng NLNT trong thời gian qua, những việc đã làm được, những việc chưa làm được và giải pháp khắc phục. Các đại biểu nhận định cần thiết phải tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển năng lực trong một số hướng quan trọng, có tác động và ảnh hưởng lớn đến phát triển, ứng dụng NLNT như lĩnh vực máy gia tốc, công nghệ xử lý bức xạ, sản xuất và kiểm soát dược chất phóng xạ; tiếp tục đầu tư hoàn thiện Trung tâm Y học hạt nhân Trung ương tại Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Y học hạt nhân và xạ trị proton tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. 

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc xây dựng các chính sách cụ thể nhằm duy trì và phát triển đội ngũ chuyên gia; xây dựng chương trình quốc gia về nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực NLNT; hoàn thành công tác tổng kết Chiến lược và đặc biệt là công tác xây dựng Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch được xây dựng sẽ là công cụ quản lý quan trọng, tạo cơ sở cho sự phát triển nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hạt nhân có đóng góp trực tiếp và hiệu quả trên các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật khác, đồng thời là cơ sở để triển khai các nhiệm vụ và giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và đảm bảo an toàn an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
 

Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hoà bình đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03/01/2006 với mục tiêu chung là từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp công nghệ hạt nhân có đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước.

Chiến lược đã đề ra 03 nhiệm vụ bao gồm ứng dụng năng lượng bức xạ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, phát triển điện hạt nhân và xây dựng và phát triển tiềm lực; xác định các chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn đến năm 2010, 2015 và 2020. Chiến lược cũng đã đã đề ra 08 nhóm giải pháp thực hiện, bao gồm: Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách; Phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh cho cơ sở hạt nhân và sự ủng hộ của công chúng cho phát triển điện hạt nhân; Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế; Đầu tư, tài chính và huy động vốn; Tổ chức thực hiện.

Để cụ thể hóa các nhiệm vụ của Chiến lược, ngày 23/7/2007 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược (ban hành kèm theo Quyết định số 114/2007/QĐ-TTg) với 23 đề án. Ngày 24/06/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 24/06/2010). Quy hoạch tổng thể đã đề ra 04 Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ, 02 Định hướng Quy hoạch và 02 Đề án phục vụ phát triển điện hạt nhân, 05 Đề án đồng thời là giải pháp thực hiện Quy hoạch tổng thể. Các Quy hoạch, Đề án, nhiệm vụ thuộc Quy hoạch tổng thể đã được các Bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Trong những năm qua, các bộ, ngành liên quan và địa phương và doanh nghiệp đã tích cực triển khai Chiến lược, Quy hoạch tổng thể và các quy hoạch chi tiết, đạt được những thành tựu quan trọng, có đóng góp trực tiếp và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ Khoa học và Công nghệ với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực NLNT đã tích cực tổ chức, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chiến lược và Quy hoạch tổng thể.

Hiện nay, Cục NLNT đang triển khai công tác tổng kết Chiến lược, Hội nghị tổng kết dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 12/2020.

 

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 2071

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)