Thứ hai, 04/01/2021 14:04 GMT+7

Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020

Ngày 29/12/2020, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 (Chiến lược). Ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì Hội nghị. GS. VS. Nguyễn Văn Hiệu - Nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tới tham dự Hội nghị.

Mục tiêu của Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn đến năm 2030.

Chiến lược được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03/01/2006, đề ra các mục tiêu phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) trên cả hai lĩnh vực ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ và phát triển điện hạt nhân nhằm “từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp, công nghệ hạt nhân có đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước”. Bộ Khoa học và Công nghệ được giao là cơ quan hướng dẫn thực hiện Chiến lược và chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành địa phương triển khai các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chiến lược.

Tham dự Hội nghị có trên 100 đại biểu bao gồm đại diện Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, các thành viên Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia, các nhà quản lý, các chuyên gia và nhà khoa học của các Bộ, ngành và một số Sở Khoa học và Công nghệ; đại diện các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng và doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực NLNT, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.
 

Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu khai mạc Hội nghị.
 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã ghi nhận, đánh giá cao và cảm ơn những nỗ lực, sự đóng góp quan trọng của các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Chiến lược, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Đồng thời Thứ trưởng cũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc, những việc chưa làm được và đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cho giai đoạn tới phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại Hội nghị, TS. Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử đã trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020. Hội nghị cũng đã nghe các báo cáo về kết quả chủ yếu và định hướng phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn tới do các nhà khoa học, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan trình bày. Các đại biểu đã đưa ra nhiều đóng góp, đề xuất kiến nghị đối với các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo và bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn của đất nước.

Trong giai đoạn qua, việc ứng dụng NLNT trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành, địa phương liên quan đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Chiến lược, đạt được nhiều thành tựu.

Việc hoàn thiện hệ thống tổ chức và quản lý, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách và hợp tác quốc tế đã được đẩy mạnh. Đã hình thành hành lang pháp lý và hệ thống quản lý trong lĩnh vực NLNT, trong đó một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và hàng loạt cơ chế, chính sách, đề án, kế hoạch, dự án đã được xây dựng và tổ chức thực hiện. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ đã được các cơ quan, đơn vị của các Bộ, ngành địa phương tổ chức nghiên cứu, thực hiện thông qua nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học các cấp, đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và đã thu được nhiều kết quả có giá trị khoa học và thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực y học hạt nhân, xạ trị, chọn tạo giống cây trồng bằng phương pháp đột biến và các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân khác trong các lĩnh vực công nghiệp, tài nguyên và môi trường. Nhiều kết quả đã được đánh giá cao trong nước, quốc tế và được IAEA ghi nhận. Trước khi dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án ĐHN Ninh Thuận vào năm 2016, công tác chuẩn bị đưa dự án vào Việt Nam được chuẩn bị tích cực, công phu, thận trọng với các hoạt động xây dựng hành lang pháp lý, chuẩn bị và đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường nhận thức và chấp nhận của công chúng, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và năng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, thúc đẩy hợp tác quốc tế.
 

Toàn cảnh Hội nghị.
 

Hội nghị tổng kết là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu chặng đường 15 năm thực hiện Chiến lược, là dịp để ghi nhận và đánh giá những kết quả đã đạt được, những việc chưa làm được, những thuận lợi, khó khăn và đề xuất giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới.
 

Thứ trưởng Phạm Công Tạc trao tặng Bằng khen của Bộ KH&CN cho các tập thể, cá nhân.
 

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho 15 tập thể, 08 cá nhân đã có thành tích trong công tác nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo và quản lý nhà nước trong lĩnh vực NLNT giai đoạn 2016 - 2020, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
 

Thứ trưởng Phạm Công Tạc chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia tại Hội nghị.

 

Danh sách các tập thể và cá nhân được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN vì có thành tích trong công tác nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo và quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử giai đoạn 2016 - 2020, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
 

I. Tập thể

1. Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ;

2. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ;

3. Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ;

4. Viện Nghiên cứu hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ.

5. Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ;

6. Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế;

7. Trung tâm Máy gia tốc, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bộ Quốc phòng;

8. Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ Y tế;

9. Bộ môn Đột biến và Ưu thế lai, Viện Di truyền nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

10. Bộ môn Vật lý hạt nhân, Khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo;

11. Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro;

12. Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam;

13. Công ty cổ phần than Vàng Danh - VINACOMIN, Tập đoàn công nghiệp Than -Khoáng sản Việt Nam;

14. Công ty TNHH chiếu xạ Toàn Phát;

15. Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Đa khoa quốc tế VINMEC TIMES CITY.

II. Cá nhân

1. TS Phan Sơn Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ;

2. TS Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam;

3. PGS.TS Lê Ngọc Hà, Chủ nhiệm Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bộ Quốc phòng;

4. PGS.TS. Bác sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế;

5. TS.BS Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ Y tế;

6. TS. Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng;

7. TS Lê Đức Thảo, Phó Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;

8. PGS. TS. Trần Thiện Thanh, Phó Trưởng bộ môn Vật lý hạt nhân, Khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 2861

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)