Thứ tư, 13/01/2021 09:54 GMT+7

Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, CMCN4.0, chuyển đổi số là con đường đưa Việt Nam trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045

Toàn nhân loại đang bước vào một không gian sống mới, di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số – một sự di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử. Trong sự chuyển đổi chưa từng có này, công nghệ số, chuyển đổi số và báo chí truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng. Ngành TT&TT chưa bao giờ có sứ mệnh lớn lao như hiện nay. Đây cũng là cơ may hiếm có để ngành TT&TT định vị lại mình. Đó là nhận định của người đứng đầu ngành TT&TT - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ TT&TT diễn ra sáng 12/1/2021 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị

 Bưu chính - nền tảng giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu

 Bộ trưởng nhận định, nếu bưu chính là chuyển phát thư và bưu kiện thì bưu chính sẽ vẫn là bưu chính. Nhưng nếu bưu chính là đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu, nếu bưu chính là nền tảng để hỗ trợ mọi cá nhân, mọi hộ gia đình có thể kinh doanh, có thể tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu, thì bưu chính là nền tảng giúp người dân kinh doanh làm giầu và thoát nghèo. Và vì thế, không gian sống của bưu chính, sứ mệnh mới của bưu chính là vô cùng lớn lao.

 Viễn thông với sứ mệnh mới - hạ tầng SXKD của nền kinh tế số

 Người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, nếu viễn thông vẫn tiếp tục là hạ tầng thông tin liên lạc thì viễn thông sẽ vẫn là viễn thông. Nhưng nếu viễn thông là hạ tầng của nền kinh tế số, là hạ tầng của lưu trữ và xử lý dữ liệu, là hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ tới mọi người, mọi doanh nghiệp để giúp họ sáng tạo sản phẩm thì viễn thông đã trở thành hạ tầng sản xuất kinh doanh (SXKD) của nền kinh tế số. Không gian mới, sứ mệnh mới của viễn thông đã và đang dần hình thành.

 Chuyển đổi số - sự phát triển mang tính đột phá của ứng dụng CNTT

Nếu ứng dụng CNTT vẫn tiếp tục là tự động hoá các hoạt động cũ thì sẽ vẫn là ứng dụng CNTT. Nhưng nếu ứng dụng CNTT là sử dụng công nghệ số để chuyển đổi số, để thay đổi mô hình vận hành thì CNTT thực sự là một cuộc cách mạng giúp nhân loại di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số, Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định.

Chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng CNTT, nhưng là sự phát triển mang tính đột phá. Đột phá ở chỗ, nó đưa mọi hoạt động lên môi trường số, toàn dân và toàn diện. Đột phá ở chỗ, thay vì làm dần dần, làm từng phần thì làm toàn diện, đặt mục tiêu cao và làm nhanh. Đột phá ở chỗ, nó thay đổi cách chúng ta vận hành công việc và cuộc sống. Đột phá ở chỗ, càng dùng thì càng rẻ, càng dùng thì càng giỏi lên, công nghệ càng phát triển. Đột phá ở chỗ, việc dám thay đổi và áp dụng mô hình mới quan trọng hơn việc phát triển công nghệ. Đột phá ở chỗ, các nước đi sau thì ứng dụng mạnh mẽ hơn, nhanh hơn và thành người đi trước. Đột phá ở chỗ, nơi nào khó khăn hơn, đói nghèo hơn thì ứng dụng hiệu quả hơn. Đột phá ở chỗ, nó làm cho những người nghèo nhất tiếp cận được những dịch vụ tốt nhất, nhưng với giá rất rẻ. Đột phá ở chỗ, mỗi người, mỗi hộ dân, mỗi doanh nghiệp nhỏ cũng có thể tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu, và vì thế thúc đẩy tất cả mọi người kinh doanh làm giầu. Đột phá ở chỗ, nó không bắt buộc chúng ta phải đi qua giai đoạn bắt kịp, rồi đến tiến cùng và sau đó mới là vượt lên, mà có thể đi đầu ngay từ đầu và qua đó mà bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng, và vì đi đầu thành công mà trở thành dẫn dắt nước khác. Và đó là tương lai của ứng dụng CNTT, tức là chuyển đổi số.

 Làm chủ hệ sinh thái sản phẩm ATANM Việt Nam, trở thành cường quốc về ATANM, bảo vệ đất nước trên không gian mạng

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định sứ mệnh mới, vô cùng lớn lao của ATTT: Bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng (KGM), là xây dựng nền công nghiệp an toàn, an ninh mạng (ATANM) giống như công nghiệp quốc phòng, là làm chủ hệ sinh thái sản phẩm ATANM Việt Nam, là trở thành cường quốc về ATANM để bảo vệ đất nước trên không gian mạng.

 Công nghiệp ICT Make in Viet Nam - giải bài toán Việt Nam, nỗi đau Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghệ

Nếu lĩnh vực công nghiệp ICT vẫn là lắp ráp, gia công, làm thuê thì lĩnh vực này vẫn như cũ. Nhưng nếu công nghiệp ICT là Make in Viet Nam, là phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, là làm chủ công nghệ, là thiết kế, là sáng tạo và làm ra tại Việt Nam, là giải bài toán Việt Nam giúp Việt Nam phát triển và từ đây đi ra chinh phục thế giới, là biến Việt Nam thành quốc gia công nghệ, là tăng trưởng gấp 2 - 4 lần tăng trưởng GDP cả nước, là động lực, là lời giải đưa Việt Nam thành hùng cường thịnh vượng, trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045, thì lĩnh vực công nghiệp ICT đã nhận về mình một sứ mệnh hoàn toàn mới

 Báo chí - lan tỏa sức mạnh tinh thần đến toàn dân, tiến tới hiện thực hóa giấc mơ lớn, khát vọng lớn của dân tộc

Nếu báo chí vẫn tiếp tục đưa tin ai, ở đâu, làm gì, khi nào thì báo chí vẫn như cách đây hàng trăm năm. Nhưng nếu báo chí phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ngấm sâu vào từng người dân, lan toả năng lượng tích cực, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần cho Việt Nam bứt phá vươn lên trở thành nước phát triển thu nhập cao, thì báo chí đã nhận về mình một sứ mệnh mới. Bất kỳ quốc gia nào đã hoá rồng hoá hổ thì đều là dựa vào sức mạnh tinh thần là chính. Mà sức mạnh này chỉ được kích hoạt khi quốc gia có một giấc mơ lớn, một khát vọng lớn. Dự thảo Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra khát vọng này. Nhiệm vụ của báo chí là khơi dậy khát vọng này ở tất cả mọi người dân Việt, và từ khát vọng này thành sức mạnh tinh thần, và từ sức mạnh tinh thần này thành hành động phát triển đất nước.

 Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số - con đường đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững

Nhận định về con đường phát triển phía trước của Ngành, của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, năm 2021 là năm đầu tiên của một giai đoạn mới, không chỉ của Ngành mà là của đất nước và của cả thế giới. Năm 2021 không chỉ là một năm mới, mà còn là năm đầu của giai đoạn 5 năm (2021-2025) để Việt Nam vượt qua thu nhập trung bình thấp, là năm đầu của giai đoạn 10 năm để đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, là năm đầu của giai đoạn 25 năm để Việt Nam năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, định hướng XHCN. Và con đường để đạt mục tiêu đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, CMCN lần thứ 4, chuyển đổi số. 

Thách thức mới, cơ hội mới sẽ tạo ra sứ mệnh mới, không gian mới. Sứ mệnh mới, không gian mới sẽ tạo ra năng lượng mới, cách tiếp cận mới, và đây sẽ là nguồn lực để chúng ta bứt phá vươn lên.

Từ những nhận thức mới và tầm nhìn mới, các đơn vị trong ngành TT&TT sẽ phải cụ thể hoá thành các chương trình hành động. Chỉ thị 01 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ TT&TT đã chỉ rõ những việc mà ngành TT&TT phải làm. Với tinh thần khát vọng hùng cường thịnh vượng, sứ mệnh lớn, mục tiêu cao, cách tiếp cận mới, giải pháp đột phá, việc 5 năm làm trong 1 năm, đây là con đường, là cách thức đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững, Bộ trưởng tin tưởng.

* Để xem toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, xin mời Qúy độc giả bấm vào đây.

Liên kết nguồn tin: https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/146144/Khoa-hoc-cong-nghe--doi-moi-sang-tao--CMCN4.0--chuyen-doi-so-la-con-duong-dua-Viet-Nam-tro-thanh-nuoc-phat-trien-thu-nhap-cao-vao-nam-2045.html

Nguồn: http://mic.gov.vn

Lượt xem: 3428

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)