Thứ bảy, 16/01/2021 18:30 GMT+7

Văn hóa sở hữu trí tuệ: Cần tạo dựng một nền tảng bền vững và toàn diện

Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2020. Một trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu Chiến lược đó là “hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội”. Văn hóa sở hữu trí tuệ là gì và phải làm gì để xây dựng văn hóa sở hữu trí tuệ ở Việt Nam? Bài viết đề cập tới một số vấn đề chung liên quan đến khái niệm còn khá mới mẻ này ở Việt Nam.

Khái quát chung về văn hóa SHTT

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, sở hữu trí tuệ đã được khẳng định là "một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế và tạo nên sự thịnh vượng" (Ông Kamil Idris, nguyên Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới), là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, là chỉ số đánh giá sự phát triển của công nghệ, thu hút chuyển giao công nghệ và đầu tư nước ngoài.

Để một hệ thống sở hữu trí tuệ vận hành hiệu quả, ngoài việc thiết lập cơ chế chính sách đầy đủ để bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, không thể thiếu được sự tham gia tích cực và đúng hướng của các chủ thể trong hệ thống. Cũng như các lĩnh vực khác, để các chủ thể hiểu và áp dụng đúng các chuẩn mực về sở hữu trí tuệ, cần tạo ra sự nhận thức một cách đầy đủ và đúng đắn về sở hữu trí tuệ, bởi sở hữu trí tuệ tác động tới tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và tác động tới tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Cho đến nay, chưa có một khái niệm chính thống nào về văn hóa SHTT được đưa ra, nhưng dựa trên khái niệm về văn hóa và khái niệm về SHTT, có thể nhận định văn hóa SHTT là tổng hòa các hiện tượng tinh thần có được từ các hoạt động của con người trong các vấn đề có liên quan đến SHTT. Văn hóa SHTT ở đây chủ yếu là đề cập đến nhận thức, thái độ, lòng tin, giá trị quan của con người đối với các vấn đề SHTT và cách thức hành vi xử thế liên quan đến các vấn đề SHTT. Cũng có thể nói, văn hóa SHTT nghĩa là văn hóa của con người biết tự bảo vệ quyền SHTT của mình và tôn trọng quyền SHTT của người khác. Văn hóa SHTT, ngoài mang các đặc trưng cơ bản của văn hóa nói chung, có thể thấy nổi bật ba đặc trưng riêng sau:

- Thứ nhất, văn hóa SHTT luôn khơi gợi trí tò mò của con người. Trí tò mò chính là khởi nguồn để tạo ra những sáng chế, thành quả sáng tạo có khả năng được cấp bằng độc quyền.

- Thứ hai, văn hóa SHTT kích thích theo đuổi lợi ích. Bản chất của SHTT chính là công cụ để theo đuổi lợi ích. Không có cạnh tranh về lợi ích kinh tế thì cũng không cần phải thiết lập hệ thống SHTT. Kết quả của tạo lập văn hóa SHTT không phải là dạy phép lịch sự mà là tạo dựng sự “quân tử” trong cạnh tranh, nâng cao năng lực và sự chính trực trong tham gia cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

- Thứ ba, văn hóa SHTT sẽ tạo dựng lòng tin. Văn hóa SHTT có thể kích thích con người theo đuổi lợi ích, nhưng bên cạnh đó không khuyến khích người ta dối trá, lợi dụng để có được lợi ích. Văn hóa SHTT chính là thiết lập các quy tắc ngăn chặn những hành vi gian dối trong khoa học và kinh doanh, giúp con người biết tạo dựng niềm tin và biết tin vào sự trung thực để tìm kiếm lợi ích.

Biểu hiện bên ngoài của văn hóa SHTT chính là luồng không khí trong xã hội được tạo ra từ nhận thức của con người đối với vấn đề SHTT, và bản chất của văn hóa SHTT chính là ý thức về vấn đề SHTT được hình thành trong xã hội. Ý thức về SHTT là quan niệm của con người về các vấn đề liên quan đến SHTT. Lấy một ví dụ đơn giản, nếu một doanh nghiệp cho rằng quyền SHTT là sợi dây sinh mệnh của mình thì doanh nghiệp đó sẽ đặc biệt coi trọng đến hoạt động SHTT và sẽ biết cách làm thế nào để sử dụng hiệu quả cơ chế bảo hộ quyền SHTT nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp. Ngược lại, nếu một doanh nghiệp cho rằng vấn đề SHTT không có mối liên quan nhiều tới sự phát triển của doanh nghiệp thì tất yếu sẽ không coi trọng hoạt động SHTT.

Sự cần thiết của việc nuôi dưỡng văn hóa SHTT

Một hệ thống SHTT vận hành hiệu quả chỉ khi cả xã hội có ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT. Văn hóa SHTT có thể được sử dụng như một công cụ mạnh mẽ để giải quyết nhiều vấn đề trong xã hội chỉ khi đã được nhìn nhận một cách toàn diện trên nhiều khía cạnh, được thiết lập cân bằng và nuôi dưỡng một cách phù hợp.

Đối với sự phát triển của một quốc gia

Sự phát triển kinh tế thế giới thực sự “vào guồng” khi tài sản trí tuệ của mỗi quốc gia và khu vực được bảo vệ toàn diện và khai thác hiệu quả. Để mỗi quốc gia và khu vực lập kế hoạch phát triển kinh tế thông qua việc mở rộng đầu tư, khuyến khích tạo ra công nghệ mới và đẩy mạnh tự chủ công nghệ, văn hóa SHTT là nền tảng xã hội không thể thiếu trong việc thúc đẩy các hoạt động này, đồng thời góp phần ngăn chặn, hạn chế hàng giả và hành vi xâm phạm bản quyền. Hơn nữa, một quốc gia có nền tảng văn hóa SHTT tốt sẽ là lợi thế quan trọng để thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài, là điều kiện quan trọng để tham gia các hiệp định hợp tác song phương, đa phương.


Ảnh: Top 20 quốc gia có tỷ lệ công dân nộp đơn sáng chế nhiều nhất tính trên triệu dân được so sánh giữa 2 năm 2008 và 2018

 

Xây dựng văn hóa SHTT là một trong những mục tiêu trọng tâm trong Chiến lược SHTT của nhiều quốc gia. Hình thành văn hóa SHTT sẽ khẳng định vai trò của hệ thống SHTT trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, thịnh vượng văn hóa và tiến bộ xã hội (Chiến lược SHTT quốc gia của Trung Quốc, 2008-2020). Kết quả là từ năm 2017, Trung Quốc đã vượt các nước công nghiệp phát triển như Mĩ, Nhật để trở thành quốc gia có số lượng đơn đăng ký sáng chế nhiều nhất thế giới. Đặc biệt, vào năm 2008 cứ 1 triệu dân Trung Quốc thì mới có 147 đơn đăng ký sáng chế được nộp, nhưng sau 10 năm - đến năm 2018 thì con số này đã tăng lên gần 8 lần với 1.001 đơn đăng ký sáng chế/1 triệu dân.(1)

Đối với doanh nghiệp, tổ chức

Việc tạo dựng và khai thác văn hóa SHTT làm “vũ khí chiến lược” sẽ giúp doanh nghiệp duy trì và tăng cường năng lực cạnh tranh, uy tín trên thương trường. Một doanh nghiệp có nền tảng văn hóa SHTT, có giá trị cốt lõi của hoạt động sản xuất, kinh doanh từ tài sản trí tuệ, tập trung đầu tư vào hoạt động R&D, sẽ thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, biết vận dụng và sáng tạo ra tri thức trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đối với các tổ chức, đặc biệt là các tổ chức nghiên cứu, hình thành văn hóa SHTT sẽ tạo động lực cho nhân viên tích cực hơn nữa trong đổi mới sáng tạo, tạo ra nhiều tài sản trí tuệ có giá trị cho sự phát triển của xã hội.

Đối với hệ thống giáo dục



Ảnh: Lớp học ngoại khóa về thực hành sáng chế tại một trường trung học phổ thông ở Nhật Bản

 

Sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ về thành công. Người trẻ không chỉ thụ hưởng thành quả trí tuệ từ thế hệ trước, mà còn trực tiếp tham gia, thiết lập quá trình phát triển của xã hội. Ước mơ của tuổi trẻ về khoa học, công nghệ và nghệ thuật, cũng như nỗ lực của họ để biến những ước mơ đó thành hiện thực, là khởi nguồn để tạo ra những đổi mới. Do đó, việc giáo dục, phổ biến và nâng cao nhận thức về SHTT cần được thực hiện theo hướng khuyến khích tạo ra tài sản trí tuệ mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo dựng văn hóa SHTT.

Trong chiến lược của Nhật Bản để trở thành một quốc gia dựa trên SHTT, chính phủ nước này đã thực hiện giáo dục có hệ thống tập trung vào việc nuôi dưỡng mỗi người dân Nhật Bản như là nguồn nhân lực để phát triển và sử dụng tài sản trí tuệ. Tại Nhật Bản, các tiêu chuẩn giáo dục được thiết lập dựa trên Đạo luật Giáo dục Trường học để đảm bảo một cấp độ giáo dục nhất định được cung cấp đồng đều trên khắp đất nước, mỗi trường học sẽ xây dựng chương trình giảng dạy của mình dựa trên các tiêu chuẩn đó. (2)

Định hướng xây dựng văn hóa SHTT tại Việt Nam

Trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển ngày càng mạnh mẽ, tình trạng xâm phạm quyền SHTT càng phổ biến và phức tạp, việc nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền SHTT ngày càng trở nên quan trọng. Một trong số các biện pháp hữu hiệu là hình thành văn hóa SHTT trong từng cá nhân, từng doanh nghiệp để nâng cao ý thức về việc tự bảo vệ tài sản trí tuệ của mình và tôn trọng quyền SHTT của người khác.

Để hình thành và phát triển văn hóa SHTT tại Việt Nam, từ kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Một là xác định rõ mối quan hệ giữa SHTT và văn hóa SHTT. Nếu coi SHTT là một loại sự vật, hiện tượng, thì văn hóa SHTT là môi trường bên ngoài tác động tới sự phát triển của sự vật, hiện tượng đó, tức là mối quan hệ giữa SHTT với văn hóa SHTT là mối quan hệ giữa hiện tượng cụ thể với môi trường bên ngoài của nó.

- Hai là sự phát triển của văn hóa SHTT cần có một môi trường tốt. Văn hóa SHTT một mặt là môi trường bên ngoài của SHTT, một mặt lại nằm trong sự bao trùm của văn hóa nói chung (ví dụ như văn hóa xã hội). Vì vậy, văn hóa SHTT tốt không chỉ được quyết định bởi bản thân hệ thống SHTT mà còn bởi môi trường văn hóa của tất cả các lĩnh vực xã hội nói chung.

- Ba là xây dựng văn hóa SHTT cần trải qua một tiến trình lâu dài. Điều này được quyết định bởi đặc tính tập quán của văn hóa, sự hình thành một nền văn hóa không thể một sớm một chiều là có. Vì vậy không thể hy vọng trong một thời gian ngắn dựa vào các mệnh lệnh hành chính, biện pháp cưỡng chế, chủ nghĩa hình thức… mà có thể tạo dựng thành công một nền văn hóa SHTT.
 

Ngày 22 tháng 8 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, trong đó  “Hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ” là một nhiệm vụ, giải pháp lần đầu tiên được đề cập tới. Để văn hóa SHTT trở thành yếu tố nền tảng của xã hội, cần có sự vào cuộc của mọi đối tượng: từ các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý doanh nghiệp và trường học, các nhà nghiên cứu, giảng dạy và cả giới trẻ. 

Với việc ban hành Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 cùng nền tảng văn hóa SHTT được nuôi dưỡng, hệ thống SHTT của Việt Nam được kỳ vọng sẽ có những bước tiến vượt bậc, tạo động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và phổ biến sản phẩm sáng tạo, qua đó làm giàu tài sản trí tuệ - một nguồn tài nguyên tạo nên nội lực quốc gia, phục vụ trực tiếp cho phát triển bền vững.


*Tham khảo:

 (1)  Báo cáo chỉ số sở hữu trí tuệ toàn cầu năm 2019 của WIPO, trang 46

(2) Giáo dục, phổ biến và nâng cao Nhận thức về Sở hữu trí tuệ tại Nhật Bản (Cơ quan Sáng chế Nhật Bản, Viện Thúc đẩy Sáng chế và Sáng kiến Nhật Bản), 2018, trang 6.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1752

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)