Thứ năm, 28/01/2021 18:54 GMT+7

Cuộc họp trực tuyến về xây dựng kế hoạch năm 2021 cho các dự án hợp tác kỹ thuật giữa IAEA và Việt Nam giai đoạn 2020 - 2021

Ngày 26/01/2021, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã chủ trì tổ chức Cuộc họp trực tuyến dành cho điều phối viên quốc gia với IAEA (NLO) và các Chủ dự án hợp tác kỹ thuật giữa IAEA và Việt Nam giai đoạn 2020 - 2021 để xây dựng kế hoạch triển khai các dự án trong năm 2021.

Tham dự Cuộc họp trực tuyến, về phía IAEA có các chuyên gia quản lý dự án hợp tác kỹ thuật thuộc Vụ Châu Á - Thái Bình Dương/TCAP và Ban Hợp tác kỹ thuật: ông Gashaw Gebeyehu Wolde, Trưởng Bộ phận phụ trách TCAP1, bà Petra Salame, Quản lý dự án. Chủ trì tham dự Hội thảo trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội có bà Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử - Điều phối viên quốc gia về hợp tác với IAEA tại Việt Nam, ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam - Chủ dự án của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và các Chủ dự án hợp tác kỹ thuật cho giai đoạn 2020 - 2021.

Các đại biểu IAEA và Việt Nam tham dự Cuộc họp trực tuyến.

Trong giai đoạn này, IAEA đã đài thọ cho Việt Nam 06 dự án với tổng kinh phí hơn 1 triệu Euro, trong đó có 3 dự án do các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, bao gồm: Thúc đẩy chương trình phát triển an toàn lò phản ứng – Pha III (mã số VIE1010); Tăng cường hạ tầng pháp quy cho ứng dụng bức xạ và hạt nhân trong y tế và công nghiệp (VIE9020) và Ứng dụng tổ hợp các kỹ thuật đồng vị trong nghiên cứu dòng chảy và các quá trình sinh địa hóa trên sông Hồng (VIE7007) lần lượt do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và Trung tâm Đào tạo hạt nhân (thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) chủ trì.

Ba dự án còn lại là: Đẩy mạnh điều trị đích y học hạt nhân ứng dụng trong lâm sàng để cải thiện hiệu quả điều trị cho bệnh nhân ung thư (VIE6033); Nâng cao năng lực điều trị ung thư đầu cổ, ung thư thực quản cổ bằng kỹ thuật IMRT và VMAT (VIE6032); Giảm tỷ lệ mắc và tác động của dịch bệnh động vật, động vật xuyên biên giới và điều tra vi rút cúm gia cầm H9N2 (VIE5023) ở Việt Nam do Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện K và Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương (thuộc Cục Thú y) làm chủ dự án.

Phát biểu khai mạc Cuộc họp, ông Gashaw Gebeyehu Wolde, Trưởng Bộ phận phụ trách TCAP1 gửi lời cảm ơn đến Điều phối viên quốc gia cũng như các chủ dự án đã tích cực hợp tác với IAEA trong suốt những năm qua. Ông khẳng định IAEA luôn ưu tiên và dành sự hỗ trợ kịp thời cho Việt Nam trong hoạt động hợp tác kỹ thuật. Ông tin tưởng rằng bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, hai bên sẽ hết sức nỗ lực và tìm kiếm những phương pháp tiếp cận mới cũng như hướng hợp tác mới để đáp ứng mục tiêu mà các dự án đã đặt ra.

Phát biểu đại diện cho phía Việt Nam, bà Trần Bích Ngọc khẳng định trong những năm qua Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực và kịp thời của IAEA thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật, góp phần bảo đảm an toàn và an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trải qua năm 2020 với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các dự án triển khai trong giai đoạn này đã không thể triển khai theo đúng tiến độ. Do đó, việc IAEA chủ trì tổ chức cuộc họp rà soát kế hoạch năm 2021 là hết sức kịp thời và cần thiết để bảo đảm tính khả thi cho các hoạt động trong năm nay trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 vẫn còn những diễn biến phức tạp.

Tại cuộc họp, bà Petra Salame, Quản lý dự án khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các hoạt động hợp tác kỹ thuật, đặc biệt trong các hoạt động đào tạo, trao đổi chuyên gia, cung cấp thiết bị và tổ chức các khóa thực tập. 100% kinh phí giải ngân trong năm 2020 là dành cho hoạt động hỗ trợ, cung cấp thiết bị. Năm 2021, kinh phí cho các dự án là khoảng 550 nghìn Euro và dự kiến sẽ hoàn thành giải ngân 90% kinh phí vào tháng 12/2021. Bà cũng đã đưa ra một số giải pháp về chuyển hướng các hoạt động trong năm 2021, trong đó nhấn mạnh đến hình thức trực tuyến cho các hoạt động đào tạo, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ thiết bị.

Phía IAEA và các chủ dự án cũng đã tích cực rà soát chi tiết các hoạt động của từng dự án và đưa ra định hướng triển khai trong năm 2021. Theo đó các chủ dự án đề nghị IAEA hỗ trợ chuyên gia cũng như xem xét về kinh phí để tổ chức các khóa đào tạo theo hình thức trực tuyến, đề xuất một số hoạt động mua sắm thiết bị do các công ty trong nước sản xuất để giảm thiểu những khó khăn trong vận chuyển quốc tế gây ra bởi đại dịch. IAEA đã nhất trí với những đề xuất của các chủ dự án, cam kết sẽ tích cực hỗ trợ và hướng dẫn các thủ tục cần thiết để thúc đẩy việc triển khai trong năm nay.

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 1481

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)