Thứ ba, 02/02/2021 14:41 GMT+7

Cách mạng khoa học công nghệ và ảnh hưởng đến con người Việt Nam hiện nay

Một công trình nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc, có nội dung phong phú, hệ thống hóa toàn bộ một vấn đề nghiên cứu vốn phức tạp, nhiều quan điểm nghiên cứu vào một tư duy phân tích rõ ràng, đi vào hướng nghiên cứu mới có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu.

Đây là nhận xét của GS.TS Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển khi nói về Đề tài “Ảnh hưởng của cách mạng khoa học công nghệ đến con người Việt Nam hiện nay” mã số KX.01.11/16-20 do PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Viện Nghiên cứu Con người - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam làm chủ nhiệm.

Đề tài thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp nhà nước KX.01/16-20 được nghiệm thu mới đây, tại Hà Nội.

Cách mạng khoa học và công nghệ thúc đẩy đời sống xã hội, con người

Báo cáo tại buổi nghiệm thu, PGS.TSKH. Lương Đình Hải, chủ nhiệm đề tài cho biết, cách mạng khoa học và công nghệ đang tạo tiền đề, điều kiện và cũng là động lực tạo ra, thúc đẩy hàng loạt các hiện tượng, quá trình khác của đời sống xã hội, con người. Nó thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ chưa từng có, gia tăng tốc độ phát triển các lực lượng sản xuất của nhân loại, biến khoa học thành lực lượng sản xuất trực tiếp, giải phóng con người khỏi các chức năng thực hiện, các chức năng kiểm tra, quản lý các quá trình sản xuất và cả chức năng logic.

Điều đó khiến cho con người càng ngày càng bị loại ra khỏi các quá trình sản xuất trực tiếp theo nghĩa của sản xuất công nghiệp cổ điển và biến họ từ chỗ là người thực hiện giản đơn các thao tác máy móc thành chủ thể của nền sản xuất, với chức năng chủ yếu và quan trọng nhất là sáng tạo.

Cũng theo PGS.TSKH. Lương Đình Hải, nghiên cứu ảnh hưởng của cách mạng khoa học và công nghệ đến sự phát triển xã hội và con người ngày nay luôn là căn cứ để dự báo tương lai, chiều hướng phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội và con người của mỗi quốc gia cũng như của nhân loại. Cách mạng khoa học và công nghệ đang thể hiện rõ vai trò đặc biệt trong việc rút ngắn khoảng cách về trình độ sản xuất, quản lý xã hội, khoa học, công nghệ, kỹ thuật và mức độ phát triển con người giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển. Những thành quả của cách mạng khoa học và công nghệ đang làm thay đổi điều kiện và môi trường sống của con người, ảnh hưởng của nó đến đời sống con người đang ngày càng lớn, thậm chí có ảnh hưởng lớn đến sự tồn vong của loài người.

Nói về chủ đề của Đề tài, PGS.TSKH. Lương Đình Hải cho rằng, nghiên cứu ảnh hưởng của cách mạng khoa học và công nghệ đến con người là một chủ đề khó, nhưng rất có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, có tính thời sự và cấp thiết hiện nay. Nó có thể tạo tiền đề lý luận cho việc thúc đẩy sự phát triển của các khoa học và công nghệ, kinh tế - xã hội và con người để phát triển nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách tụt hậu của đất nước.

Với mục tiêu, làm rõ cơ sở lý luận và bài học kinh nghiệm thế giới về tác động của cách mạng khoa học và công nghệ đến con người hiện nay; Đánh giá thực trạng tác động của cách mạng khoa học và công nghệ đến con người Việt Nam đồng thời dự báo xu hướng, hệ lụy, đề xuất giải pháp nhằm vận dụng hiệu quả tác động của cách mạng khoa học và công nghệ đến con người Việt Nam trong thập kỷ tới, đề tài đã đem lại những hiệu quả đáng kể, góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho các cơ quan xây dựng và hoạch định chính sách nhằm phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực của cách mạng khoa học và công nghệ đến con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đề tài đã cho thấy bức tranh chung về thực trạng tác động của cách mạng khoa học và công nghệ đến con người Việt Nam hiện nay đồng thời mở ra hướng nghiên cứu mới tìm hiểu về sự tác động, ảnh hưởng của cách mạng khoa học và công nghệ đến con người và đời sống con người hiện nay.

Đề tài đi vào hướng nghiên cứu mới có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao

PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Viện Nghiên cứu Con người- Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ nhiệm đề tài báo cáo trước Hội đồng.

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng cho rằng, tác giả nhìn nhận con người khá mới, không chỉ là cá nhân đơn lẻ, mà nhìn nhận dưới góc độ tổng hợp toàn bộ con người, chính vì vậy tác động đến con người là trước hết tác động đến toàn bộ xã hội, sau đó mới đi vào từng lĩnh vực cụ thể. Nếu như trước đây, nói đến con người là nói đến nội hàm con người thì ở đây nói đến những vấn đề xung quanh con người, như: môi trường, văn hóa, hệ giá trị, hệ chuẩn mực,… mà không phải nói những cái trực tiếp của con người, con người ở đây được nhìn nhận như là sản phẩm của xã hội. Đây là cách tư duy rất triết học.

Với cách nhìn tổng hòa về mối quan hệ xã hội, tác giả đã định ra được 8 điểm khoa học và công nghệ tác động đến con người đó là: tác động đến điều kiện tồn tại và phát triển của con người thông qua công nghệ - sản xuất, đến sự phát triển cơ sở hạ tầng con người sử dụng, tác động đến quan hệ xã hội của con người, thể lực con người, trí lực con người, tâm lực con người, kỹ lực con người và đến chỉ số phát triển con người.

Như vậy, khoa học và công nghệ không phải tác động trực tiếp đến con người mà tác động thay đổi tái cấu trúc nền kinh tế, có thể gây ra những xung đột, những biến đổi hạ tầng kinh tế xã hội dẫn đến biến đổi về quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội, thay đổi các chuẩn mực đạo đức xã hội và các quy tắc xã hội.

Theo TS. Tạ Bá Hưng, đề tài hàm chứa những phân tích và lập luận khoa học sắc bén, đặc biệt là những phân tích liên quan đến phát triển con người nói chung và con người Việt Nam nói riêng. TS. Tạ Bá Hưng đánh giá cao cách tiếp cận của nhóm nghiên cứu trong việc lồng ghép phân tích cách mạng khoa học công nghệ với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khi xem xét về bản chất và đặc điểm của chúng trong giai đoạn hiện nay.

GS.TS Đặng Cảnh Khanh cho rằng, trước đây đã có nhiều chương trình nghiên cứu, đề tài độc lập cấp nhà nước liên quan đến con người, liên quan đến sự phát triển khoa học và công nghệ, tuy nhiên đã lâu lắm rồi ông mới được đọc một đề tài mang tính triết học ở lĩnh vực này. Đây là một đề tài đi vào hướng nghiên cứu mới có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao, tập trung vào sự tiếp giáp giữa phát triển nguồn lực và khoa học và công nghệ.

Theo GS. TS Đặng Cảnh Khanh, đề tài là một công trình nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc, có nội dung phong phú, hệ thống hóa toàn bộ một vấn đề nghiên cứu vốn phức tạp, nhiều quan điểm nghiên cứu vào một tư duy phân tích rõ ràng, đưa ra được cái nhìn mới mẻ. Các quan điểm về sự tác động của khoa học và công nghệ tới cuộc cách mạng giải phóng con người được tác giả đưa ra khá sắc sảo. Đề tài cũng có nhiều đóng góp mới mẻ trong nhận thức khoa học và tư duy thực tế trong cuộc đẩy mạnh cuộc cách mạng 3.0, 4.0, gắn liền với sự phát triển con người.

GS.TS Nguyễn Cảnh Khanh đánh giá tích cực và cho rằng quan điểm tác giả đưa ra rất thú vị, đáng được quan tâm: Khoa học và công nghệ có vai trò đặc biệt, rút ngắn khoảng cách về trình độ sản xuất xã hội, trình độ kỹ thuật, mức độ phát triển con người giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển. Chính khoa học và công nghệ tạo cơ hội rút ngắn khoảng cách giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, tạo cơ hội cho những nước đang phát triển như chúng ta có khả năng tiếp xúc và nắm bắt thời cơ.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 37513

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)