Thứ năm, 18/02/2021 15:25 GMT+7

Hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ năm 2020: Nỗ lực vượt qua những thách thức của đại dịch

Vượt qua những trở ngại của đại dịch Covid-19, Cục Sở hữu trí tuệ triển khai tối đa các hoạt động hợp tác quốc tế không yêu cầu tiếp xúc trực tiếp như trao đổi, đào tạo trực tuyến, nghiên cứu, chuẩn bị thủ tục nội bộ làm tiền đề triển khai các hoạt động đối ngoại trong năm và cho giai đoạn tiếp theo.


Cục trưởng Đinh Hữu Phí (ở giữa) họp trực tuyến với ông Kasutani Toshihide, Tổng Cục trưởng Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO)

 

Thích ứng với đại dịch: Đẩy mạnh hoạt động hợp tác không tiếp xúc

Năm 2020 là thời gian thử thách khả năng thích ứng của công tác đối ngoại của Cục Sở hữu trí tuệ. Mặc dù hoạt động hợp tác quốc tế chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, Cục Sở hữu trí tuệ vẫn cùng với các đối tác đưa ra định hướng khắc phục tình hình, đẩy mạnh triển khai tối đa các hoạt động hợp tác quốc tế không yêu cầu tiếp xúc trực tiếp như trao đổi, đào tạo trực tuyến, tiến hành các nghiên cứu, chuẩn bị thủ tục nội bộ làm tiền đề triển khai các hoạt động đối ngoại trong năm và cho giai đoạn tiếp theo.  

Thông qua các hoạt động trao đổi trực tuyến cấp cao, Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ và các cơ quan sở hữu trí tuệ các nước như Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Đan Mạch (DKPTO), Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Singapore (IPOS), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh (UKIPO)… đã chia sẻ các biện pháp mà mỗi cơ quan triển khai để duy trì hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trong tình trạng giãn cách xã hội đồng thời khẳng định cam kết duy trì quan hệ hợp tác với nội dung và hình thức phù hợp.

Đối với hoạt động hợp tác trong khối ASEAN, với tư cách là Chủ tịch Nhóm công tác về Hợp tác sở hữu trí tuệ ASEAN (AWGIPC) nhiệm kỳ 2019-2021, Việt Nam đã chủ động, tích cực điều phối Nhóm AWGIPC vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, bám sát lộ trình triển khai Chương trình hành động Sở hữu trí tuệ ASEAN giai đoạn 2016-2025, hoàn thành các hoạt động ưu tiên của năm 2020 theo đúng các mục tiêu đã đề ra, đóng góp vào thành công chung của Năm ASEAN Việt Nam 2020. Cụ thể, Việt Nam chủ trì thành công tất cả các Cuộc họp trực tuyến của Nhóm AWGIPC và hơn 20 cuộc họp trực tuyến khác bên lề, bao gồm: (i) các Cuộc họp cấp Lãnh đạo Cơ quan Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN và Lãnh đạo một số Cơ quan Sở hữu trí tuệ đã có cơ chế họp cấp cao về sở hữu trí tuệ như Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA), Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO); (ii) Phiên họp chia sẻ thông tin về các biện pháp ứng phó với Covid-19 trong cung cấp dịch vụ về sở hữu trí tuệ giữa các thành viên ASEAN và các đối tác của ASEAN; (iii) các cuộc họp đối thoại giữa AWGIPC và các đối tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ như Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO), Cơ quan Sở hữu trí tuệ châu Âu (EUIPO), Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh (UKIPO), Cơ quan Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Hiệp hội Nhãn hiệu quốc tế (INPA), Hiệp hội Sở hữu trí tuệ ASEAN (AIPA)…



Cuộc họp Nhóm AWGIPC lần thứ 62 được tổ chức dưới hình thức trực tuyến vào tháng 11/2020

 

Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan của Việt Nam trong quá trình xây dựng lập trường quốc gia, vận động và bầu cử Tổng Giám đốc WIPO nhiệm kỳ 2020-2026. Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ cũng tham dự phiên họp trực tuyến Đại hội đồng thường niên WIPO năm 2020 và năm cuộc họp trực tuyến của WIPO dành cho Lãnh đạo cơ quan sở hữu trí tuệ các nước Nam Á, Đông Nam Á, Iran và Mông Cổ (HIPOC) nhằm chia sẻ nội dung và phương pháp lãnh đạo cơ quan sở hữu trí tuệ trong bối cảnh có nhiều thay đổi.


Hỗ trợ các sản phẩm trong nước ra quốc tế 

Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành các Kế hoạch của Chính phủ, của Bộ Khoa học và Công nghệ và ban hành Chương trình hành động của Cục để thi hành Thỏa ước La Hay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp sau khi Việt Nam gia nhập Thỏa ước này vào cuối tháng 9/2019. Tiếp theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã xây dựng quy trình tiếp nhận đơn nội bộ, xây dựng phần mềm quản trị đơn, tổ chức các hội thảo giới thiệu, phát hành tài liệu tuyên truyền,… giúp nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về hệ thống này, từ đó họ có cơ hội đăng ký và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở hơn 70 thành viên Thỏa ước.

Để góp phần hỗ trợ, nâng cao năng lực của các địa phương nhằm đưa các sản phẩm chủ lực bước vào các thị trường “khó tính”, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục triển khai một số hoạt động hợp tác quốc tế để điển hình là phối hợp với Hiệp hội Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPA) xây dựng Biểu tượng Chỉ dẫn địa lý quốc gia của Việt Nam; đề nghị KIPA hỗ trợ pha 2 Dự án xây dựng và phát triển thương hiệu lụa Mã Châu; phối hợp với Cục Công nghiệp Thực phẩm Nhật Bản (FIAB) đăng ký 3 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (vải thiều Lục Ngạn, cà phê Buôn Mê Thuột và thanh long Bình Thuận) sang Nhật Bản… Những dự án này góp phần nâng cao thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp của Việt Nam, tạo tiền đề cho các sản phẩm đó tiếp cận được với thị trường nước ngoài, từng bước nâng cao đời sống của người dân.



Đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn được công bố lần 2 trên trang web của FIAB

 

Các hoạt động quản trị công về sở hữu trí tuệ cũng ngày càng được nâng cao nhờ vào các dự án hợp tác quốc tế. Cụ thể, trong năm qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt việc tiếp nhận Hệ thống tự động hóa quản trị sở hữu công nghiệp (WIPO IPAS) và Dự án Số hóa tài liệu sở hữu công nghiệp với sự trợ giúp của WIPO. Cục Sở hữu trí tuệ cũng phối hợp với các đối tác Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc xây dựng, trình phê duyệt các đề xuất dự án Thực thi Hiệp định CTPPP trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ với Canada; Dự án Nâng cao năng lực xử lý đơn sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ với Nhật Bản và Dự án Nâng cao năng lực quản trị công về sở hữu trí tuệ với Hàn Quốc làm cơ sở để triển khai từ năm 2021. Đây là các dự án quan trọng, có tác động lâu dài, đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững của Cục trong tương lai, tập trung vào việc hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực tự động hóa quản trị sở hữu công nghiệp.

Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã phối hợp với các đối tác nước ngoài như Cơ quan Sáng chế Châu Âu (EPO), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Châu Âu (EUIPO), Trung tâm Sở hữu công nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (APIC), Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), Trung tâm Phương Nam (South Center),… tổ chức một loạt hội thảo, khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ của Cục và các cơ quan liên quan. 
Năm 2020 đã đi qua với nhiều biến động và có thể nói hoạt động hợp tác quốc tế của Cục Sở hữu trí tuệ đã thích nghi tốt với tình hình mới, góp phần vào thành công chung của Cục Sở hữu trí tuệ và hoạt động đối ngoại của đất nước trong năm qua. Với những dự báo tích cực hơn của tình hình thế giới trong năm 2021, hy vọng hoạt động hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ sẽ được đẩy mạnh hơn nữa, qua đó nâng cao năng lực của Cục Sở hữu trí tuệ và của cả hệ thống sở hữu trí tuệ, từng bước hài hòa hóa hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.


Một số hình ảnh hoạt động: 
 


Cục trưởng Đinh Hữu Phí (ở giữa) tham dự Phiên họp trực tuyến Đại hội đồng WIPO 2020 ở đầu cầu Hà Nội



Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Geneva tham dự Đại hội đồng WIPO 2020 trực tiếp tại Geneva



Cục Sở hữu trí tuệ làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để thống nhất nội dung Dự án Nâng cao năng lực thẩm định đơn sở hữu công nghiệp  



Cục Sở hữu trí tuệ làm việc với KOICA để đánh giá tiền khả thi Dự án Nâng cao năng lực quản trị công về sở hữu trí tuệ



Cục Sở hữu trí tuệ và KIPA thảo luận trực tuyến về các phương án thiết kế Biểu tượng Chỉ dẫn địa lý quốc gia

 

Tin liên quan: Năm chủ tịch ASEAN 2020: Những dấu ấn của Việt Nam trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1852

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)