Thứ năm, 01/04/2021 16:05 GMT+7

Nghiên cứu tạo chế phẩm có khả năng kích thích tăng sinh tổng hợp melanin của tế bào melanocyte nhằm định hướng phát triển thuốc điều trị chứng bạc tóc sớm

Tóc là một tổ chức biệt hóa, một phần phụ của thượng bì nhiễm chất sừng và sắc tố da (melanin). Melanin được sản sinh ra bởi tế bào hắc tố melanocytes. Tế bào melanocytes được sinh ra từ sự biệt hóa tế bào hành tóc. Trên màng tế bào melanocytes có các thụ thể melanocortin-1 receptor (MC1R), là một G-protein. Sự gắn α-Melanocyte-stimulating hormone (α-MSH) vào thụ thể MC1R sẽ kích thích sự sản sinh melanin của melanocytes.

Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy sự sản xuất melanin giảm liên quan trực tiếp gây ra bởi sự suy giảm chức năng và mật độ tế bào melanocytes. Điều này dẫn tới sự giảm khả năng tiếp xúc giữa melanocytes và keratinocytes cũng như giảm khả năng chuyển melanin từ melanosome của melanocytes sang keratinocytes. Bên cạnh đó, các nghiên cứu khác còn cho thấy sự giảm sự tổng hợp melanin là do sự giảm hoạt tính của enzyme tyrosinase, enzyme có vai trò xúc tác cho cho phản ứng oxy hóa dihydroxyphenylalanine (DOPA) thành melanin. Quá trình này cùng với quá trình hydroxyl hóa tyrosine trong hành tóc luôn sinh ra một lượng lớn các ROS. Nếu ROS này không được loại bỏ một cách hiệu quả bởi hệ thống chống oxy hóa thì sẽ có sự tích lũy ROS, tạo ra stress oxi hóa và làm tăng nhanh sự lão hóa tóc. Ngoài ra, có nhiều yếu tố phát triển đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của tóc, chẳng hạn như melanocyte stimulating hormon anpha (α-MSH),  Insuline-like Growth Factor 1 (IGF-1), Stem Cell Growth Factor (SCF)... Các yếu tố phát triển này được cho là có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới thụ thể melacortin receptor 1 (MC1R) trên màng tế bào và dẫn tới sự đáp ứng của yếu tố phiên mã chính là MITF trong các tế bào melanocyte và melanoma giúp cho các loại tế bào này sinh tổng hợp melanin.

Cho tới nay, ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu nào về cơ chế và thuốc điều trị chứng bạc tóc sớm ởngười. Tuy nhiên, trong đông y và trong dân gian hà thủ ô đỏ được biết đến và sử dụng như là thuốc làm đen tóc hiệu quả. Tuy vậy, không có minh chứng khoa học rõ ràng vì thiếu những nghiên cứu có tính chất cơ bản cũng như chuyên sâu. Do đó, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Đình Thắng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu tạo chế phẩm có khả năng kích thích tăng sinh tổng hợp melanin của tế bào melanocyte nhằm định hướng phát triển thuốc điều trị chứng bạc tóc sớm” nhằm có thể phân lập được quần thể tế bào melanocyte từ tóc của người, đánh giá và so sánh được sự phân bố của melanocyte trong hành tóc của tóc bạc và tóc đen, tách chiết được các dược chất có trong hà thủ ô đỏ, đánh giá được tác dụng của dịch chiết hà thủ ô đỏ lên khả năng tăng sinh cũng như khả năng tổng hợpmelanin của tế bào melanocyte và cuối cùng là tạo và đánh giá được tác dụng của phức hợp nano liposome mang dược chất chiết xuất từ hà thủ ô đỏ trên tế bào melanocyte in-vitro và in-vivo.

Bằng phương pháp tách chiết các dược chất có trong hà thủ ô; đánh giá độc tính cũng như khả năng kích thích sự tăng sinh tổng hợp melanin của chúng ở dạng trực tiếp hay dạng bọc trong nanoliposome trên tế bào sinh hắc sắc tố và trên phôi cá ngựa vằn. Phân tích phân tử để tìm ra cơ chế kính thích tổng hợp melanin. Sau một thời gian triển khai (từ tháng 8 năm 2014 đến tháng 10 năm 2016), các kết quả thí nghiệm thu được cho thấy rằng dịch chiết hà thủ ô chứa các dược chất có khả năng làm tăng sinh tổng hợp melanin không chỉ ở thí nghiệm in-vitro trên mô hình tế bào mà cả ở thí nghiệm in-vivo trên mô hình phôi cá ngựa vằn thông qua khả năng kích hoạt con đường tín hiệu tế bào MC1R/MITF/Tyrosinase.

Nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành tạo hạt nanolipolsome chứa các được chất chiết xuất từ hà thủ ô đỏ và đánh giá khả năng độc tính cũng như tác dụng của nó trên tế bào và trên phôi cá ngựa vằn. Tuy nhiên có một vấn đề đó là độ bền của các hạt nanoliposome không cao, chỉ có thể tồn tại ổn định được trong điều kiện 4oC một khoảng thời gian ngắn (3-5 ngày).

Nhóm nghiên cứu cho rằng cần phải nghiên cứu sâu rộng hơn để tối ưu các điều kiện nhằm làm tăng độ ổn định và độ bền của các phức hợp nanaliposome trước khi tiến hành cá thí nghiệm tiếp theo. Một vấn đề khác cũng cần quan tâm là ở những nồng độ cao, các dược chất chiết xuất từ hà thủ ô đỏ cũng có thể là tác nhân gây ra sự phát triển của các loại dị dạng trên phôi cá ngựa vằn. Điều này cho thấy liều lượng khi sử dụng là rất quan trọng.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14639/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 3315

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)