Thứ sáu, 09/04/2021 16:49 GMT+7

Hiệu quả từ các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp các sở, ngành ở địa phương triển khai các dự án nông thôn miền núi, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất nhờ ứng dụng KH và CN vào sản xuất, chế biến bảo quản và tiêu thụ nông, lâm sản. Trong đó, kết quả nổi bật là hình thành, phát triển các mô hình sản xuất mới, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.

Du khách tham quan mô hình trồng củ cải đỏ theo phương pháp thủy canh tại Trang trại rau và hoa Vạn Thành (TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Ảnh: TRẦN GIANG

Lãnh đạo Sở KH và CN tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2015, Chương trình nông thôn miền núi đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các mô hình và kết quả đạt được cho thấy vai trò của ứng dụng KH và CN trong phát triển sản xuất các sản phẩm đặc thù của địa phương. Điển hình như huyện Đơn Dương đã thành vùng trồng nấm với 10 doanh nghiệp tham gia đầu tư công nghệ cao, tạo ra dòng sản phẩm ưu thế, được đăng ký nhãn hiệu tập thể “Nấm bào ngư Đơn Dương”. Mô hình trồng dâu nuôi tằm được đẩy mạnh phát triển ở huyện Lâm Hà, đã hình thành mối liên kết từ sản xuất dâu, nuôi tằm đến tiêu thụ trứng tằm cho các hộ sản xuất trong huyện. 

Kế thừa những kết quả đạt được, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai bảy dự án nông thôn miền núi, với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng; kết quả đã xây dựng được các mô hình chăn nuôi bò lai hướng thịt chất lượng cao; mô hình trồng cỏ phân tán với khoảng 1.100 tấn cỏ/3,6 ha/năm tại các huyện Cát Tiên, Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương. Các mô hình này áp dụng quy trình kỹ thuật được chuyển giao từ Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, như: Chăn nuôi bò lai hướng thịt chất lượng cao; trồng và sử dụng các giống cỏ chăn nuôi; chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò; vỗ béo bò thịt; vệ sinh chuồng trại và xử lý môi trường chăn nuôi. Đến nay, dự án đã đào tạo được sáu kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn kỹ thuật cho 100 lượt nông dân tham gia. 

Từ thành công của dự án trồng dâu nuôi tằm ở huyện Lâm Hà, Sở KH và CN tỉnh Lâm Đồng đã mạnh dạn đề xuất và được phê duyệt thực hiện dự án tương tự tại huyện Đạ Tẻh. Theo đó, đã xây dựng được mô hình hộ gia đình trồng các giống dâu mới, đạt năng suất 25 tấn/ha/năm; mô hình nuôi tằm con tập trung; hợp tác liên kết giữa các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, dự án đào tạo được 12 kỹ thuật viên cơ sở và tập huấn cho hơn 300 lượt người tham gia. Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh cho biết: Sản lượng kén tằm năm 2020 của huyện đạt khoảng 1.800 tấn, giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 180 triệu đồng/ha, cao gấp 1,85 lần so với trồng các cây khác trên địa bàn. Sản phẩm tơ tằm của huyện chủ yếu xuất khẩu và đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là sản phẩm OCOP đạt bốn sao.

Để khai thác lợi thế địa hình và thổ nhưỡng cũng như khí hậu hai mùa (mùa mưa và mùa khô) của tỉnh, Lâm Đồng đã triển khai dự án trồng chè năng suất cao, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để chế biến chè chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Dự án, ứng dụng KH và CN trong trồng một số loài trà hoa vàng đã góp phần cung cấp nguồn giống trà hoa vàng thuần chủng cho người dân. Qua dự án, hàng trăm lượt hộ nông dân được tiếp cận kỹ thuật nhân ươm giống, hình thành cơ sở sản xuất trà túi lọc, giải quyết việc làm cho người lao động. Năm 2018, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng và vận hành chuỗi rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 được phê duyệt nhằm tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, nhận diện và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Mục tiêu dự án là xây dựng 11 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất rau, củ, quả an toàn, đạt chứng nhận VietGAP; xây dựng sổ tay quản lý chất lượng các sản phẩm cà chua, ớt ngọt, dâu tây, xà lách; xây dựng trung tâm sau thu hoạch, xưởng sơ chế, đóng gói…

Mới đây, Văn phòng Chương trình nông thôn miền núi (Bộ KH và CN) đã phê duyệt dự án sản xuất các giống cá với mục tiêu tạo ra cá tầm giống của Nga và Xi-bê-ri có chất lượng cao, giá thành giảm so với sản phẩm nhập khẩu. Thông qua dự án, đàn cá bố mẹ đã đạt 1.000 con, dự kiến đạt một triệu con cá bột bảo đảm chất lượng, không bệnh vào năm thứ ba thực hiện dự án. 

Từ các mô hình ứng dụng KH và CN đã đóng góp tích cực trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình. Hàng trăm kỹ thuật viên, hàng nghìn người dân được tập huấn kỹ thuật đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong ứng dụng KH và CN trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở khu vực nông thôn, miền núi. Các quy trình kỹ thuật được chuyển giao đã tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc thù, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có giá trị kinh tế của địa phương. 

Chia sẻ về thành công của các dự án trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Sở KH và CN Lâm Đồng cho rằng: Số lượng dự án nông thôn miền núi triển khai chưa nhiều, nhưng đã tác động mạnh mẽ đến việc hình thành tập quán canh tác mới chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhờ chú trọng tuyên truyền, phổ biến các kiến thức KH và CN vào thực tiễn sản xuất và đời sống đã góp phần đổi mới cách nghĩ, cách làm, người dân bám sát quy trình sản xuất một cách khoa học tạo được vùng sản xuất nguyên liệu tập trung có lợi thế so sánh. Bên cạnh đó, các dự án triển khai chú trọng sự liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà khoa học, chính quyền địa phương nơi triển khai dự án, doanh nghiệp và người dân.

Liên kết nguồn tin:

https://nhandan.com.vn/science-news/hieu-qua-tu-cac-mo-hinh-ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghe--640752/

 

 

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

Lượt xem: 4930

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)