Thứ hai, 26/04/2021 16:03 GMT+7

Công cụ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Triển khai từ năm 1996 đến nay, Giải thưởng chất lượng quốc gia (GTCLQG) với các tiêu chí đánh giá toàn diện chất lượng doanh nghiệp đã gắn liền với hoạt động năng suất - chất lượng tại các địa phương trong cả nước. Đồng thời, trở thành công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp nhận diện các điểm mạnh, điểm yếu của mình, từ đó tự hoàn thiện, nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế.

Đây là giải thưởng được xây dựng trên cơ sở áp dụng các tiêu chí của GTCLQG Mỹ và thuộc hệ thống Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương. Tiêu chí xét thưởng GTCLQG được quy định tại Điều 27 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, gồm bảy tiêu chí: Vai trò của lãnh đạo; hoạch định chiến lược; định hướng vào khách hàng; đo lường phân tích và quản lý tri thức; định hướng vào nguồn nhân lực; quản lý quá trình hoạt động; kết quả hoạt động. Bảy tiêu chí được chia thành 18 hạng mục và thể hiện thành hơn 200 câu hỏi chi tiết để đánh giá không chỉ đối với sản phẩm hàng hóa sản xuất đạt chuẩn, mà còn đánh giá toàn diện hoạt động của doanh nghiệp. Thí dụ, với tiêu chí vai trò lãnh đạo, doanh nghiệp cần thể hiện được việc lãnh đạo cao nhất đã thiết lập tầm nhìn và sứ mệnh như thế nào, cách tổ chức, phổ biến để người lao động biết được tầm nhìn, sứ mệnh đó ra sao. Lãnh đạo phải tạo mọi điều kiện để người lao động phát huy cao nhất năng lực của mình trong thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Với tiêu chí hoạch định chiến lược, doanh nghiệp phải thể hiện việc thiết lập các mục tiêu chiến lược và kế hoạch hành động để đáp ứng nhu cầu của thị trường và sự cạnh tranh của thị trường; sự thay đổi của công nghệ và ảnh hưởng của thay đổi này đến hoạt động của doanh nghiệp.

GTCLQG được Thủ tướng Chính phủ xét tặng hằng năm cho những doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nêu trên. Quá trình tuyển chọn GTCLQG hết sức nghiêm ngặt, qua hai cấp: Hội đồng sơ tuyển cấp tỉnh, thành phố và hội đồng quốc gia. Đến nay, sau 25 năm triển khai, số lượng doanh nghiệp tham gia ngày càng tăng, đã có 2.030 doanh nghiệp đạt GTCLQG, trong đó có 280 lượt doanh nghiệp đạt Giải vàng chất lượng quốc gia. Riêng năm 2019 và 2020, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng vẫn có hàng nghìn doanh nghiệp đăng ký tham gia và đã có 116 doanh nghiệp đạt giải. 

Theo các chuyên gia, GTCLQG thực chất dành cho các doanh nghiệp phát triển toàn diện và bền vững. Sự bền vững thể hiện khả năng chống chịu của doanh nghiệp đối với các cú sốc bên ngoài. Thí dụ, với những doanh nghiệp bình thường không quan tâm phát triển nguồn nhân lực thì khi xuất hiện khủng hoảng, lập tức cắt giảm nguồn nhân lực hoặc tìm mọi cách để hạn chế chi phí. Nhưng đối với doanh nghiệp đã tham gia GTCLQG, một trong bảy tiêu chí đánh giá là phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực ngày một tốt hơn thì doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách giữ chân người tài và tìm cơ hội để phục hồi, phát triển. Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19 vừa qua, dù chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng các doanh nghiệp đã đạt GTCLQG hay đang tham gia GTCLQG đều thể hiện sức chịu đựng tốt và có thể vượt qua được khó khăn. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sao Thái Dương Nguyễn Thị Hương Liên chia sẻ, năm 2020, công ty đạt GTCLQG. Trong đợt đại dịch Covid-19 vừa qua, công ty tự đầu tư các sản phẩm giúp giải quyết các vấn đề xã hội, như nghiên cứu, sản xuất bộ kít xét nghiệm Covid-19 và các sản phẩm chống dịch khác. Nhờ có sự chuẩn bị về hệ thống quản lý chất lượng, đội ngũ nghiên cứu... công ty có thể thay đổi thích ứng với hoàn cảnh, tạo ra các sản phẩm có giá trị cho doanh nghiệp và xã hội...  
 

Đóng gói sản phẩm tại Công ty cổ phần Sao Thái Dương, đơn vị đã áp dụng các tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng quốc gia để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sau khi đạt giải thưởng, nhiều doanh nghiệp tiếp tục duy trì các tiêu chí trong quá trình sản xuất để bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm. Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong Chu Văn Phương  chia sẻ, năm 2010, doanh nghiệp được nhận GTCLQG và nhờ đó nâng tầm uy tín, thương hiệu doanh nghiệp, khách hàng tin tưởng hơn vào sản phẩm của công ty. Trong hơn 10 năm áp dụng các tiêu chí vào quá trình sản xuất, kinh doanh, công ty có thể rà soát được các điểm mạnh, yếu, yêu cầu về con người, quy trình quản lý, sản xuất đều theo chuẩn chung của các tiêu chí. Đáng chú ý, trong đầu tư công nghệ, công ty luôn cập nhật công nghệ sản xuất ống nhựa mới nhất và các máy móc, thiết bị hiện đại nhất của châu Âu để sản xuất các sản phẩm chất lượng, có tính cạnh tranh cao.

Đánh giá hiệu quả GTCLQG, Phó Tổng cục trưởng Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nguyễn Hoàng Linh cho biết, các doanh nghiệp khi tham dự GTCLQG không chỉ có cơ hội được Thủ tướng Chính phủ khen thưởng, mà còn là dịp được tiếp cận mô hình sản xuất, kinh doanh hoàn hảo, một công cụ tự đánh giá tiên tiến trên cơ sở đối sánh hoạt động của mình với các tiêu chí của GTCLQG, để đánh giá toàn diện các hoạt động cũng như kết quả sản xuất, kinh doanh theo các chuẩn mực quốc tế, xác định hiện trạng của trình độ và chất lượng quản lý, xác định những thành tựu và điểm yếu, cơ hội thành công và nhiệm vụ cho tương lai, từ đó đề ra các biện pháp cải tiến và hoàn thiện thích hợp. Việc tham gia giải thưởng không những giúp doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện mình mà còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường.

Chia sẻ những khó khăn trong quá trình áp dụng các tiêu chí, nhiều doanh nghiệp cho biết, hầu hết các tiêu chí đều có mục tiêu phát triển bền vững cho doanh nghiệp, nhưng lại làm tăng chi phí của doanh nghiệp, trong khi đó, tiêu chí kết quả hoạt động đòi hỏi sản xuất, kinh doanh phải có hiệu quả. Do vậy, doanh nghiệp phải  đầu tư nghiên cứu khoa học, tạo ra sản phẩm tốt để mang lại lợi nhuận cao, bù các chi phí đã đầu tư hoặc tạo ra các sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng tương đương trên thị trường. Doanh nghiệp có thể áp dụng tự động hóa, công nghệ thông tin vào quá trình sản xuất để nâng cao  năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm sản xuất hiệu quả, nhưng lại vướng tiêu chí bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Ngoài ra, cần nâng cao công tác tuyên truyền, quảng bá cho hoạt động của GTCLQG cũng như hoạt động đào tạo chuyên gia, đánh giá, tập huấn cho doanh nghiệp  tham dự GTCLQG.

Ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, với trách nhiệm của đơn vị được Bộ Khoa học và Công nghệ giao chủ trì, thực hiện triển khai GTCLQG, thời gian tới, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng sẽ đưa bảy tiêu chí như là bộ công cụ giúp cộng đồng doanh nghiệp áp dụng, theo dõi, đánh giá kết quả hoạt động sản xuất hằng năm. Tổng cục cũng xem xét nghiên cứu xây dựng mô hình điểm doanh nghiệp đã áp dụng thành công các tiêu chí GTCLQG, đã đoạt giải để từ đó chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khác phấn đấu. Việc xây dựng mạng lưới, phát triển đội ngũ chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp về áp dụng các tiêu chí GTCLQG sẽ được chú trọng nhằm hỗ trợ đắc lực cho hội đồng sơ tuyển tại các địa phương, bộ, ngành và hội đồng quốc gia. Đồng thời, sẽ thúc đẩy triển khai cơ chế mới để bộ, ngành chủ động đề xuất, xem xét, lựa chọn doanh nghiệp ưu tú tiêu biểu trong lĩnh vực hoạt động của bộ, ngành giới thiệu cho hội đồng quốc gia; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, chia sẻ kinh nghiệm, giá trị từ doanh nghiệp đã đoạt giải cho cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng biết đến các sản phẩm chất lượng cao do doanh nghiệp của Việt Nam sản xuất.

Liên kết nguồn tin:

https://nhandan.com.vn/science-news/cong-cu-giup-doanh-nghiep-phat-trien-ben-vung-643196/

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

Lượt xem: 3496

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)