Thứ ba, 25/05/2021 15:27 GMT+7

Giới thiệu một số kết quả nghiên cứu, sản phẩm KHCN và hoạt động nổi bật của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam

Nhân dịp chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam (18/5) và Ngày thành lập Viện Hàn lâm KHCNVN (20/5), Trung tâm Vũ trụ Việt Nam xin giới thiệu một số các kết quả nghiên cứu, sản phẩm KHCN và hoạt động nổi bật của đơn vị trong thời gian qua gồm:
NanoDragon - Vệ tinh lớp nano đầu tiên của Việt Nam
Vệ tinh NanoDragon (NDG) là vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng khoảng 4 kg với kích thước 3U, được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (TTVTVN) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát triển. Vệ tinh là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc “Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020”. Quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam, bởi các cán bộ nghiên cứu của TTVTVN. Ngoài ra toàn bộ cấu trúc cơ khí và mạch phân phối nguồn và một số mạch phụ trợ khác của vệ tinh cũng được tự chế tạo tại Việt Nam. Vệ tinh NanoDragon được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System – AIS) phục vụ cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển. Vệ tinh NanoDragon cũng được thiết kế để nhằm xác minh chất lượng của hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh và một máy tính trên khoang tiên tiến mới của MEISEI được phát triển riêng dành cho vệ tinh cỡ siêu nhỏ. Vệ tinh NDG dự kiến sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560 km.

 

Hình 1. Vệ tinh NanoDragon sau khi hoàn thành tích hợp, phát triển tại Việt Nam
Thông tin liên hệ: Ông Vũ Việt Phương
ĐT: 0913203534 Email: vvphuong@vnsc.org.vn
Địa chỉ: Tòa nhà A6, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 18B Hoàng Quốc Việt, Hà Nội 
 
Vệ tinh thực hành MicroSat Kit
Vệ tinh thực hành MicroSat Kit được phát triển bởi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Vệ tinh được dùng để hỗ trợ đào tạo thực hành về thiết kế và chế tạo vệ tinh quan sát trái đất lớp micro cho sinh viên đại học, kỹ sư mới ra trường hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ vũ trụ. Vệ tinh mô tả trực quan quá trình hoạt động của một vệ tinh loại quan sát trái đất ở điều kiện dưới mặt đất. Với vệ tinh thực hành MicroSat Kit, người học được trực tiếp thực hành quá trình lắp ráp, tích hợp và điều khiển, vận hành vệ tinh ngay trong môi trường phòng thí nghiệm bình thường.Vệ tinh thực hành này bao gồm các chức năng đặc trưng của một vệ tinh như: có thể chụp ảnh, truyền ảnh, giám sát thời gian thực; điều khiển vệ tinh quay quanh trục Z đến một tư thế xác định; điều khiển quay hệ thống cánh mặt trời bám theo nguồn sáng; điều khiển và giám sát thông tin trạng thái vệ tinh từ trạm mặt đất.Với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và cấu hình mà một vệ tinh cần có, Vệ tinh MicroSat Kit giúp người học dễ dàng hình dung được cách thức hoạt động của vệ tinh trên vũ trụ, và tiếp nhận kiến thức về thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vệ tinh một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.
 

Hình 2. Vệ tinh thực hành MicroSat Kit

Thông tin liên hệ: Ông Lê Xuân Huy       
ĐT: 0352867761 Email: lxhuy@vnsc.org.vn

Địa chỉ: Tòa nhà A6, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 18B Hoàng Quốc Việt, Hà Nội

Một số hoạt động của Trung tâm Khám phá Vũ trụ
Trung tâm Trung tâm Khám phá Vũ trụ trực thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 238/QĐ-VTVN ngày 18/11/2019. Trung tâm có chức năng thực hiện các hoạt động nhằm đào tạo, phổ biến, quảng bá kiến thức về khoa học và công nghệ vũ trụ tới cộng đồng.Từ khi được chính thức thành lập, Trung tâm đã thực hiện nhiều chương trình đào tạo, phổ biến kiến thức về khoa học và công nghệ vũ trụ phục vụ cho các đoàn khách, các khách cá nhân, v.v. tại Đài thiên văn Hoà Lạc, Đài thiên văn Nha Trang, các trường học và cơ sở giáo dục đào tạo. Trung tâm cũng phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức thành công một số các sự kiện, hội thảo, tọa đàm khoa học. Ngoài ra, Trung tâm Khám phá Vũ trụ cũng đã hỗ trợ tập huấn đội tuyển Thiên văn học và Vật lý thiên văn của Việt Nam trong các kỳ thi Olympic quốc tế hàng năm. Đến nay, đội tuyển Việt Nam đã giành được nhiều giải thưởng cao gồm 2 huy chương vàng, 6 huy chương bạc và 5 huy chương đồng. 
Trong năm 2019 và 2020, tại đài thiên văn Hoà Lạc và đài thiên văn Nha Trang, Trung tâm đã đón tiếp hơn 5000 lượt khách. Từ đầu năm 2021 đến nay, dù vẫn còn ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trung tâm vẫn tiếp đón gần 2.000 khách từ các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, các trường đại học, các cơ sở giáo dục đào tạo và các cơ quan đơn vị khác như đài truyền hình Việt Nam, bảo tàng Hà Nội,… tham gia vào các chương trình “Khám phá Vũ trụ cùng VNSC”. 
Trong chương trình “Khám phá Vũ trụ cùng VNSC”, tất cả các thành viên được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị như hoạt động tìm hiểu thiên văn học, hoạt động khám phá công nghệ vũ trụ và ứng dụng, trải nghiệm trong nhà chiếu hình vũ trụ, tham quan kính thiên văn trên đài thiên văn, quan sát địa vật và bầu trời đêm bằng kính thiên văn cá nhân cỡ nhỏ,…
 
 


Hình 9. Trải nghiệm  trong nhà chiếu hình vũ trụ

Ngoài các chương trình, sự kiện được tổ chức tại Đài thiên văn Hoà Lạc, Trung tâm cũng đã tham gia tổ chức một số sự kiện, chương trình phổ biến kiến thức tổ chức tại các trường học, cơ sở đào tạo trên địa bàn Hà Nội, Nha Trang,…

Trong lĩnh vực nghiên cứu, trung tâm có hợp tác với Trung tâm khám phá khoa học - Sở khoa học và công nghệ tỉnh Bình Định trong việc nghiên cứu kỹ thuật quan sát thiên văn, vận hành hệ kính thiên văn và kỹ thuật trình chiếu trong nhà chiếu hình vũ trụ.
 

Hình 10. Chụp ảnh để kiểm tra lấy nét tự động, độ nhạy sáng, độ phân giải, tính đồng bộ của hệ kính thiên văn. Thứ tự tên các thiên thể được chụp từ trái qua và từ trên xuống dưới lần lượt là NGC 4826; NGC 5139; NGC6 205 ;  M63; NGC6154;  M57
 
Song song với các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và phổ biến kiến thức, Trung tâm Khám phá Vũ trụ cũng đã tổ chức thành công một số sự kiện, hội thảo như sự kiện giao lưu với ngài Charles Frank Bolden Jr. – nguyên tổng giám đốc của NASA tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; Toạ đàm về ứng dụng công nghệ vũ trụ trong môi trường với sự tham gia của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và các trường trên địa bàn Hà Nội;
 

Hình 11. Toạ đàm về ứng dụng CNVT trong môi trường và giao lưu với ngài Charles Frank Bolden Jr

Dưới đây là clip chương trình ngày 20/04/2021, Trung tâm Khám phá Vũ trụ đón tiếp đoàn trường THCS&THPT Quốc tế Thăng Long gồm gần 300 thầy cô và học sinh, và đoàn làm phim của đài truyền hình Hà Nội đến làm chương trình tại Đài thiên văn Hoà Lạc. Clip này đã được phát sóng trên Đài truyền hình Hà Nội: http://billgatesschool.edu.vn/video/hoc-sinh-truong-thcs-thpt-quoc-te-thang-long-tham-quan-tai-trung-tam-vu-tru-viet-nam-nam-2021.html.
 
Thông tin liên hệ: Ông Bùi Nam Dương
ĐT: 0985822238 Email: bnduong@vnsc.org.vn
Địa chỉ: Tòa nhà A6, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 18B Hoàng Quốc Việt, Hà Nội
 
Hoạt động của Trung tâm Ứng dụng công nghệ vũ trụ thành phố Hồ Chí Minh
Trung tâm Ứng dụng công nghệ vũ trụ thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Trung tâm Vũ trụ Quốc gia có nhiệm vụ nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ vệ tinh chủ yếu trên địa bàn phía Nam Việt Nam theo quy định của pháp luật.Trong thời gian qua Trung tâm Ứng dụng công nghệ vũ trụ thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào các nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên môi trường, thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong đó có thể kể đến đề tài nổi bật sau: “Nghiên cứu ứng dụng tư liệu viễn thám radar và quang học đa thời gian, đa độ phân giải để theo dõi diễn biến diện tích và ước tính năng suất, sản lượng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng” thuộc Chương trình KHCN cấp Quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020. Các sản phẩm của đề tài là các bản đồ phân bố vùng trồng lúa, năng suất và sản lượng lúa các mùa vụ. Các sản phẩm này đã được ứng dụng bởi Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và được đánh giá cao trong quá trình phối hợp xây dựng và triển khai sản xuất lúa với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là trong những năm hạn mặn diễn ra.
 

Hình 12. minh họa của sản phẩm bản đổ tuổi lúa hàng tháng
 
Thông tin liên hệ: Lâm Đạo Nguyên - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Vũ trụ thành phố Hồ Chí Minh.
Địa chỉ: Số 01 Mạc Đĩnh Chi, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (Lầu 4)
Điện thoại:  028 38223530

Liên kết nguồn tin:

https://vast.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/gioi-thieu-mot-so-ket-qua-nghien-cuu-san-pham-khcn-va-hoat-%C4%91ong-noi-bat-cua-trung-tam-vu-tru-viet-nam-19931-403.html

Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Lượt xem: 4009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)