Thứ hai, 21/06/2021 10:45 GMT+7

Truyền thông khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và sứ mệnh truyền cảm hứng, khơi dậy khát vọng sáng tạo

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, truyền thông khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) trở thành sức mạnh và góp phần nâng cao dân trí, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Truyền thông trở thành cầu nối hữu dụng, đưa tri thức và tiến bộ KH&CN đến nhanh hơn với quảng đại quần chúng và đời sống sản xuất, xã hội; khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; góp phần hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, giúp tạo ra một xã hội tôn trọng khoa học và có tư duy sáng tạo.

Báo chí, truyền thông về KH&CN đã có bước chuyển mình mạnh mẽ

Đảng và Nhà nước ta luôn xác định và khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của KH&CN, luôn coi KH&CN là quốc sách hàng đầu. Qua hơn 30 năm đổi mới của đất nước, KH&CN đã từng bước khẳng định vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. KH&CN hiện hữu trong tất cả các ngành, lĩnh vực, các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhận thức đầy đủ về vai trò của KH&CN, đi đôi với sự quan tâm đúng mức, cụ thể, thiết thực của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị là vấn đề quan trọng số một để KH&CN có thể phát triển và thực hiện tốt sứ mệnh của mình.

Trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã dành nhiều nỗ lực để nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển cơ sở hạ tầng KH&CN, đồng thời tăng cường hiểu biết, nâng cao nhận thức và sự quan tâm của công chúng đối với KH,CN&ĐMST. Để KH&CN thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; nền tảng và động lực để đổi mới mô hình tăng trưởng; tiêu chí nâng cao sức mạnh tổng hợp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; một trong những khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững thì công tác truyền thông KH&CN đóng vai trò hết sức quan trọng.

Những năm qua, công tác truyền thông KH,CN&ĐMST đã có những bước tiến vượt bậc, ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng góp phần giới thiệu những thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới.

Trước hết, truyền thông giữ vai trò chủ đạo trong công tác giới thiệu, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua các kênh truyền thông, lãnh đạo các cấp có thêm nhiều thông tin về vai trò, vị trí, đóng góp của KH,CN&ĐMST, công chúng nhận thức rõ hơn về tính chất quyết định phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả của sản phẩm, hàng hóa và của cả nền kinh tế. Truyền thông góp phần tạo được sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia của toàn xã hội, biến thành hành động, đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng KH&CN vào công tác quản lý, sản xuất và đời sống.

Tại buổi làm việc với Bộ KH&CN mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng mà ngành KH&CN cần thực hiện, đó là KH&CN cần thực hiện tốt hơn vai trò động lực, dẫn dắt của mình; quan tâm làm tốt hơn nữa việc xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực KH&CN trong và ngoài nước; việc xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách phát triển thị trường KH&CN phải hướng tới phục vụ sản xuất kinh doanh, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách liên quan đến KH&CN, truyền cảm hứng, tôn vinh trí thức, nhà khoa học;…

Nhận thấy sự cấp thiết của hoạt động truyền thông KH&CN, Lãnh đạo Bộ KH&CN qua các thời kỳ đã sớm có chủ trương phát triển hoạt động này. Các nghiên cứu bài bản, các chương trình hợp tác về truyền thông KH&CN được chú trọng triển khai hiệu quả. Hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức về KHCN&ĐMST có nhiều đổi mới, được triển khai với nhiều nội dung đa dạng, thiết thực qua nhiều hình thức phong phú, sinh động, đóng góp quan trọng vào những kết quả đạt được của Bộ và của ngành KH&CN; tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật về KH&CN đến với nhân dân, phổ biến tri thức, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Đồng thời cung cấp thông tin KH&CN phục vụ quản lý nhà nước, nghiên cứu, triển khai, sản xuất và đời sống,… làm cơ sở đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển KH,CN&ĐMST; phát hiện, tuyên truyền rộng rãi, kịp thời những nhân tố điển hình, mô hình hiệu quả, đơn vị có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực KH&CN….

Thời gian qua, trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn cả về nguồn nhân lực và điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất, nhưng ngành KH&CN đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn, thử thách và đã đạt được nhiều thành tích có ý nghĩa, góp phần đáng kể vào thành tích chung của cả nước. Nổi bật là: Khoa học xã hội và nhân văn đã đóng góp vào việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, trực tiếp là dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng; Khoa học cơ bản đạt được một số thành tựu, một số lĩnh vực khoa học tự nhiên tiếp tục giữ thứ hạng cao trên thế giới và trong khu vực ASEAN, số lượng bài báo công bố quốc tế ISI của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 20%; Khoa học ứng dụng có bước tiến rõ nét, tiêu biểu mới đây là những sản phẩm, công nghệ phục vụ phòng chống dịch Covid-19 như bộ KIT phát hiện vi rút SARS-CoV-2 đạt tiêu chuẩn và được bán tại Châu Âu, vắc xin phòng Covid-19 Nanocovax đã được thử nghiệm lâm sàng trên người;  KH,CN&ĐMST đã góp phần thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực. KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Trong công nghiệp, đã làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện công suất lớn; Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam (GII) tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập, năm 2020 đứng thứ 42/131 quốc gia. Thời gian gần đây, nguồn lực tài chính xã hội đầu tư cho KH&CN tăng mạnh, tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp được cải thiện theo chiều hướng tích cực với tỷ lệ 52% và 48%. Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020, tính chung 10 năm 2011-2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015); Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020… Các kết quả nói trên của ngành KH&CN đã được các cơ quan thông tấn – báo chí lan tỏa trong xã hội góp phần khẳng định vai trò, vị trí của ngành KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, truyền cảm hứng cho cộng đồng các nhà quản lý, nhà khoa học và thế hệ trẻ.        

Báo chí luôn sát cánh và đồng hành cùng ngành khoa học và công nghệ

Báo chí, truyền thông viết về KH&CN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhưng cũng là nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi các nhà báo không chỉ có kiến thức sâu rộng về nghiệp vụ, mà còn phải có khả năng tổng hợp cao, có niềm đam mê, nhiệt huyết. Đây không chỉ là kênh cung cấp thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, về những thành tựu khoa học, công nghệ mới, phát hiện những nhân tố điển hình mới mà còn có vai trò định hướng dư luận và là kênh tập hợp ý kiến, đề xuất, nguyện vọng của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân,… phục vụ việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển KH&CN. Đồng thời cũng là công cụ hữu hiệu, là cầu nối kết nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người dân.

Trong những năm vừa qua, lực lượng các nhà khoa học Việt Nam luôn tự hào có sự sát cánh của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhà báo khắp cả nước đã tích cực tham gia tuyên truyền về KH&CN, truyền tải những nội dung vốn rất “khô cứng” đến đông đảo bạn đọc. Nhiều thành tựu nghiên cứu cũng được truyền thông rộng rãi, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của KH&CN.

Ngay từ những ngày đầu năm 2021, Bộ KH&CN đã quyết liệt hành động, đổi mới sáng tạo với khát vọng phát triển để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Để thực hiện thành công sứ mệnh ấy có sự đóng góp không nhỏ của các nhà báo, những người truyền lửa đến bạn đọc.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt

Trong thư chúc mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5/2021, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt bày tỏ: “Tri thức khoa học sẽ mãi ở trong tháp ngà khoa học nếu không được truyền bá và ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội. Thông điệp của Ngày 18-5 cũng nhắc nhở công tác truyền thông về khoa học và công nghệ, cần trở thành cầu nối hữu dụng hơn nữa, đưa tri thức và tiến bộ khoa học và công nghệ đến nhanh hơn với quảng đại quần chúng và đời sống sản xuất, xã hội; khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; góp phần hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, giúp tạo ra một xã hội tôn trọng khoa học và có tư duy sáng tạo vì đây là nhân tố quan trọng để duy trì một xã hội phát triển bền vững”.

Đánh giá về hoạt động truyền thông KH&CN trong những năm vừa qua, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, công tác truyền thông KH&CN đã có những bước tiến vượt bậc, ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng góp phần giới thiệu những thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới. Sứ mệnh của truyền thông KH&CN đã góp phần truyền bá được văn hóa yêu khoa học đến với công chúng, xây dựng xã hội trọng khoa học, và phát triển đất nước dựa vào KH&CN. Đặc biệt, công tác truyền thông KH&CN đã hướng đến việc mở rộng văn hóa khoa học đó là cung cấp các kiến thức và cơ hội trải nghiệm khoa học, kĩ thuật tiên tiến cho thế hệ trẻ; truyền lửa, chắp cánh, kết nối tình yêu khoa học giữa các nhà nghiên cứu với thế hệ trẻ.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy đội ngũ các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cán bộ truyền thông KH&CN đã có những đóng góp xứng đáng trong thành công chung của sự nghiệp phát triển KH&CN của nước nhà. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, trước tác động của đại dịch COVID-19, những người làm báo đã nỗ lực vươn lên khẳng định vai trò tiên phong, chứng minh được sự năng động nhạy bén của mình. Đó là sứ mệnh và trách nhiệm từ những người cầm bút, họ xứng đáng được tôn vinh và có được lòng tin của bạn đọc, của người dân.
 

Các phóng viên, nhà báo tác nghiệp trong chuyến khảo sát thực tế mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN tại tỉnh Sơn La do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN tổ chức vào tháng 7/2020.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 4460

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)