Hội thảo được tổ chức với mục đích giới thiệu các cơ hội tiềm năng để thúc đẩy các cơ chế hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Hàn Quốc; Tạo môi trường đầu tư chuyên nghiệp để các bên tham gia đầu tư hiệu quả vào thị trường Việt Nam thông qua các hoạt động truyền thông xúc tiến và kết nối giao thương giữa Doanh nghiệp Việt Nam và Doanh nghiệp khởi nghiệp Hàn Quốc.
Phát huy vai trò của các tập đoàn kinh tế
Tại phiên thảo luận thứ nhất, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam cho biết: Thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của Việt Nam từng bước được hình thành và phát triển, với các chủ thể trong hệ sinh thái đã tham gia tương đối chủ động và tích cực. Hệ thống pháp lý thúc đẩy KNĐMST tương đối đầy đủ, hỗ trợ kịp thời cho hoạt động của các doanh nghiệp KNĐMST. Đã đến lúc hệ sinh thái KNĐMST cần bước sang giai đoạn mới để thích ứng và bứt phá, đặc biệt là đồng bộ hóa và huy động các nguồn lực, cả từ khu vực nhà nước lẫn khu vực tư nhân, trong nước và nước ngoài, tăng cường liên kết và phối hợp hiệu quả giữa các chủ thể trong hệ sinh thái.
Các chuyên gia thảo luận tại phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “The missing piece in Vietnam startup ecosystem: Corporate Innovation”
Đồng quan điểm này, ông Từ Minh Hiệu – Phó Trưởng phòng KNĐMST - Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN – Bộ KH&CN cho biết: Giai đoạn 2016 - 2020 có thể xem là giai đoạn đầu phát triển hệ sinh thái KNĐMST quốc gia, với sự ra đời của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844). Trong giai đoạn này, với vai trò chủ trì của Bộ KH&CN và sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, hệ sinh thái KNĐMST đã cơ bản được hình thành, các chủ thể trong hệ sinh thái đã tham gia một cách đầy đủ, toàn diện. Hệ thống pháp lý hỗ trợ, thúc đẩy KNĐMST tương đối đầy đủ, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp khởi nghiệp trên nền tảng nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, khai thác tài sản trí tuệ, mô hình kinh doanh mới. Đặc biệt, Bộ KH&CN đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động góp phần từng bước xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững và phát triển tại nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore, Mỹ….
Được đánh giá là hệ sinh thái KNĐMST có tốc độ phát triển nhanh trong nhóm nhanh nhất toàn cầu, các thành phần của hệ sinh thái dần phát triển rõ nét, các nhà đầu tư đang có sự tin tưởng rất lớn vào tiềm năng của hệ sinh thái KNĐMST của Việt Nam, kỳ vọng đây là thị trường tiềm năng ở châu Á. Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều sự kiện lớn về KNĐMST ở các nước phải hoãn, hoặc tổ chức online, Việt Nam là nước duy nhất tổ chức được Ngày hội KNĐMST quốc gia (Techfest Việt Nam 2020), với điểm nhấn là hơn 150 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước tham gia tìm kiếm cơ hội đầu tư. Kết quả quan tâm đầu tư đạt hơn 14 triệu USD, vượt các năm trước, chưa kể đến các kết nối đầu tư riêng của các vườn ươm khu vực tư nhân, các làng công nghệ. Theo thống kê, tổng giá trị các thương vụ đầu tư vào doanh nghiệp KNĐMST Việt Nam từ đầu năm đến nay là 290,43 triệu USD.
Ông Nguyễn Việt Đức – Founder/CEO Innovation Capital Management cho rằng, giai đoạn tới, hệ sinh thái KNĐMST cần phát triển hơn nữa để thật sự trở thành môi trường thuận lợi kiến tạo, nuôi dưỡng các ý tưởng và doanh nghiệp KNĐMST. Hệ sinh thái có sự tham gia mạnh mẽ từ các tập đoàn kinh tế lớn. Họ chính là các khách hàng lớn nhất của các startup. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của chuyên gia, nhà đầu tư, người Việt Nam thành công ở nước ngoài, do đó cần thiết phải có một đầu mối thống nhất quản lý, đóng vai trò điều phối các nguồn lực, như công nghệ, con người, vốn đầu tư.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa – Phó Viện trưởng Viện ĐMST, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh lại đề cập đến vai trò của các vườn ươm trong trường đại học. Theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái khởi nghiệp, trường đại học là thành tố rất quan trọng. Bên cạnh chức năng đào tạo con người, vai trò của các trường đại học ngày càng trở nên quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác với khu vực doanh nghiệp để thương mại hóa, ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ. Các trường đại học mạnh là nguồn sản xuất tri thức và công nghệ cho xã hội, cung cấp ý tưởng sáng tạo dồi dào cho các dự án khởi nghiệp, đóng góp cho sự gia tăng tài sản và năng lực trí tuệ của các doanh nghiệp.
Kết thúc Phiên thảo luận thứ nhất, các chuyên gia đã làm rõ vai trò và vị thế quan trọng của Tập đoàn kinh tế trong hệ sinh thái KNĐMST tại Việt Nam, các chuyên gia đều chia sẻ, mặc dù vậy thực tế đây là mảnh ghép “khuyết yếu”, còn nhiều việc cần làm trong thời gian tới.
Khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục “trong nguy có cơ”
Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “The rise of EdTech during and post Covid 19” nhấn mạnh câu chuyện “trong nguy có cơ”. Trong khi Covid-19 khiến không ít doanh nghiệp phải “bó gối” chờ thời, nhiều startup trong lĩnh vực công nghệ giáo dục bỗng trở thành những “ngôi sao mới nổi” thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư khi người dân có xu hướng chuyển sang học trực tuyến trong thời buổi đại dịch.
Các chuyên gia thảo luận tại phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “The rise of EdTech during and post Covid 19”
Lĩnh vực Edtech (công nghệ giáo dục) đang ngày càng phát triển. Vì sự an toàn, người dân có xu hướng chuyển sang học trực tuyến trong Covid-19. Báo cáo của Do Ventures, một quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam và Đông Nam Á, cho rằng Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực, và thời gian tới, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chính là giáo dục, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ tài chính.
Dù có nhiều tiềm năng, song Edtech không phải là “mảnh đất” dễ khai phá và mang lại thành công cho số đông. Hầu hết các startup và mô hình kinh doanh làm về giáo dục cần phải có đam mê và sự bền bỉ lớn bởi xét hiệu quả kinh tế thì không sánh được với những mảng khác về tiêu dùng, ăn uống, hay giải trí.
Dưới tác động của Covid-19, học trực tuyến đã trở nên thiết yếu và đây là thời điểm thuận lợi để các startup trong lĩnh vực Edtech tạo ra đột phá. Cụ thể, các startup có thể tận dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm cho cả học sinh và nhà trường. Đại dịch đã khiến số hóa trở thành một tiêu chuẩn mới và thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng E-learning (giáo dục trực tuyến), đi kèm với những giá trị tự nhiên như hiệu quả, khả năng tiếp cận dễ dàng hơn đối với đội ngũ giáo viên chất lượng cao, hay tính tương tác tốt và chi phí thấp.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng chỉ ra một số vấn đề thách thức với Edtech Startup, như tính “bảo thủ” trong hệ thống giáo dục, thách thức về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật. Giáo sư Sang Fil Han (Arizona State University) cho rằng thiếu hụt thiết bị đầu cuối, quá tải đường truyền là thách thức thực tiễn không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước phát triển. Ông cho rằng cần có đầu tư tới tầm vào ứng dụng các công nghệ cao như AI, Robotic vào EdTech, đó cũng là cơ hội cho startup trong lĩnh vực này. Chuyên gia đầu tư mạo hiểm Lê Nguyễn cho rằng dù có cơ hội lớn, nhưng thách thức thực sự với startup lại ở ý tưởng và mô hình kinh doanh.
“Try Everything” được tổ chức từ năm 2020 tại Seoul với mục đích tạo ra một hệ sinh thái sôi động hơn cho các công ty khởi nghiệp và nuôi dưỡng các doanh nhân trẻ tài năng theo đuổi ước mơ của họ trên toàn cầu. Sự kiện được đồng tổ chức bởi Chính quyền Thủ đô Seoul và Tập đoàn Truyền thông Maekyung, đơn vị cũng đã tổ chức thành công Diễn đàn Tri thức Thế giới (diễn đàn kinh doanh lớn nhất ở châu Á) trong 21 năm qua. Đây là ngày hội khởi nghiệp và hội nghị công nghệ số 1 châu Á, với sự tham dự của nhiều công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư triển vọng từ khắp nơi trên thế giới.
Việc phối hợp và tham dự vào chuỗi sự kiện “Try Everything 2021” lần này của Cục Công tác phía Nam đã khẳng định được mối quan hệ với tổ chức Seoul Startup Hub – cơ quan được thành lập bởi chính quyền thủ đô Seoul (Seoul Metropolitan Government) và Cục thương mại thành phố Seoul (Seoul Business Agency- SBA) càng trở nên hiệu quả.
|